Rừng Sác thành làng du lịch

10/01/2005 10:32 GMT+7

Vào những ngày nghỉ lễ hoặc cuối tuần, trên con đường từ TP.HCM đi Đồng Nai, cách thành phố chưa đầy 20 km, xe cộ nối đuôi nhau chờ qua phà Cát Lái - Họ đi Nhơn Trạch. Trong số họ, có người lần đầu tiên tìm đến Nhơn Trạch theo "lời đồn" của bạn bè; cũng có người đã đến đây nhiều lần.

Vẫy vùng giữa sông nước, thiên nhiên

Vào những ngày cuối tuần hoặc lễ Tết, con đường đến Nhơn Trạch (Đồng Nai) hầu như chỉ dành cho khách du lịch. Xe chạy bon bon trên con đường nhựa phẳng lì, khách chưa hết ngỡ ngàng vì sự đổi thay nhanh chóng của Nhơn Trạch thì đến ngã ba rẽ vào cống Ông Kèo. Tại đây, nếu là người lần đầu đến, chắc chắn du khách không khỏi lúng túng trong giây lát vì sự xuất hiện của nhiều khu du lịch như: Bò cạp vàng, Sư tử vàng, Bằng lăng tím, Đảo hoa gió, Hương đồng, Thanh Phú...

Cách đó vài trăm mét, dù nằm gần thị trấn Nhơn Trạch nhưng không khí thật vắng lặng theo đúng tính chất của vùng nông thôn. Nhưng sau những khu rừng bạt ngàn lại vang lên những thanh âm là lạ. Tiếng xe máy, tiếng chào mua hàng, tiếng chào gọi của những người giữ xe... làm nhộn nhịp cả vùng đất được gọi là rừng Sác trước đây. Dưới sông, đội ghe cập bến sẵn sàng đưa khách sang bờ bên kia. Từ 9 giờ sáng trở đi, khách đến mỗi lúc một đông. Điều gì mà lôi cuốn người ta phải lặn lội hàng chục cây số (từ TP.HCM) đến đây? Lên thuyền sang ốc đảo là bước vào thế giới khác lạ, một bầu không khí trong lành, mát rượi. Những căn lều đầy gió từ ngoài sông thổi vào mát rượi. Gió đẩy vòng xoay quay tròn, gió đẩy đu quay nhanh hơn. Gió đẩy thuyền trôi trên sông...

Đứng trên cây cầu cao vừa hứng gió vừa ngắm nhìn một bức tranh sống động dưới nước. Dưới cái nắng dìu dịu, sông Ông Kèo trở nên chói chang bởi những sắc màu xanh hoặc da cam của những chiếc áo phao. Đó là bọn trẻ con đang vẫy vùng trên sông nước như chưa bao giờ được tắm. Đối với chúng, đây có thể là dòng sông tuổi thơ của kí ức mai sau...

Đằng xa, tiếng reo hò từ Đảo hoa gió của những "thí sinh" tham gia những trò chơi tập thể dưới nước như xe đạp nước, đi ván trên nước, cà kheo trên nước cũng không kém phần hấp dẫn. Trên bờ là những chiếc lều đầy ắp những tiếng cười giòn tan. Thật đúng nghĩa là chốn nghỉ ngơi cho những ngày cuối tuần và vui chơi của những dịp lễ Tết.

Nhiều loại hình du lịch phù hợp với mọi đối tượng

Tùy theo nhu cầu của mọi người mà có những loại hình phù hợp. Ai thích "mình ta với ta" thì chọn những "ốc đảo" phù hợp. Đặc biệt, ở Bò cạp vàng, khách có thể thưởng thức thanh âm "cá đâu đớp động dưới chân bèo" khi chọn ngôi nhà trong đám lá dừa nước. Từ những gốc cây dừa nước nằm lởm chởm, ông chủ khu Bò cạp vàng nảy sinh ý tưởng xây nên túp lều này giữa con mương. Bên những chùm dừa nước sai oằn ở trước nhà, người ta có thể trút hết những lo toan thường ngày mà buông cần chờ cá cắn câu.

Dưới biển là thế, còn trên non? Không phải đơn giản là có một chỗ lý tưởng "trên non". Phải "trèo đèo", đó chính là đoạn thang dây mới vào được ngôi nhà cao hơn 3m so với mặt đất. Lên non mà nghe rõ tiếng gió từ hàng bạch đàn của Trường Sơn năm xưa lồng lộng thổi. Hoặc khách có thể chọn những túp lều lẫn trong khu vườn trái cây. Giữa buổi trưa êm ả, lắc lư chiếc võng, nhìn con ong bầu vo ve khoét tổ mà đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng từ bao giờ không biết. Xa xa, tiếng cười vọng ra từ các khu lều nơi có những trò chơi tập thể.

