Theo đó, chính quyền đã ký hợp đồng tư vấn với Công ty Espace Architecture International (EAI, Pháp) để điều chỉnh quy hoạch Sa Đéc trở thành đô thị kiểu mẫu, vệ tinh của vùng sông nước Cửu Long với đặc trưng là thành phố hoa. Cụ thể, EAI sẽ tư vấn, giúp địa phương điều chỉnh quy hoạch chung toàn TP.Sa Đéc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch và phát triển Sa Đéc thành 5 cụm: nghiên cứu dịch vụ hoa và nông nghiệp đô thị, tài chính thương mại; du lịch, thể thao, giải trí; nhà ở, dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ làng nghề.
“Cơ sở để xây dựng ý tưởng thành phố hoa xuất phát từ việc Sa Đéc có một làng hoa truyền thống với diện tích gần 500 ha và trên 2.000 hộ nông dân chuyên sản xuất hoa kiểng trải dài từ các phường Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, An Hòa và phường 3. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, hằng năm Sa Đéc còn xuất khẩu tiểu ngạch sang Thái Lan, Campuchia, Lào và Trung Quốc hàng trăm ngàn giỏ hoa”, ông Bùi Quốc Nam, Chánh văn phòng UBND TP.Sa Đéc, cho biết.
Nâng giá trị hoa kiểng
Đặc điểm của làng hoa kiểng Sa Đéc là sản xuất quanh năm. Sau mùa hoa tết thì người dân chuyển sang trồng các loại cây kiểng phục vụ các công trình, như công viên, vỉa hè, dải phân cách ở các trục đường giao thông… Nhờ vậy, nhiều nông dân Sa Đéc có kinh nghiệm và trình độ thâm canh rất cao, trồng được những loại hoa rất khó trồng có nguồn gốc ở xứ ôn đới như lưu ly, tulip, cúc đồng tiền…
|
|
Ngoài ra, UBND TP.Sa Đéc cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Hà Lan để xây dựng một chợ hoa trung tâm đầu mối tại Sa Đéc. Trung tâm này có nhiệm vụ cung ứng hoa cho thị trường trong nước và xuất khẩu, dựa theo mô hình của Hà Lan. Nông dân chỉ tập trung lo sản xuất, thu hoạch, đóng kiện rồi chuyển tới trung tâm. Trung tâm chịu trách nhiệm bán, thu tiền rồi chuyển lại cho nông dân. Còn phía Hà Lan sẽ hỗ trợ về kinh nghiệm và công nghệ sản xuất, đồng thời giúp địa phương tìm thị trường tiêu thụ.
Biến cây cỏ thành tiền
“Nông dân trồng hoa ở Sa Đéc bây giờ đã giàu hết rồi, không còn nghèo nữa, vì giá trị và lợi nhuận của hoa kiểng luôn cao hơn các sản phẩm nông nghiệp khác”, ông Bùi Quốc Nam tự tin khẳng định và nêu ví dụ: Có những đoàn khách tới, người ta rất ngạc nhiên khi thấy có những cây cỏ ở nơi khác nhưng khi đưa về Sa Đéc thì biến thành hoa kiểng, bán được tiền, chẳng hạn như cây dương xỉ. “Khi xác định mục tiêu xây dựng TP hoa, lúc đó chỉ kiểm tra thử ở chi nhánh ngân hàng nông nghiệp thôi đã thấy người dân gửi tiết kiệm hơn 1.000 tỉ đồng. Và kể từ năm 2005, tất cả các con đường ở nông thôn của TP.Sa Đéc đều được trải nhựa hoặc bê tông hết, không còn đường đất”, ông Nam khoe.
|
Để phát triển du lịch cộng đồng, TP.Sa Đéc cũng đang tập trung đầu tư xây dựng nhiều công trình như cầu Cai Dao, đường Ông Thung - Cai Dao… để ô tô lưu thông và đưa khách tham quan làng hoa. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ khuyến khích phát triển xe lôi truyền thống và đi bộ, hạn chế xe ô tô. Bên cạnh đó, chính quyền TP.Sa Đéc cũng vừa mở cuộc vận động lớn các cơ quan, công sở không sử dụng hoa vải khi tổ chức sự kiện, mà dùng hoa tươi; khuyến khích người dân không sử dụng hoa vải để trang trí…
Ông Nguyễn Đức Thọ, Chủ tịch Hội Nông dân P.Tân Quy Đông, cho biết trong số hơn 2.000 hộ nông dân trồng hoa kiểng ở Sa Đéc thì riêng Tân Quy Đông có gần 1.800 hộ và Tết Nguyên đán vừa rồi đã đưa ra thị trường khoảng 1 triệu giỏ hoa kiểng các loại. Khác với những làng hoa khác, hầu hết hoa kiểng ở Tân Quy Đông đều được trồng trên giàn. Vì vậy, chạy cặp theo các con đường nhựa và bê tông ngoằn ngoèo quanh các xóm nhưng rộng tới 3 m, người ta thấy nhà nào cũng có giàn hoa rực rỡ.
Bình luận (0)