- Về các loại thuốc nam, khi sắc thuốc phải dùng nồi sành (đất nung) do nó dễ tản nhiệt và có sức chịu nóng dai, không sợ vỡ. Trường hợp không có nồi sành có thể dùng tạm nồi nhôm pha gang hoặc nồi inox. Chú ý, nếu đơn thuốc có vị nhân sâm, khi sắc nên hấp cách thủy. Nếu sử dụng nồi sắt hoặc titan thuốc sẽ bị vô hiệu.
- Nước sắc thuốc phải sạch, có thể dùng nước sôi đã nguội (không nên xài nước mưa chưa nấu chín). Số lượng nước, thời gian nấu do lương y chỉ định.
- Tùy loại thuốc phải để tươi, rửa sạch, sao vàng, sao khử thổ, ngâm trong nước mau hay lâu mới đem sắc, đun nhỏ hay lửa lớn đều cần hỏi rõ lương y trước khi sử dụng.
- Trong trường hợp sử dụng bếp gas để sắc thuốc cũng nên báo trước cho lương y để được hướng dẫn. Thường sau 20-30 phút thuốc sôi nên để lửa nhỏ cho thuốc hòa tan vào nước đủ liều lượng ấn định.
- Phải đậy nắp (ấm, nồi) kín nhằm để tránh hương vị, hoạt chất thuốc tỏa hơi và nhất là các loại thuốc quý càng cần giữ kỹ như: sâm, nhung, yến, hải mã.
Đặc biệt, đối với hột kỷ tử càng phải giữ kín nắp nồi.
- Nếu đơn thuốc có các vị như: mai rùa, ba ba, cỏ lồng chầu, hột gấc, xương động vật, da trâu thì phải ngâm nước trước từ 25-30 phút, sau đó nấu sôi từ 15 phút mới cho các vị khác vào.
- Nếu vị thuốc thuộc dạng keo cần hòa tan với nước nóng trước, sau đó mới cho vào nấu để thuốc có hiệu ứng tốt.
- Có những thang thuốc chỉ định sắc uống nước nhất, nhì hay sắc 2 lần rồi sau đó hòa chung để uống thì nên làm đúng, vì lương y đã tính đến việc tận dụng hoạt chất thuốc giúp bệnh nhân ít tốn kém mà vẫn đạt kết quả.
Lương y Dương Tấn Hưng
Bình luận (0)