Trong lúc đó, dọc theo các vườn hoa trong vườn, bọn trẻ đang rượt bắt những con cào cào trên cỏ. Chúng chỉ nghe người lớn nói ở quê có cào cào mà mơ được bắt nó như những bạn nhỏ ở nông thôn. Giờ điều ấy đã thành hiện thực. Ban đầu chỉ 1 rồi đến 2 và cuối cùng là cả nhóm trẻ tham gia. Ai muốn tìm hiểu về những ứng dụng của khoa học cụ thể như thế nào trong đời sống thì đến Đảo hoa gió. Đến mà xem ứng dụng của năng lượng mặt trời tạo thành dòng nước nóng. Người ta tận mắt chứng kiến những cánh quạt quay trong gió tạo thành dòng điện thắp sáng một "ốc đảo". Ai muốn yên tĩnh hơn thì sang khu du lịch Bằng lăng tím... Dù chọn địa điểm du lịch nào thì khách cũng được thưởng thức không khí trong lành ở hai bên bờ sông Ông Kèo.

Cảnh đẹp khiến du khách cảm thấy an tâm về chi phí cho chuyến du lịch. Đối tượng nào cũng có thể đến đây: với mức vé 5.000 đồng đối với người lớn là có thể ở lại đây cả ngày. Học sinh, sinh viên thì có thể tốn 10.000 đồng cho bữa cơm trưa. Nếu đi tập thể thì có thể góp vốn cho món lẩu 60.000 đồng hoặc 40.000 đồng. Có cả những món sang trọng nhưng theo yêu cầu của khách như tôm càng nướng, gà nướng thố, thỏ quay...

Một mình trên một đảo giữa hoang vu

Người ta kể lại rằng, chỉ cách TP.HCM khoảng 30 km, nhưng vùng đất quanh đập Ông Kèo ngày xưa toàn là ruộng đồng và những cánh rừng dừa nước bạt ngàn. Ban ngày, dân chỉ đến đây thăm ruộng rồi về. Vài năm sau, một vài người dân đến đây khẩn hoang. Họ tạo nên những vườn cây ăn trái trĩu quả. Lúc đó có một cán bộ hưu trí tên là Nguyễn Văn Sửu đang tìm kiếm mảnh đất để vui thú điền viên lúc già. Đất Sài Gòn vừa đắt đỏ vừa ồn ào, nên sau những lần đến chơi nhà bạn bè ở Nhơn Trạch, ông quyết định dừng chân ở vùng đất này. Có người e ngại dùm khi ông bỏ tiền vào "hoang đảo" này.

Ông tự tạo ra cuộc sống trên hoang đảo này. Ông trồng hoa kiểng, nuôi gà, chăm sóc cây trái... là vừa đủ một ngày. "Một mình ta với ta" nhưng cuộc sống thật thú vị với những giàn hoa giấy trổ bông hồng cả góc trời trong nắng. Những cây hoàng hậu (hay còn gọi là hoa bò cạp vàng) chen chúc bên những chùm bông vàng chói chang. Trưa thì mắc võng dưới những cây bạch đàn mà nghe âm vang Trường Sơn. Chiều chiều, trầm mình dưới dòng sông trong xanh sống lại thời thơ dại... Bầy gà chóng lớn, ông họp bạn bè từ thành phố đến. Họ ra về với lời hứa hẹn lần sau lại đến và kéo theo những người bạn.

Cứ thế, vùng đất ấy gieo vào đầu ông ý tưởng: bạn bè đến, bạn của bạn đến, ai cũng thích thì tại sao không mở khu du lịch. Đó là khởi đầu năm 1999 với tên gọi Cù lao giấy. Chỉ là hình thức đơn giản như trò chơi dưới nước, cắm trại. Vậy mà, thoắt một cái, mọi sự đổi thay nhiều hơn trước. Cù lao giấy bây giờ đổi thành Bò cạp vàng. Những người khác, trong đó có bạn ông tìm về đây thấy hay cũng nối tiếp mua những khoảng đất còn lại. Bây giờ tạo thành làng du lịch. Sông Ông Kèo, ngày nào chỉ có dừa nước, giờ chi chít lều ở hai bên bờ sông. Có nơi 2 khu du lịch chỉ cách nhau bước chân, nên người ta còn gọi nơi đây là "làng du lịch ven sông". 

(Theo Vneconomy)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.