Tại cuộc trao đổi với báo chí ngày 12.12 xung quanh dự thảo quy hoạch ngành thép đang lấy ý kiến các bộ ngành, trả lời câu hỏi của Thanh Niên lý do dự án thép Cà Ná không còn gắn với tên Tập đoàn Hoa Sen, ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), thừa nhận để tên chủ đầu tư trong quy hoạch là phản cảm nhưng việc rút tên không phải vì áp lực dư luận.
Ông Hoài cho hay, quy hoạch chỉ là cơ sở để các doanh nghiệp (DN) được nghiên cứu dự án. Tuy nhiên, khi đề xuất dự án thì tỉnh Ninh Thuận có nêu đích danh nhà đầu tư nên trong dự thảo quy hoạch bộ đã để tên DN này gắn với dự án. "Có điều, sau khi xem xét lại chúng tôi thấy để tên các DN trong quy hoạch là phản cảm nên thống nhất không để tên một đơn vị nào. Hơn nữa, sau khi nghiên cứu, có thể DN này thấy không khả thi thì rút, DN khác có thể vào thay thế mà không cần phải sửa quy hoạch", ông Hoài lý giải.
Vụ trưởng Công nghiệp nặng cũng chia sẻ, cá nhân ông đề nghị các DN ngành thép như Hoa Sen, Hòa Phát nên làm các dự án lò cao với công suất lớn, trên 4 triệu tấn/năm là nhằm mục đích hình thành được một số tập đoàn lớn, từ đó lôi kéo các DN công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi. Theo ông Hoài, cũng vì thế nên trong quy hoạch đang lấy ý kiến, bộ đã loại bỏ hầu hết các dự án mới mà có công suất dưới 500.000 tấn/năm. Quan điểm của những người xây dựng quy hoạch là mong muốn VN có từ 3 - 4 tập đoàn lớn làm thép là đủ, thay vì "trăm hoa đua nở" như giai đoạn vừa qua.
Ông Hoài cũng bác bỏ thông tin cho rằng các dự án thép đang sống bằng ưu đãi, ví dụ như nhờ điện giá rẻ. "Ví dụ lò cao của Tập đoàn Hòa Phát chẳng hạn, họ không mua điện, hoặc nếu có thì rất ít, thậm chí họ bán điện vào lưới điện quốc gia. Hơn nữa, tổng lượng điện ngành thép tiêu thụ khoảng 4 tỉ kWh/năm, tức chỉ 2% trong tổng lượng điện sản xuất được nên rõ ràng không có ưu đãi nào về giá điện", ông nói thêm.
Bình luận (0)