Sách hay: Hai khúc nhạc của Hori Tatsuo

Tuấn Duy
Tuấn Duy
08/07/2023 06:42 GMT+7

Ra mắt liên tục vào thập niên 1930, cả hai tiểu thuyết Gió nổi lên và Ngôi làng thơ mộng đều là trước tác vô cùng nổi tiếng của Hori Tatsuo.

Đậm nét Đông phương

Ở Ngôi làng thơ mộng, tác phẩm được kể theo ngôi thứ nhất, khi nhân vật tôi đến khu nghỉ mát là làng Karuizawa hay là làng K. trong cuốn sách này. Trong những tháng ngày khám phá cao nguyên, anh đã gặp Setsuko - một thiếu nữ khiến cho anh yêu và sẽ thay đổi cảnh ngộ của cả hai người. Tuy vậy, không thể ngờ đến là nhiều năm sau, cũng cặp đôi ấy sẽ một lần nữa đến với làng K. nhưng trong tình trạng có phần bi thảm. Lần tao ngộ này có gì thay đổi? Và bằng cách nào mà họ vượt qua?

Sách hay: Hai khúc nhạc của Hori Tatsuo - Ảnh 1.

Nhà văn Hori Tatsuo vào năm 1943

Wikimedia Commons

Sinh thời, Hori Tatsuo từng nhận mình là "môn đệ" của đại văn hào Akutagawa, trong khi "bậc thầy truyện ngắn" lại rất kính trọng một người thầy khác là Natsume Sōseki. Do đó có thể suy ra Hori Tatsuo cũng có phần nào chịu sự ảnh hưởng của Sōseki trong cách viết văn cũng như đề tài. Và hẳn như vậy khi Ngôi làng thơ mộng có nhiều điểm chung với một tác phẩm của Sōseki là Gối đầu lên cỏ. Cả hai đều là những suy tư riêng của người trí thức về cảnh thiên nhiên và những vấn đề mang tính cá nhân cũng như thời đại.

Nếu như Gối đầu lên cỏ tái hiện hành trình của một họa sĩ xứ Tokyo lên núi mùa xuân để tìm cảm hứng, thì Ngôi làng thơ mộng cũng là hành trình khơi nguồn sáng tạo cho cuốn tiểu thuyết đang lên ý tưởng. Trong hai tác phẩm, nhân vật cũng như người viết đều cảm nhận được vẻ đẹp tự nhiên, cùng nhau gặp gỡ những người hồn hậu… Nhưng sâu trong các sinh linh cũng như sinh thể, họ đều nhìn thấy một nỗi buồn vương mang tính thoáng qua. Điều này gợi nhắc về thứ cảm thức mono no aware của mỹ học Nhật Bản, khi luôn có chút trầm buồn dù chỉ rất nhẹ ở trong vạn vật.

Sách hay: Hai khúc nhạc của Hori Tatsuo - Ảnh 2.

Nhân vật Setsuko đươc tái hiện lại trong phim The Wind Rises của Hayao Miyazaki

Spiderum

Ở Ngôi làng thơ mộng ta có thể thấy dẫu là miêu tả thực vật đến độ mãn khai hay là con người hiền lành như đất… thì các quy luật chớm nở rồi tàn, trầm luân ở giữa bể lầm… vẫn sẽ hiện diện. Đó là đứa trẻ thơ ngây chưa vương muộn phiền nhưng sớm thôi sẽ bị ố tạp. Đó cũng là người đàn bà giờ đã hóa điên trong kho nước đá… Tất cả mọi thứ đều mang theo mình một nỗi ngậm ngùi và sự tự diệt, khi bao phủ vùng cao nguyên ấy là mưa, là tuyết, là sương… và rồi cuối cùng là buổi hoàng hôn trong vài thời khắc.

Dẫu thế nhưng không vì vậy mà họ tách mình ra khỏi thiên nhiên. Trong những câu văn có dung lượng dài, chứa nhiều hình tượng và đậm nhạc tính, ta có thể thấy Tatsuo là một cá tính vô cùng nhạy cảm. Tác phẩm của ông như một khúc nhạc trải ra êm đềm với đầy vẻ đẹp, sự dịu dàng và tính đồng quê. Nhưng chút buồn ấy cũng ngầm báo hiệu cho một bi kịch sắp sửa diễn ra, để legato bỗng dưng đứt đoạn thành khúc staccato với các dấu lặng thay đổi liên tục như đời chìm nổi.

