Vậy tàu trọng tải 30.000 - 150.000 tấn đi đường nào vào neo đậu ở bến phao?
Những nghi vấn
Theo quy mô dự án xã hội hóa nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia, sẽ có 11 bến phao được đầu tư xây dựng, nằm rải rác từ ngã ba Tắc Cua đến ngã ba sông Cái Mép, kéo dài khoảng 9 km, đảm bảo cho tàu từ 30.000 - 150.000 tấn neo đậu. Ngày 26.2.2017, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT, ký văn bản chấp thuận chủ trương lựa chọn Công ty TNHH đầu tư - thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Hoàng Minh (gọi tắt Công ty Hoàng Minh) thực hiện dự án: “Cho phép nhà đầu tư bến phao, điểm neo đậu thực hiện nạo vét để thiết lập bến phao, khu neo đậu chuyển tải bằng kinh phí của doanh nghiệp, đảm bảo việc đưa các bến phao, khu neo đậu vào hoạt động trong quý 2/2017 (chấp thuận cho xin gia hạn đến hết ngày 31.12.2017 sẽ hoàn thành dự án - PV)”.
Dù quy mô bến phao là vậy, nhưng theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, vào ngày 12.12.2016, ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải, đã ký quyết định công bố luồng hàng hải sông Gò Gia với độ sâu tự nhiên khá “khiêm tốn”: chiều dài đoạn luồng sông Gò Gia (từ ngã ba Tắc Cua đến ngã ba Tắc Bài) 2 km, chiều rộng đáy luồng nhỏ nhất là 140 m, độ sâu hiện tại 10 m; chiều dài đoạn luồng sông Gò Gia (từ ngã ba Tắc Bài đến ngã ba sông Cái Mép), độ sâu 13 m. “Với độ sâu luồng hàng hải của sông Gò Gia hiện đạt từ 10 - 13 m, chỉ có tàu trọng tải từ 10.000 - 20.000 tấn mới vào được; còn tàu có trọng tải lớn hơn không thể vào được vì không đảm bảo an toàn hàng hải”, một cán bộ của Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, khẳng định. Nói cách khác, luồng chỉ đảm bảo cho tàu đến 20.000 tấn lưu thông, trong khi Bộ GTVT cho nạo vét bến phao để tàu 30.000 - 150.000 tấn neo đậu “giống như xây cầu kiên cố, quy mô nhưng không có đường dẫn lên cầu” (lời một chuyên gia giao thông nhận xét).
Một điều lạ nữa dư luận thắc mắc, nhiều phương tiện nạo vét suốt cả năm trời, từ tháng 6.2016 đến nay (tháng 5.2017) nhưng khối lượng thực hiện chỉ mới khoảng 79.000 m3 sản phẩm (!?). Ông Nguyễn Xuân Tĩnh, Phó giám đốc Cảng vụ TP.HCM, cho biết: “Đến nay, chủ đầu tư nạo vét xong bến phao số 5, số 10 và đang nạo vét bến phao số 1, số 4, dự kiến đến quý 3/2017 sẽ xong. Tổng khối lượng nạo vét được 79.000 m3”. Trong khi đó, theo thiết kế dự án được duyệt, chỉ riêng khối lượng nạo vét tại bến phao số 10 đã là 520.107 m3, bến phao số 5 là 164.306 m3. Lý giải về sự chênh lệch quá lớn này, ông Tĩnh nói: “Đây là khối lượng nạo vét do chủ đầu tư báo cáo. Tuy nhiên, khi nghiệm thu, các cơ quan chức năng phối hợp đo đạc lại mới có con số chính xác. Các công việc này đều được nhà đầu tư báo cáo và Cảng vụ TP.HCM kiểm soát chặt chẽ (?!)”.
|
|
|
Chủ đầu tư nói gì ?
Trước hàng loạt nghi vấn xung quanh dự án nạo vét khu neo đậu tránh bão, tận thu khai thác cát trên sông Gò Gia, H.Cần Giờ (TP.HCM), chiều 22.5 bà Tạ Thị Kim Oanh, Giám đốc Công ty Hoàng Minh, đã trả lời một số vấn đề Thanh Niên nêu.
