Rút ngắn khoảng cách

29/03/2016 06:23 GMT+7

Đọc tiêu đề, ai cũng liên tưởng đến cách biệt giàu - nghèo của người Việt hiện nay. Hoặc đối chiếu sự phát triển của VN với các nước khu vực ngày càng xa. Khoảng cách làm những người Việt chân chính ưu tư, lo lắng đến trằn trọc.

Đọc tiêu đề, ai cũng liên tưởng đến cách biệt giàu - nghèo của người Việt hiện nay. Hoặc đối chiếu sự phát triển của VN với các nước khu vực ngày càng xa. Khoảng cách làm những người Việt chân chính ưu tư, lo lắng đến trằn trọc.

Đích đến của cách mạng VN, lý tưởng của bao thế hệ từ năm 1930 là một xã hội phồn vinh, công bằng, sánh vai cùng bè bạn năm châu. Ước mơ đó vẫn cháy bỏng, dù gặp nhiều khó khăn và đủ thứ cản trở, cũng phải thực hiện bằng được.
Bài viết này muốn nói về khoảng cách khác. Đó là khoảng cách giữa lời nói và việc làm của cán bộ với người dân, nguyên nhân của rất nhiều khoảng cách khác. Khoảng cách này chỉ được hình thành sau khi cách mạng giành được chính quyền, ngày càng lớn và chưa có cách rút ngắn hiệu quả. Dưới mắt nhiều cán bộ, họ luôn làm hết sức mình, xã hội luôn tốt đẹp; kẻ xấu và cái ác chỉ là cá biệt. Từ bộ ngành cho đến đoàn thể. Báo cáo nào cũng tô hồng, cũng na ná thắng lợi, ít dám đối mặt với thực tế cuộc sống gay gắt của người dân.
Gần đây nhất, trong phiên họp Chính phủ, mà điển hình là sự khen qua khen lại giữa Bộ Y tế và Bộ NN-PTNT, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã nói thẳng “Hai bộ làm tốt thế sao người dân vẫn phải ăn bẩn”. Câu chất vấn mang tâm tư của một người dân hơn là của Ủy viên Bộ Chính trị. Từ ngày nhận nhiệm vụ mới, ông Đinh La Thăng đang là người tiên phong rút ngắn khoảng cách giữa lãnh đạo và người dân, từ cách nghĩ, lời nói và cả hành động.
Đất nước tràn ngập anh hùng (cả cá nhân và tập thể) cùng đơn vị văn hóa nhưng tệ nạn xã hội ngày càng nhức nhối. Báo cáo cứ phiến diện một chiều, gần như ngành nào cũng vậy, trong đó có du lịch. Người nói thẳng nói thật dễ bị vạ miệng nên ít ai dám đấu tranh. Nhà nước cứ đòi bằng chứng quả tang. Dù có trong tay đủ lực lượng nghiệp vụ, nhà nước cũng bất lực thì người dân tay không làm sao có đủ bằng chứng? Khi có bằng chứng, ai đảm bảo người tố cáo tiêu cực được an toàn? Cuối cùng, người tốt bị cô lập, nhiều người đành giả điếc, giả mù; không nghe, không thấy, chọn thái độ “im lặng là vàng” dù lương tâm cắn rứt.
Khoảng cách giữa nhà nước và nhân dân là ISO chất lượng lãnh đạo, là thước đo uy tín của cán bộ. Bệnh báo cáo láo, chạy theo thành tích, khoái danh hiệu thi đua... nguy hiểm không kém giặc ngoại xâm. Đó là căn nguyên của nạn nhũng nhiễu, tham ô, lãng phí; đang di căn vào niềm tin của người dân với chế độ. Cần chẩn đoán đúng bệnh, được điều trị đúng thầy và những liều thuốc mạnh mới đủ sức cắt bệnh.
Chỉ khi người dân được trao quyền giám sát thật sự, từ lời nói, việc làm cho đến việc đánh giá kết quả; được phản biện trước những phát biểu và báo cáo tô hồng của cán bộ thì khoảng cách mới càng được rút ngắn. Cán bộ hay lãnh đạo, trước hết cũng là công dân. Khoảng cách càng rút ngắn thì hiệu quả công việc càng cao. Đó là cách tốt nhất để đất nước tăng tốc phát triển, đuổi kịp bạn bè.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.