Ảnh hưởng Tây phương

Trong chuỗi chủ đề nói về người bệnh cùng với tình yêu trong văn học Nhật Bản, Gió nổi lên có thể nói là tác phẩm đẹp nhất và trong sáng nhất. Nếu Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ của Endō Shūsaku để lại dư vị là một thân phận giờ bị rẻ rúng bên trong trại phong, Bồ công anh của Kawabata Yasunari là một người điên nói lên tiếng lòng qua tiếng chuông chùa… thì trong tác phẩm của Hori Tatsuo, đó là một sự đồng hành có phần ấm áp.

Hori Tatsuo (1904 - 1953) là nhà văn, nhà thơ và dịch giả người Nhật. Sinh thời ông có một lòng yêu thích với văn hóa cổ Nhật Bản, nhưng đồng thời cũng chịu ảnh hưởng rõ nét của các tác giả phương Tây. Hai tác phẩm này đều bắt nguồn từ câu chuyện có thật của ông với vị phu nhân là Yano Ayako tại ngôi làng Karuizawa. Ông qua đời sớm vì mắc bệnh lao. Các tác phẩm tiêu biểu và đã định hình phong cách của ông có thể kể đến Nhật ký của Kagerou, Naoko…

Dù vậy, khi ta nhìn nhận ở khía cạnh khác, thì có thể thấy có sự "mỹ hóa" nỗi đau và nỗi chia ly trong tác phẩm này. Cũng như những bậc thầy khác, Tatsuo cũng bị ảnh hưởng từ phương Tây trong việc tiếp nhận cũng như sáng tác. Tương tự Tanizaki Jun'ichirō - người vừa tôn thờ mỹ học truyền thống Nhật Bản nhưng cũng chịu nhiều ảnh hưởng của thẩm mỹ phương Tây và chủ nghĩa hư vô, ở Gió nổi lên, Tatsuo cũng có một sự quy chiếu dù ít dù nhiều với tác giả này.

Theo đó, tuy trong trạng thái vô cùng hiểm nghèo, sinh ly tử biệt, thế nhưng ngôi "tôi" vẫn luôn ngẫm thấy những mặt tích cực trong cơn thoi thóp của người vợ trẻ. Không màng đến sự hy sinh vốn vẫn được gán cho người phụ nữ, những biện giải như "người sắp chết thì mới mơ hồ cảm nhận vẻ đẹp tự nhiên", hay chỉ có "sự cô độc chốn núi non" và "những ngày tháng tuyệt đối yên tĩnh" mới giúp giữ lại một niềm hạnh phúc... đều gợi cho ta một sự băn khoăn về cuộc tranh chấp giữa thiện và ác, giữa các chủ thể và người thụ hưởng, giữa người mất đi và người ở lại…

Vậy thì động cơ trở lại làng K. của hai người họ xuất phát từ đâu? Là bởi ngôi "tôi" - nhà văn ủ dột, cần một nơi chốn thật là quen thuộc để có thể sống; hay vì cô gái - người bệnh dù có đến đó cũng không khá hơn? Tatsuo đã gợi ra thế lưỡng nan và cũng tại đây chủ nghĩa hư vô có dịp xâm nhập, biến tác phẩm này thành ra đa chiều, mà mỗi một người sẽ lại nhìn thấy một lời giải đáp ở góc độ riêng.

Sách hay: Hai khúc nhạc của Hori Tatsuo - Ảnh 4.

Tác phẩm Gió nổi lên

Tuấn Duy

Nhưng khi hiểu theo lối đơn giản nhất và chân phương nhất, thì sự hy sinh của người phụ nữ trong tác phẩm này chẳng phải là được xây đắp từ tình yêu sao? Như câu thơ của thi sĩ Pháp Paul Valéry được lấy để làm tiêu đề: "Gió nổi lên rồi. Có sống được chăng?", qua tác phẩm này, cả Setsuko và chính tác giả đều cho ta thấy xét cho đến cùng thì phải sống thôi, bởi các bi kịch nếu đủ thời gian sẽ dần chuyển hóa thành ra sức mạnh. Khi đó con người như một luồng sáng có thể không tự ý thức giá trị của bản thân mình, thế nhưng dẫu có le lói thì vẫn rực rỡ một góc trời riêng. Đó là vẻ đẹp của lòng ham sống và không từ bỏ.

Và cũng có thể nhìn thấy điều đó, mà vào năm 2013, đạo diễn huyền thoại Hayao Miyazaki của studio Ghibli đã lấy cảm hứng từ tác phẩm này để đưa vào phim cùng tên (The Wind Rises - Gió nổi), vốn từng được xem sẽ là tác phẩm cuối cùng của bản thân ông. Có thể nói rằng chính bằng cái đẹp và nỗi buồn thương trong hai áng văn, mà tình yêu sẽ lại lần nữa thật sự hồi sinh, có thêm sức mạnh. Bởi "Gió nổi lên rồi, ta phải sống thôi".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.