Lý giải vì sao dự án đã triển khai cả năm trời, nay lại xin gia hạn kéo dài đến 31.12.2017, bà Oanh nói: “Thực tế, công ty chúng tôi chính thức khởi công dự án từ ngày 28.6.2016 và bắt đầu đưa phương tiện ra hoạt động tại dự án trên. Thời điểm đó, do nhiều nguyên nhân khách quan như thời gian hoàn thành các thủ tục theo quy định kéo dài... nên tiến độ thực hiện dự án bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, mặt bằng còn vướng nhiều lồng bè, đăng đáy của người dân... Mặc dù chính quyền địa phương rất nỗ lực và nhà đầu tư cũng chủ động trong việc thương thảo với người dân nhưng thực trạng trên vẫn không được giải quyết triệt để, dẫn đến không thể thực hiện đúng tiến độ đề ra. Hiện nay, hằng tháng đều có đoàn liên ngành đến kiểm tra tại dự án đang hoạt động, ngoài ra trong tuần đều có đoàn kiểm tra đột xuất của Cảng vụ hàng hải TP.HCM, CSGT đường thủy TP.HCM, UBND H.Cần Giờ. Vì vậy không có việc doanh nghiệp chúng tôi kéo dài dự án để khai thác cát”.
Về nghi vấn báo cáo sai số lượng thực nạo vét, cụ thể nếu đúng theo thiết kế và tiến độ mà ông Tĩnh thông tin, đến nay khối lượng nạo vét đã lên đến gần 700.000 m3, nhưng con số công ty đưa ra chỉ là 79.000 m3, bà Oanh khẳng định “Đến hết quý 1/2017, khối lượng cát mà công ty chúng tôi khai thác chỉ mới được khoảng 79.000 m3 cát”. “Tại hiện trường thi công luôn có tư vấn giám sát, giám sát công việc và ghi lại tất cả những hoạt động trong ngày nên không có việc công ty làm nhiều mà báo cáo ít”, bà này nói.
Cục Hàng hải “nói một đằng, làm một nẻo” ?
Như Thanh Niên đã thông tin, trong nội dung đề nghị Bộ GTVT xem xét giải quyết đề xuất xin gia hạn dự án nạo vét cho Công ty Hoàng Minh, Cục Hàng hải khẳng định với Bộ GTVT nếu được chấp thuận, Cục sẽ yêu cầu nhà đầu tư cam kết thực hiện nghiêm túc việc thi công đúng phạm vi, vị trí, chuẩn tắc thiết kế; chỉ cấp phép thi công ban ngày, không được thi công ban đêm; chỉ chấp thuận thi công bằng tàu hút bụng hoặc xáng cạp, không sử dụng sà lan xả đáy, phương tiện nạo vét có ống hút, thiết bị sàng lọc cát; toàn bộ sản phẩm nạo vét được tận thu, không đổ thải xuống sông... Thực tế, PV Thanh Niên ghi nhận doanh nghiệp sử dụng gần 10 tàu hút có ống hút, thiết bị sàng lọc cát khai thác cát, hoạt động ì xèo cả ngày lẫn đêm... Trả lời về vấn đề này, bà Tạ Thị Kim Oanh nói: “Đến thời điểm hiện tại, công ty chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản nào của cơ quan chức năng cấm sử dụng các phương tiện như báo nêu và thực tế các phương tiện của công ty chúng tôi khi đưa ra thi công thì đều được cấp phép của Cảng vụ hàng hải TP.HCM, các phương tiện nạo vét có ống hút của chúng tôi cũng đều giống các phương tiện của các nhà thi công khác cần có ống hút vì có những đoạn không sử dụng cần cạp được, và loại ống hút được gắn lên phương tiện chỉ hoạt động theo phương thẳng đứng...”. Bà này cũng khẳng định: “Để bảo đảm tiến độ thi công nên từ ban đầu tại hồ sơ đề xuất, công ty chúng tôi đã xin được làm 24/24 và đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản nào không cho phép công ty chúng tôi thi công vào ban đêm”.
|
Bình luận (0)