|
|
Liên hệ với số điện thoại 0906... giới thiệu “Nhận rút tiền mặt từ thẻ tín dụng và đáo hạn nợ thẻ tín dụng Visa, Master tại Hà Nội. Phí linh hoạt từ 2,2% đến 2,5%”, đầu dây là một giọng nam hướng dẫn thêm: “Nếu muốn rút tiền từ thẻ tín dụng chị cung cấp thêm số CMND đúng với chủ thẻ. Chị quẹt thẻ qua máy POS (máy thanh toán quẹt thẻ khi mua hàng), em sẽ đưa tiền cho chị và chị trả cho em một khoản phí từ 2,2 - 3%, tùy vào việc chị muốn nhận tiền ngay hay muốn em mang máy đến tận nơi để chị quẹt”. Người này cũng khẳng định: “Chị muốn quẹt bao nhiêu cũng được, miễn là trong hạn mức thẻ của chị”.
Không khó để tìm những nơi cung cấp dịch vụ này trên mạng. Chủ nhân số điện thoại 09131… thì cho biết, phí rút tiền từ thẻ tín dụng là 2,5% và chỉ cung cấp được phiếu mua hàng chứ không cung cấp được hóa đơn đỏ.
Theo NHNN, tính đến tháng 9, thẻ tín dụng chiếm gần 4% tổng số các loại thẻ các ngân hàng phát hành, tương đương với 3 triệu thẻ. Cả nước có gần 160.000 máy chấp nhận thanh toán POS và hệ thống chấp nhận thẻ POS trên toàn quốc đã liên thông với nhau. Các NH hiện nay phát hành thẻ tín dụng dưới 2 hình thức tín chấp và thế chấp. Dựa vào thu nhập, hay số tiền thế chấp, NH sẽ cấp cho chủ thẻ một hạn mức tín dụng từ 10 triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Ưu điểm của thẻ tín dụng là được miễn phí, lãi khi mua sắm hàng hóa, dịch vụ trong vòng 45 ngày. Tuy nhiên, nếu chủ thẻ dùng thẻ tín dụng rút tiền mặt từ máy ATM sẽ bị tính phí rút tiền 4%/tổng số tiền rút, đồng thời số tiền này ngay lập tức bị tính lãi suất từ 1,9 - 2,2%/tháng (22,8 - 26,4%/năm).
Nhưng những người làm dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng và theo một website triển khai dịch vụ nhận rút tiền từ thẻ tín dụng thì chủ thẻ rút toàn bộ số tiền trong thẻ, không bị tính lãi trong vòng 45 ngày. Như vậy, nếu rút tiền tại máy ATM, chủ thẻ tín dụng sẽ mất 7% phí, lãi suất trong khi rút tiền qua dịch vụ quẹt thẻ qua POS, chủ thẻ chỉ mất từ 2,5 - 3%. Chênh lệch giữa 2 cách này là lý do dịch vụ rút tiền "thuê" từ thẻ tín dụng đang nở rộ.
|
Bắt tay chia lợi
Ông Huỳnh Trung Minh, Phó giám đốc khối khách hàng cá nhân NH TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) phân tích cụ thể hơn, đơn vị đặt POS chịu áp lực về doanh số. Nếu doanh số thấp thì trả phí cho NH 2%, doanh số cao trả 1,5 - 1,7%. Lách cho chủ thẻ rút tiền, họ vừa có doanh số cao lại vừa hưởng lợi từ chênh lệch phí. Chủ thẻ thì được hưởng phí thấp hơn và không bị tính lãi rút tiền mặt. Chưa kể, doanh số mua sắm cao nhiều khi còn được NH hoàn tiền hoặc tích lũy điểm. Phía NH cũng được ghi nhận doanh số giao dịch cao và thu phí từ điểm đặt POS.
Đại diện HSBC VN cho biết, chỉ có NH hoặc các đơn vị được cấp phép thực hiện rút tiền mặt tại quầy mới được cung cấp dịch vụ này.
Hơn nữa, về bản chất, việc rủi ro từ việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng cao hơn nhiều so với hoạt động thanh toán mua hàng. Khi dịch vụ này bùng nổ, các NH sẽ phải chịu tổn thất nhưng quan trọng hơn, khi doanh thu bị ghi nhận sai với thực tế phát sinh, hoạt động phân tích kinh doanh, đánh giá sức mua của người tiêu dùng cũng bị sai lệch. Chủ thẻ cũng đối mặt với rủi ro vì các điểm mua sắm có thể không ưu tiên bảo mật, dẫn tới thông tin thẻ bị lộ.
Ông Huỳnh Trung Minh thừa nhận, dù cả 3 phía đều hưởng lợi nhưng xét về bản chất nó không phải là một giao dịch mua sắm thật sự, điều này sẽ không tốt cho nền kinh tế khi đưa ra các nhận xét, đánh giá và định hướng phát triển. Chúng ta khuyến khích dùng thẻ để hạn chế sử dụng tiền mặt nhưng hình thức trên thực chất là dùng tiền mặt. Để hạn chế, các NH cần xem xét lại mức phí vì người thực hiện dịch vụ lách này chủ yếu hưởng lợi từ việc chênh lệch phí.
Thanh Xuân
>> Bàn tay thay thế thẻ tín dụng
>> Cẩn trọng khi dùng Mobile Banking
>> 10 ngân hàng thu phí rút tiền nội mạng 1.000 đồng
>> Vietcombank thu phí rút tiền ATM 1.100 đồng/giao dịch
Bình luận (0)