Rút ngắn thời gian khắc phục sự cố điện

05/12/2016 09:00 GMT+7

Đây là một trong những công tác xử lý tình huống đang mang lại hiệu quả cao tại các tỉnh thành phía Nam, giúp hàng triệu người dân, doanh nghiệp 'thoát' cảnh mất điện kéo dài mỗi khi xảy ra sự cố điện.

Ứng dụng công nghệ thông minh
Một trong những địa phương thực hiện tốt việc khắc phục sự cố điện ở phía Nam là tỉnh Bến Tre. Theo Công ty Điện lực Bến Tre, để phát hiện và xử lý nhanh sự cố điện là nhờ hệ thống lưới điện thông minh, được công ty nghiên cứu và lắp đặt cách đây 6 năm. Đây là mô hình điều khiển vận hành lưới điện từ xa.
Chia sẻ hiệu quả thiết thực của mô hình này, ông Phạm Thanh Trúc, Phó giám đốc Công ty Điện lực Bến Tre, cho biết hệ thống quản lý lưới điện được điều khiển từ xa, nhờ nhiều nút thiết bị gồm recloser, tụ điện bù, điện kế điện tử lắp trên hệ thống lưới điện khắp các địa phương của Bến Tre và bảng điện Mimic thể hiện sơ đồ hệ thống điện 22 kV.
Qua mạng truyền dẫn cáp quang nội bộ, hệ thống này sẽ thu thập dữ liệu, thông số vận hành lưới điện liên tục. Đặc biệt, hệ thống có thể báo sự cố và xác định chính xác khu vực xảy ra sự cố. Tất cả thông tin thu thập được truyền về phòng điều hành hệ thống đặt tại trụ sở công ty.
Từ đây, tùy theo sự cố mà người theo dõi có thể đóng cắt các thiết thị điện cách xa vài chục cây số để khoanh vùng, hạn chế sự lan rộng của sự cố. Hệ thống lưới điện thông minh có nhiều ưu điểm vượt trội so với hệ thống lưới điện thông thường.
“Trước đây, nếu muốn biết thông số vận hành trên lưới điện, điện lực phải bố trí nhân sự đi đo thực tế, nhưng các con số thu được cũng chỉ để tham khảo. Trong khi đó, với lưới điện thông minh các thông số được hiển thị tức thì theo thời gian thực, giúp điều độ viên có đánh giá tổng quát về trạng thái điện đang vận hành và có điều chỉnh thông số phù hợp. Mỗi lần có sự cố thì phòng điều hành sẽ phát hiện ngay lập tức trong vòng 2 phút nên giảm thời gian mất điện, nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện đối với khách hàng”, ông Trúc nói. Hiện mô hình lưới điện thông minh đang được Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) triển khai ở các đơn vị trực thuộc.
Hiệu quả của ghi chỉ số công tơ từ xa
Cùng với ứng dụng mô hình lưới điện thông minh, hiện EVN SPC đã triển khai đề án “Ứng dụng công nghệ mới trong đo ghi chỉ số công tơ từ xa”. Mục tiêu của đề án là xây dựng một hệ thống thu thập các thông số từ xa, có khả năng tự động hóa hầu hết các thao tác từ ghi chỉ số, phân tích và truyền số liệu theo nhu cầu quản lý.
Đây là cơ sở để EVN SPC có thể giám sát, phát hiện các hành vi tác động vào hệ thống đo đếm điện năng, góp phần giảm tổn thất điện trong kinh doanh; nâng cao năng suất lao động, tối ưu hóa chi phí sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hỗ trợ khách hàng kiểm soát lượng điện năng tiêu thụ, nâng cao độ an toàn trong sử dụng các thiết bị điện.
Hiện tại, các công ty điện lực trực thuộc EVN SPC ở 21 tỉnh, thành phía Nam đều triển khai đồng bộ đề án này. Theo thống kê, đến tháng 11.2016, các công ty điện lực thuộc EVN SPC đã hoàn thành việc lắp đặt hơn 1,5 triệu công tơ điện tử và xây dựng đồng bộ hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa, giúp EVN SPC giảm được hơn 550 nhân viên ghi chỉ số công tơ, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Theo kế hoạch, trong thời gian tới, EVN SPC sẽ tiếp tục huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống thu thập dữ liệu từ xa và lắp đặt công tơ điện tử cho tất cả khách hàng sử dụng điện. Đồng thời triển khai chương trình quản lý truyền tải điện tiên tiến, nâng cao hiệu quả tiêu dùng điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải của khu vực nông thôn và cận nông thôn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng điện.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.