Cuộc điều tra này được tiến hành ngay sau khi xảy ra những xung đột về ngoại giao giữa hai quốc gia từng là cựu đồng minh. Trước đó, Rwanda đã triệu hồi đại sứ tại Paris và ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán Pháp tại thủ đô Kigali. Chậm nhất đến hết ngày hôm nay, các đại diện ngoại giao của Pháp phải rời khỏi Rwanda. Ngoài ra lệnh trục xuất này còn có hiệu lực đối với tất cả các cơ quan của Chính phủ Pháp tại Rwanda. Thông tin này đã được Bộ Ngoại giao Pháp xác nhận.
Động thái trên của chính quyền Kigali diễn ra sau khi thẩm phán chống khủng bố hàng đầu của Pháp Jean-Louis Bruguiere yêu cầu đưa ông Paul Kagame, đương kim Tổng thống Rwanda, ra tòa án Liên Hiệp Quốc, đồng thời đòi bắt giữ 9 phụ tá của ông Kagame vì đã bắn rơi chiếc máy bay chở cựu Tổng thống Rwanda Juvenal Habyarimana vào ngày 6.4.1994. Vụ việc này đã dẫn đến một cuộc thảm sát kéo dài hơn 3 tháng khiến gần một triệu người Tutsi thiểu số và người Hutu ôn hòa thiệt mạng.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn của truyền hình Pháp I-Tele hôm thứ bảy vừa qua, Tổng thống Rwanda Paul Kagame bác bỏ cáo buộc của thẩm phán Bruguiere đồng thời tiếp tục tố cáo việc Pháp có liên quan đến cuộc thảm sát tại đất nước mình năm 1994. "Pháp đã có liên quan đến cuộc diệt chủng, đó là điều không có gì phải nghi ngờ và không ai có thể nghi ngờ điều đó", ông Kagame khẳng định. Ông Paul Kagame, người Tutsi, người lên nắm quyền sau cuộc diệt chủng, tố cáo Pháp đã hậu thuẫn cho chính phủ của cựu Tổng thống Juvenal Habyarimana, huấn luyện quân sự và cung cấp vũ khí cho lực lượng quân sự Hutu mặc dù biết rằng lực lượng này có kế hoạch sử dụng binh lính cho cuộc diệt chủng.
Khi cuộc nổi loạn chống lại chính quyền Hutu do Kagame đứng đầu nổ ra vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, Pháp đã gửi quân giúp ngăn chặn bước tiến của lực lượng của Kagame và sau đó lưu lại đóng vai trò cố vấn quân sự cho tới khi xảy ra cuộc diệt chủng.
Trung Hà
(Reuters, Xinhua)
Bình luận (0)