Rưng rưng thư tay bà nội 90 tuổi viết cho 2 cháu sinh viên xa nhà

01/04/2022 12:14 GMT+7

Khi Hoàng Diệp và Huỳnh Đức vào TP.HCM đi học, bà nội 90 tuổi đã nắn nót viết thư tay động viên hai chị em cố gắng học hành, gặp nhiều may mắn. Vừa bất ngờ, vừa xúc động, hai chị em quyết định gìn giữ lá thư cẩn thận, làm động lực vượt qua khó khăn.

Mạng xã hội chia sẻ câu chuyện hai chị em vào lại TP.HCM sau gần một năm về quê tránh dịch. Món quà lớn nhất mà hai chị em nhận được từ bà nội là lá thư tay nội viết dù nét chữ không rõ nhưng chan chứa tình thương: “Hai cháu ra đi nội không có gì kỷ niệm, chúc cháu ra đi được dồi dào sức khỏe. Cầu xin ơn trên thầy mẹ ban ơn phước lành gặp nhiều may mắn xin việc được nhanh chóng, đứa học gặp chỗ dễ dàng. Nội chúc chị em được bình an vô sự, Đức cố gắng học được tiên tiến, còn Diệp thì dìu dắt em cho đến cùng, chứ đừng lớn tiếng em buồn rồi bạn bè khinh…”.

Bà nội chụp ảnh cùng Hoàng Diệp

NVCC

Rất nhiều cư dân mạng đã rưng rưng và “thả tim” không ngớt khi đọc câu chuyện này.

Tình thương bao la của nội

Theo tìm hiểu của Thanh Niên, nhân vật chính của câu chuyện trên là Nguyễn Phan Hoàng Diệp (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) và em trai Nguyễn Phan Huỳnh Đức (19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM), còn chủ nhân bức thư là bà Huỳnh Thị Tải (90 tuổi, bà nội Diệp và Đức).

Lá thư của bà nội 90 tuổi (ảnh trên); Lá thư của em trai út

Hoàng Diệp cho biết, từ đợt 30.4 năm ngoái cô về quê ở Quảng Nam nghỉ lễ và tránh dịch đến nay mới quay lại để tiếp tục học tập. Trước khi đi, bà nội lén dúi thư vào tay cô. Trước đó 2 tuần nội hơi đau nhức xương khớp nên khi viết tay bị run, chữ không được rõ. “Bà đưa lén lá thư chứ không công khai, đến lúc mình vào TP.HCM mới mở ra đọc được. Lâu rồi không nhận thư tay nhưng khi đọc xong mình thấy rất xúc động, nhớ nhà hơn, cảm nhận tình thương của nội rất cao cả”, Hoàng Diệp chia sẻ.

Cũng theo lời Diệp, bà nội cô năm nay đã 90 tuổi nhưng may mắn sức khỏe vẫn khá tốt. Gia đình cô theo đạo Cao Đài nên tối nào bà cũng dành ra 2 tiếng đọc sách. “Bà lúc nào cũng thương yêu con cháu, vui tính nên được mọi người trong xóm yêu quý”, Diệp tự hào và chia sẻ thêm: “Bà có sắm cái điện thoại “cục gạch” nên mỗi tuần mình thường tranh thủ gọi điện cho bà. Đây là lá thư thứ 3 bà viết cho các cháu, trước đó bà cũng viết cho mấy chị em họ của mình”.

Động lực vượt qua khó khăn

Ngoài thư của nội, Diệp cho biết đứa em trai út Nguyễn Phan Hoàng Vũ (12 tuổi) cũng viết thư lén bỏ vào vali, lúc đọc được cô rất bất ngờ. “Cùng lúc nhận 2 lá thư của người lớn tuổi nhất và người nhỏ tuổi nhất nhà, mà quan trọng không ai bảo ai viết nên đọc xong mình muốn khóc luôn”, cô nói.

Hai chị em Hoàng Diệp thuê trọ ở cùng với nhau.

Cả hai quyết định đi ép plastic hai lá thư, cất giữ cẩn thận. “Mình đi ép hai lá thư và cất giữ vào trong một cuốn sổ, lưu giữ làm kỷ niệm vì bà cũng lớn tuổi và em trai dần trưởng thành. Vào TP.HCM, việc học tập hay có gì khó khăn, vất vả thì những lá thư này sẽ tiếp thêm cho mình động lực để vượt qua những điều đó”, Hoàng Diệp tâm sự.

Huỳnh Đức chia sẻ, cậu thấy xúc động, vừa vui vừa buồn khi đọc được lá thư của bà nội và em trai. Với cậu, bà nội luôn là người vui tính, thương yêu con cháu. Em trai út là cậu bé sống giàu tình cảm, ở nhà hai anh em cũng thường xuyên nói chuyện với nhau. “Khi đọc xong mình thấy vui vì nhận được tình thương của nội, của em trai, còn buồn vì phải xa nhà, đến một thành phố khác lạ. Mình mới xuống nhập học được 2 tuần còn nhiều bỡ ngỡ. Mình sẽ giữ lá thư để nếu thấy áp lực hay mệt mỏi mang ra đọc sẽ có thêm tinh thần vượt qua. Mình chỉ muốn nội luôn có sức khỏe để sống mãi với tụi mình và em trai luôn chăm ngoan, học giỏi”, Huỳnh Đức bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.