Rước bệnh từ giày cao gót

09/07/2016 14:00 GMT+7

Giày mũi nhọn gót cao giúp cải thiện chiều cao, tạo dáng đi uyển chuyển nhưng nếu mang thường xuyên sẽ phải đối diện với nguy cơ bị vẹo ngón cái, một bệnh lý khiến bàn chân mất thẩm mỹ và đặc biệt gây ảnh hưởng đến sức khỏe của xương.

Theo một điều tra ở Mỹ năm 2003, hơn một nửa số ca bệnh lý bàn chân có nguyên nhân do mang giày dép không phù hợp (về kiểu dáng, kích cỡ, mục đích, chất liệu...). Trong đó 1/3 phải phẫu thuật, 1/5 dùng biện pháp khác, số còn lại phải chịu đựng đau đớn mà không tìm cách hoặc biết cách giải quyết.
Ngón cái vẹo ngoài vì giày mũi nhọn
Tự bản thân đôi giày cao gót đã ẩn chứa yếu tố không vững khi đứng hay di chuyển do phần đế và phần mũi quá nhỏ. Khi mang giày cao gót, lực chia không đều lên bàn chân mà truyền từ đùi đến cẳng chân qua gót chân và đi thẳng đến phần khớp bàn ngón chân. Như vậy, trọng tâm cơ thể không còn nằm giữa hai bàn chân mà di chuyển ra trước. Ngoài ra, khi mang giày cao gót, phụ nữ phải ưỡn ngực để đẩy trọng tâm cơ thể ra trước nhằm tránh té ngã. Mặt khác, khi đi phần chịu lực đầu tiên không phải ở gót chân như bình thường mà nhanh chóng chuyển đến mũi bàn chân, tức khớp bàn ngón chân nên tác dụng làm giảm phản lực từ đất dội lên của vòm bàn chân bị mất, về lâu dài sẽ gây tổn hại cho hệ thống xương khớp.

Theo TS-BS Tăng Hà Nam Anh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), phụ nữ trở nên duyên dáng và hấp dẫn hơn khi mang giày cao gót vì dáng người uyển chuyển, nhưng đổi lại sẽ phải đối mặt với nguy cơ té ngã gây bong gân cổ chân do mất thăng bằng. Ngoài ra, vùng khớp bàn ngón chân rất hay bị đau và thoái hóa sớm do phản lực từ đất dội lên trực tiếp; hơn nữa cột sống ưỡn lâu ngày sẽ gây đau lưng. Và đặc biệt, mũi giày nhọn bó các ngón chân nên lâu dần ngón cái sẽ bị vẹo ra ngoài, các ngón còn lại vẹo vào trong làm đau khớp bàn ngón chân cái và gây ra chứng bệnh gọi là ngón cái vẹo ngoài.
Bác sĩ Nam Anh cho biết, bệnh vẹo trục ngón chân cái là một bệnh lý thường gặp ở phụ nữ, mà nguyên nhân phổ biến là do mang giày cao gót thường xuyên. Khi đi giày mũi nhọn, mũi giày thường ôm chân, ngón cái hướng vẹo vào trong. Nếu đi nhiều trong thời gian dài, ngón chân cái có thể bị biến dạng, vẹo tới mức chồng lên trên ngón chân thứ hai, và các biểu hiện kèm theo là dây chằng biến dạng, xương biến dạng, gân cơ lệch trục và gây đau cho người bệnh.
Rước bệnh từ giày cao gót 1
“Gót hồng” rên rỉ
Ở VN trước đây, loại bệnh lý ngón cái vẹo ngoài ít được quan tâm do xuất hiện với tần suất thấp. Tuy nhiên, những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của làng thời trang giày dép, phụ nữ, nhất là các chị em làm việc chốn công sở đã không ngừng chạy theo xu hướng mới, mà trong đó giày cao gót là phụ kiện không thể thiếu mỗi khi ra đường, và với lý do đó, loại bệnh lý này đang có chiều hướng gia tăng.
Ở người bình thường, đốt bàn ngón cái và các đốt của ngón cái nằm trên một đường thẳng. Với những người đi giày mũi nhọn, gót cao thường xuyên, đường thẳng này không còn thẳng nữa do sự biến dạng của ngón cái. Cụ thể là trên đường thẳng ấy, tại nơi tiếp giáp giữa đốt một của ngón cái và đốt bàn ngón, sẽ thấy nhô ra một cục trông giống như “củ hành”. “Củ hành” này lúc đầu nhỏ và không gây đau đớn nhiều, nhưng về sau nếu liên tục mang giày bít mũi, nó sẽ to ra, gây đau rát, khó chịu. Vùng da tại nơi đó có thể đỏ, rộp, trầy xước hay phỏng nước ở vị trí tiếp xúc. Cùng với sự phát triển về kích thước, lớp da bao bọc ngoài “củ hành” cũng đồng thời dày lên và chai, cho đến một ngày “củ hành” ấy làm cho khớp bàn ngón bị thoái hóa và ngón cái không còn ở vị trí bình thường nữa mà giới y khoa gọi là chứng ngón cái vẹo ngoài, bác sĩ Nam Anh phân tích.

