Giáo sư Ian Olver của Hội đồng Ung thư Úc cho biết, gần đây các nhà khoa học đã phát hiện rượu là một yếu tố nguy cơ đối với một số bệnh ung thư, phổ biến nhất là ruột, vú, và cả ung thư miệng. Trong khi đó, Giáo sư Robin Room tại Melbourne (Úc) nói, nhiều bằng chứng cho thấy tác hại của rượu không có sự khác nhau về mặt hình thức.
Theo Bodyandsoul, gần 3.000 người Úc được chẩn đoán mắc bệnh ung thư do tiêu thụ quá nhiều rượu vào năm 2005. Và ngạc nhiên là con số này có chiều hướng nghiêng về phụ nữ hơn nam giới. Paula Green, 54 tuổi, một bà mẹ của cặp song sinh ở New South Wales (Úc), cai rượu cách đây 21 năm đã bị sốc khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú vào năm 2003, và càng sửng sốt hơn khi biết rằng rượu là một tác nhân dẫn đến bệnh này. “Tôi bỏ rượu vì lo ngại cho sức khỏe, chứ không hề nhận ra nó liên quan đến vùng ngực cho đến khi được chẩn đoán rượu thực sự là yếu tố khơi mào cho bệnh ung thư vú của tôi”, Green, người đang hồi phục từ trận chiến với rượu cho biết.
Một khảo sát đáng báo động khác cũng được tiến hành ở Úc phát hiện tỷ lệ nhập viện do rượu ở phụ nữ trong độ tuổi từ 18-24 tăng gần gấp đôi từ năm 1998 - 2006. Theo các nhà khoa học, uống cùng lượng đồ uống mỗi ngày như đàn ông, nhưng phụ nữ đặt sức khỏe vào nguy cơ lớn hơn so với nam giới.
Nếu đàn ông và phụ nữ đều uống 10 ly rượu một ngày, phụ nữ có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của bệnh ung thư hay xơ gan, vì sự khác biệt sinh lý giới tính, bao gồm cả tỷ lệ khác nhau của chất béo. Vì vậy, đừng cho rằng bạn có thể uống nhiều như một người đàn ông, Giáo sư Ann Roche, Giám đốc Trung tâm quốc gia về Nghiện tại Đại học Flinders ở Adelaide (Úc) cảnh báo. Lý do đơn giản là phụ nữ không thể chuyển hóa rượu hiệu quả như đàn ông.
Ở phương diện khác, rượu chỉ thực sự có lợi khi được uống với hàm lượng vừa phải. Rượu, đặc biệt là rượu vang hữu ích trong việc bảo vệ sức khỏe của tim khi nhấm nháp chừng 1 ly vào bữa ăn tối. Đây là thời điểm được dự đoán tốt nhất mang đến sức khỏe cho tim mạch.
Trúc Lam
Bình luận (0)