|
|
Cụ thể ở H.Đăk Đoa, theo thống kê, đã có 150 ha rừng thông đã bị cạo lấy vỏ. Những cây thông ở đây bị cạo từ gốc lên từ 2 - 3 m; nhiều cây đang còn chảy nhựa. Sáng 18.5, H.Đăk Đoa đã tổ chức cuộc họp khẩn để tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng này.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Bí thư Huyện ủy Đăk Đoa, nói: “Đây là điều đáng lo ngại; không loại trừ chuyện phá hoại về kinh tế. Huyện đang rất quyết tâm để bảo vệ rừng thông. Sai phạm của lực lượng chức năng đến đâu thì xử lý đến đó. Đối với người dân khai thác, mua bán phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.”
Còn tại xã Ia Der, H.Ia Grai, rừng thông hơn 30 - 40 năm tuổi thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ bắc Biển Hồ bị thiệt hại nặng nề nhất. Đa số những vụ cạo vỏ thông xảy ra trong đêm; lợi dụng sự lơi lỏng của lực lượng chức năng.
Ông Nguyễn Tất Thanh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ, cho biết: “Khu vực đồi thông thuộc tiểu khu 309, xã Ia Der, có tổng diện tích hơn 60 ha. Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện gần 1.000 cây thông bị róc vỏ; 715 cây thông bị róc một phần vỏ khô bên ngoài; 276 cây thông đã bị chết khô, thân còn đứng nguyên tại hiện trường, vỏ cây đã bị bóc sạch từ gốc lên khoảng 2 - 3 m so với mặt đất”.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, tình trạng cạo vỏ cây thông, thậm chí róc nguyên cả mảng vỏ cây xảy ra thời gian gần đây nhằm phục vụ cho thú chơi hoa lan và lót chuồng các loài thú cưng, như: chó, mèo, bò sát… Trên các trang mạng, tình trạng quảng cáo, mua bán vỏ thông làm giá thể cho lan, lót chuồng cho thú cưng diễn ra công khai. Từ những vỏ cây không mấy ai để ý, chỉ 1.000 -2.000 đồng/kg thì giờ này vỏ thông được rao bán với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Đã có hàng trăm, hàng nghìn cây thông bị bức tử kiểu này. Ngay cả hàng thông cổ thụ hàng trăm năm tuổi tại khu vực Biển Hồ, được xem là báu vật còn sót lại của phố núi Pleiku, cũng bị cạo vỏ không thương tiếc.
Bình luận (0)