tin liên quan

7 lý do khiến bạn đau chân
Đau chân có rất nhiều nguyên nhân, nó có thể do lối sống hằng ngày và cũng có thể do tình trạng sức khỏe của cơ thể. Dưới đây là 7 nguyên nhân khiến chân bạn đau và cách để giảm thiểu cơn đau, theo womansday.

Nên phát hiện sớm
Trên thực tế, khi thấy bóng dáng của “củ hành” xuất hiện giữa đốt một của ngón cái và đốt bàn ngón, nhiều người nghĩ ngay đến bệnh gút. Thế nhưng, đi kiểm tra không phát hiện ra bệnh gút, họ mới tá hỏa khi biết mình bị chứng ngón cái vẹo ngoài. Ngón cái càng vẹo nhiều thì “củ hành” càng lớn.
Bác sĩ Nam Anh cho biết bệnh lý vẹo ngón cái do giày mũi nhọn, gót cao dễ khắc phục và không ảnh hưởng nhiều đến việc đi lại, vận động nếu như được phát hiện sớm. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh ở mức độ nặng, người bệnh không thể đi lại được do quá đau đớn, phẫu thuật tạo hình lại ngón cái là chỉ định gần như bắt buộc. Điều trị bệnh lý này trong giai đoạn sớm, chị em nên nói lời chia tay với giày cao gót và cần thiết phải mang nẹp ngón chân cái. Nẹp này có chức năng tách ngón, được làm bằng một mẩu cao su nhỏ chèn giữa ngón cái và ngón thứ hai giúp cho ngón cái được giữ ở vị thế chỉnh thẳng bình thường hơn.

tin liên quan

Mang giày cao gót được gì, mất gì?
(TNO) Đừng bị cuốn hút bởi sự quyến rũ của những đôi giày cao gót mà không lường trước được những hậu quả mà nó mang đến cho sức khỏe.

Khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, bác sĩ buộc phải cắt xương, sửa trục, chỉnh cho thẳng lại. Phẫu thuật đối với bàn chân rất nặng nề vì sau khi mổ phải mất 2 - 3 tháng xương mới lành lại. Khi xương chưa lành thì không thể di chuyển và đôi khi phẫu thuật còn gây đau cho bệnh nhân vì bàn chân thường chỉ có da và xương, rất dễ xảy ra biến chứng rối loạn dinh dưỡng sau khi mổ. Bệnh nhân sẽ cảm thấy khó chịu, rấm rứt vào ban đêm, chân sưng lên, thậm chí còn xảy ra tình trạng loãng xương cục bộ tại bàn chân, lúc đó vấn đề điều trị sẽ gặp khó khăn hơn.

tin liên quan

Cảnh báo những thói quen ở phụ nữ gây hại cho khớp
Chế độ vận động không hợp lý, tăng cân quá nhanh, thường xuyên ngồi xổm, đi giày cao gót hay làm việc quá sức… đều là những thói quen có hại, góp phần làm bệnh thoái hóa khớp xuất hiện sớm ở nữ giới.

Do đó, bác sĩ Nam Anh khuyến cáo phụ nữ không nên lạm dụng giày cao gót, mũi nhọn. Nếu mang giày cao gót mũi nhọn đi làm, nên sắm thêm một đôi dép tại nơi làm việc để giúp chân được “thở” cũng như tránh được nguy cơ bị vẹo ngón cái. Phụ nữ trung niên nếu thấy đau khi mang giày cao gót, mũi nhọn và bàn chân có nổi “cục hành” nên lập tức đi khám để phòng ngừa những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.