(TNO) “Poppygate” là chuyện tranh cãi om sòm giữa FIFA và giới bóng đá Anh suốt những ngày qua, liên quan đến việc dùng biểu tượng hoa anh túc (poppy, loài thực vật dùng để điều chế ma túy, có hoa đỏ rực) trong ngày 13.11 (giờ VN).
Các đội tuyển Anh, Scotland, Xứ Wales đều muốn biểu tượng hoa anh túc xuất hiện trên áo thi đấu của họ trong loạt trận giao hữu quốc tế ngày 13.11. FIFA thì cấm. Nhưng tất nhiên, việc muốn hoặc cấm dùng biểu hoa anh túc không liên quan gì đến mối quan hệ giữa loài thực vật này và ma túy!
Hoa anh túc là biểu tượng của "Remembrance Day", ngày cực kỳ quan trọng của các nước thuộc khối Thịnh vượng chung. Đấy là ngày kết thúc Đệ nhất thế chiến (11.11.1918), và dân Anh luôn dùng ngày này để tưởng nhớ những người đã nằm xuống trong chiến tranh.
Mọi người đều biết, ý nghĩa của việc tưởng nhớ không chỉ là… nhớ. Cũng giống như người ta không chỉ nhớ về Robert Enke - ngôi sao của bóng đá Đức đã tự tử trên đường ray của tàu cao tốc trong ngày 10.11.2009. Người ta tưởng nhớ là để suy nghĩ, nghiền ngẫm, nhắc nhở, giáo dục nhau… để cùng nhau rút ra kinh nghiệm và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Thế, vì sao FIFA lại nghiêm cấm việc in hình hoa anh túc lên áo để tưởng nhớ những người đã nằm xuống trong chiến tranh? Hết sức đơn giản: bóng đá không liên quan gì đến chính trị. Nguyên tắc của FIFA vốn dĩ luôn là như vậy. Và Chủ tịch FIFA Sepp Blatter luôn chực chờ cơ hội ngày tưởng nhớ năm nay rơi đúng vào thứ sáu 13.11, ngày có loạt trận quốc tế, để giương cao ngọn cờ “bóng đá không chính trị” của FIFA.
Nhưng rút cuộc, Blatter và FIFA cũng đành nhượng bộ khi một số nhân vật có địa vị cực kỳ quan trọng ở nước Anh can thiệp vào “Poppygate”. FIFA đành phải đồng ý để cho biểu tượng hoa anh túc và băng đen xuất hiện trong loạt trận quốc tế ngày 13.11. Chỉ riêng sự nhượng bộ này đã là… quá chính trị rồi.
Ngũ Viên
Bình luận (0)