CÓ RUỘNG CŨNG NHƯ KHÔNG
Dù thời điểm hiện tại đang là vụ lúa hè thu nhưng cả cánh đồng rộng lớn của người dân khu phố Quyết Thắng và khu phố Vạn Thắng 2 (P.Nguyên Bình) chỉ toàn cỏ dại, lác đác vài khoảnh ruộng người dân tiếc rẻ gieo cấy theo kiểu ăn may.
Theo người dân địa phương, có khoảng hơn 13 ha đất 2 vụ lúa phải bỏ hoang kể từ khi xây dựng đập giữ nước để phục vụ việc sản xuất nước sạch của Nhà máy nước sạch Nghi Sơn (tại khu phố Quyết Thắng). Ông Phạm Văn Nguyên (68 tuổi, ngụ khu phố Quyết Thắng) bức xúc nói: "Trước đây nước trên thượng nguồn đổ thẳng về biển, nên khu vực ven sông cầu Hung này vẫn gieo cấy bình thường, không bị ngập úng. Nhưng từ khi xây đập ngăn nước thì cứ cấy lúa xuống là ngập úng hết. Gia đình tôi có 2 sào đất trồng lúa nhiều năm nay phải bỏ hoang vì cấy lúa mấy hôm lại bị ngập chết hết. Bao nhiêu năm bị ngập úng như thế nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm, đền bù, hỗ trợ".
Đất trồng lúa bỏ hoang suốt 25 năm vì nhà máy nước
Ông Trần Văn Lực, Trưởng khu phố Quyết Thắng, cho biết có khoảng hơn 13 ha đất lúa của gần 100 hộ dân các khu phố Quyết Thắng và Vạn Thắng 2 bị ảnh hưởng bởi việc ngăn nước đập cầu Hung, buộc phải bỏ hoang 25 năm qua. Người dân đã gửi đơn kiến nghị nhiều nơi nhưng đến nay vẫn bế tắc, không có cách giải quyết. "Trước đây Phòng kinh tế, rồi Phòng Nông nghiệp của thị xã về kiểm tra nhiều lần, nhưng cũng không có cách giải quyết. Dân không trồng lúa được thì bị đói, vì nhiều hộ toàn bộ đất canh tác nằm ở khu vực này. Nguyện vọng của người dân là nếu nhà máy nước cần tích nước thì thu hồi đất rồi đền bù hỗ trợ. Giờ lứa trẻ có thể đi làm công nhân, nhưng lứa tuổi từ 50 trở lên thì chỉ có thể làm ruộng thôi, vậy mà ruộng đất bị ảnh hưởng nhiều năm như thế vẫn không có cách giải quyết cho người dân", ông Lực nói.
25 NĂM DÙNG DẰNG, CHƯA CÓ LỐI THOÁT
Ông Lê Huy Dương, Chủ tịch UBND P.Nguyên Bình, thừa nhận việc xây dựng đập tích nước phục vụ Nhà máy nước sạch Nghi Sơn là một trong những nguyên nhân khiến đất nông nghiệp của người dân không thể gieo cấy, cho đến nay vẫn chưa tìm được lối thoát. "Trước đây, UBND H.Tĩnh Gia (nay là UBND TX.Nghi Sơn - PV) chỉ đạo giải quyết bằng cách đổi diện tích đất 5% do xã quản lý cho các hộ có đất bị ngập sang khu vực khác để canh tác, nhưng diện tích đất 5% không đủ để đổi. Và biện pháp nữa là phường phối hợp với nhà máy nước cứ đến mùa vụ thì hạ mực nước xuống cho dân gieo cấy. Tuy nhiên, từ năm 2010 trở về đây, vừa do khu vực này thường xuyên bị ngập úng, vừa do lao động đổi nghề đi làm công nhân nên nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang. Giờ mong muốn của bà con là nếu cần thì thu hồi đất rồi đền bù cho người dân", ông Dương cho hay.
Cũng theo ông Dương, đã nhiều lần người dân có ý kiến qua các cuộc tiếp xúc cử tri, họp HĐND, thậm chí gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng đề xuất phương án thu hồi rồi đền bù diện tích đất bị ngập úng, nhưng thẩm quyền của UBND P.Nguyên Bình chỉ có thể kiến nghị với cấp trên chứ không thể quyết định việc có thu hồi hay không.
Bình luận (0)