Cuốn sách hơn 600 trang này thuật lại "cuộc phiêu lưu metropolis" trong lịch sử văn minh nhân loại bằng một phương pháp viết sử hiện đại, một văn phong dẫn chuyện và phân tích đầy cuốn hút.
Khát vọng hoàn mỹ
Ẩn dụ về "con người đô thị" có lẽ đã bắt nguồn từ trong huyền thoại về thành phố Uruk có từ 4.000 năm trước Công nguyên. Chuyện kể rằng, cuộc gặp gỡ và kết giao giữa Enkidu - chàng trai được ví như thần thánh, sống hòa đồng với thiên nhiên - với nàng Shamat - người con gái của thành phố Uruk - đã dẫn đến một hệ quả: Enkidu mất dần các năng lực nối kết với giới tự nhiên, từ bỏ tự do và bản năng vốn có để chịu quyến rũ bởi tình dục, thức ăn và đời sống xa hoa.
Uruk, thành phố cổ đại, quê hương của nàng Shamat được mô tả là nơi con người sống sau những bức tường vĩ đại, có những tòa nhà đồ sộ, mọi người ăn mặc đẹp và tham gia nhiều hội hè, thị dân lao động chủ yếu bằng bộ não chứ không phải bằng chân tay.
Bộ lông của Enkidu được cạo sạch, thế giới hoang dã tự do để lại sau lưng, anh ta chịu để cho thành phố đánh lừa, mụ mị. Đó cũng là biểu trưng của việc con người bước ra khỏi giới tự nhiên để xây dựng cho mình một thế giới sống nhân tạo và lý tưởng mà ta gọi là đô thị (metropolis). Và đây cũng là khởi điểm trong tư duy nhị nguyên đô thị từ cổ xưa cho đến hiện đại: lý tưởng về sự phồn vinh, vượt trội luôn đi cùng với sự cám dỗ, che đậy và tha hóa.
Lược trình về văn minh đô thị của loài người đầy cảm hứng lẫn do dự, khát vọng lẫn bất an, hào quang và tăm tối đã được Ben Wilson dẫn dắt như thuật lại một cuộc phiêu lưu nhiều kịch tính trong cuốn sách này.
Khởi nguyên là Uruk, thành phố đầu tiên trên thế giới hình thành trên hai bờ sông Euphrates và Tigris, trung tâm quyền lực trong hơn 1.000 năm; nơi đã bước ra khỏi hệ sinh thái tự nhiên để chuyển mình thành một "lò rèn những vị thần". Khi đã kiến tạo được đô thị, người ta cho rằng, chẳng có Vườn Địa Đàng nào cả, mà đô thị chính là hình mẫu thiên đường.
Thân phận những đô thị
Cũng từ tâm thức kiêu hãnh về những "utopia trần thế" đó, mà đô thị trở thành đối tượng bị phán xét trong Kinh thánh. Nếu Harappa là biểu tượng hướng tới sự hoàn mỹ thì Babylon là biểu trưng của sa đọa, phải chịu những phán xét và hình phạt luân lý.
Một lược đồ phát triển và biến đổi của 26 thành phố từ cổ đại đến đương đại được thể hiện trong bức tranh đa sắc. Mỗi thành phố mang một lai lịch và số phận khác nhau, dù mất hay còn, dù bảo toàn hay biến dạng qua các thăng trầm lịch sử, thì Ben Wilson cũng đều chọn ra những gì đáng nói nhất, đặc thù nhất để trình hiện.
Trong khi Athens - một metropolis mang tinh thần mở ra thế giới của Hy Lạp, một nơi liên kết con người trong một trật tự chính trị và hình thành giá trị cộng đồng thì Alexandria lại là thành phố tư duy "bách khoa toàn thư" đề cao nguyên tắc. Athens mang lại triết học, chính trị và sân khấu thì Alexandria mang lại thành tựu toán học, hình học, cơ học và y học. Tác giả đưa người đọc đi xuyên các tàng thư để dẫn dắt, khơi gợi và kiến giải về những gì tác động tới số phận một đô thị. Ví dụ như ở chương 4, cuốn sách đề cập việc đề cao "tắm rửa" và sự phát triển của các khu nhà tắm công cộng của người La Mã phải chăng là con đường dẫn đến suy đồi và hư hỏng, tạo mầm mống suy vi của Rome (từ 30TCN-537)? Sự hình thành và thay đổi của các quán cà phê trong đô thị đã mở ra những không gian công cộng cấp tiến, tạo ra giá trị thịnh vượng cho London trong tư cách một "metropolis hòa đồng" (giai đoạn 1666 - 1820) và khi sinh hoạt các quán cà phê thay đổi thì London cũng đổi thay.
Chương sách hay nhất có lẽ là viết về "Hội chứng Paris" (giai đoạn 1830 - 1914), khi giải mã tâm thế flâneur (dạo bước, theo cách nói của Charles Baudelaire) của thị dân và lữ khách đến thành phố này. Bằng những cuộc tản bộ, một người vừa tách biệt vừa hòa nhập, vừa thuộc về đám đông, vừa ẩn mình khỏi đám đông... Phải chăng đây cũng là một lớp mã văn hóa giúp ta đi vào các tác phẩm từ Édouard Manet, Baudelaire trong quá khứ cho đến gần nhất, Patrick Modiano.
Thành phố chiều thẳng đứng với những tòa nhà chọc trời ở New York (giai đoạn 1899 - 1939) được khảo từ các bộ phim; Manchester và Chicago (1830 - 1914) là "lối vào địa ngục" bởi không gian công nghiệp và tệ nạn; Lubeck, Warsaw trong Thế chiến 2 cung cấp một "bản tóm lược các cách thế để giết chết một thành phố" hay lối quy hoạch phi tâm của Los Angeles (1945 - 1999) tạo ra thanh âm và văn hóa ngoại ô... đều là những góc phẫu thuật vi lịch sử đô thị đầy bất ngờ và thú vị.
Ai làm nên lịch sử đô thị ?
Thành phố hiện đại được đặt vào trong những tương quan chính trị, văn hóa và môi trường đầy phức tạp. Thành phố một mặt là không gian cho thấy tính chất dễ tổn thương trước chiến tranh, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và khủng hoảng, nhưng mặt khác lại là sản phẩm nhân tạo có sức sống mãnh liệt bởi nó thu hút nguồn lực, tinh hoa trí tuệ và sức lao động của loài người ở mọi giai tầng.
"Sự sinh tồn của chúng ta với tư cách một chủng loài phụ thuộc vào chương tiếp theo trong cuộc phiêu lưu đô thị của chúng ta", tác giả viết. Và như đã được cuốn sách này dày công minh chứng, lịch sử các metropolis không chỉ được viết ra bởi các nhà kỹ trị, nhà quy hoạch mà được dệt nên, trải nghiệm một cách sâu sắc bởi hàng tỉ người sống trong nó với những thách thức phải đối diện như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, chiến tranh và những tác nhân khác.
Một cuốn sách về con người trong cuộc phiêu lưu đô thị thú vị, hẳn không chỉ cần có trên giá sách của những nhà quy hoạch hay nghiên cứu đô thị học.
(Đọc Metropolis - Lịch sử phát triển đô thị, phát minh lớn nhất của loài người, Ben Wilson, Hoàng Đức Long dịch, Nhã Nam và NXB Thế Giới, 2023)
Bình luận (0)