“Củi khô” đã cháy, “củi tươi” sẽ bén lửa
|
Tôi gần như cả đời làm công tác tổ chức, nên điều mà tôi luôn dành sự quan tâm là công tác cán bộ. Và phải nói thế này: Hội nghị lần thứ ba, BCH T.Ư khóa VIII (tháng 6.1997) đã có hẳn một nghị quyết (Nghị quyết số 03-NQ/HNTW, ngày 18.6.1997) “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong đó đã đánh giá rất kỹ về thực trạng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao; Đưa ra những tiêu chí rất cụ thể, rất trúng, rất hay về lựa chọn, bồi dưỡng và bố trí cán bộ.
Vì vậy, theo tôi, bàn về công tác cán bộ trong tình hình mới hiện nay, Hội nghị T.Ư 7 sắp tới, ngoài các tiêu chuẩn cơ bản phải có, cần tập trung vào hai tiêu chí rất quan trọng, đó là trong sạch và không lợi ích nhóm”.
|
Vì sao tiêu chí “trong sạch” và “không lợi ích nhóm” lại đặc biệt quan trọng trong tình hình mới, thưa ông?
Bác Hồ đã từng dạy rằng, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “gốc rễ của mọi vấn đề là ở công tác cán bộ”. Ngay từ tháng 10.1947, trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc, Bác đã viết: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Trong lịch sử của Đảng đã từng có những Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, bị cách chức, nhưng là do quan điểm, do có một số việc chưa trung thực với Đảng chứ chưa có trường hợp nào bị truy tố, đem ra xét xử vì tội liên quan tới tham nhũng. Nay đã có việc xử lý nghiêm những sai phạm của ông Đinh La Thăng; rồi lần lượt tới Vũ “nhôm”, Út “trọc”. Ai là người “chống lưng”, ai là người bao che? Vũ “nhôm”, Út “trọc” sao có thể dễ dàng thao túng nhiều người và một số tổ chức như vậy? Rồi ai đứng đằng sau vụ MobiFone mua AVG? Ai cho phép thương vụ mua bán hơn 30 ha đất với giá 1,29 triệu đồng/m2 ở TP.HCM?
Nếu không có những cán bộ cấp cao bao che, tiếp tay, thao túng như cựu Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, cựu Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, cựu trung tướng công an Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng tình báo Phan Hữu Tuấn… và cả những “củi tươi” chưa lộ diện, thì liệu những Vũ “nhôm”, Út “trọc” có “coi trời bằng vung”, có dám chỉ tay vào mặt một chủ tịch thành phố: “Tao sẽ cho mày bay chức” như đã từng?
Những vấn đề này phải làm rõ. Đó là những vấn đề rất hệ trọng cần có những bước đi thích hợp và kiên quyết. Trong cuộc đấu tranh này, Tổng bí thư đã có những chỉ đạo sáng suốt và quyết liệt, lại có cách làm rất đúng, “chặt rễ con” trước, “tỉa cành nhỏ trước”, cứ thế dần dần “nhốt quyền lực” của các nhóm lợi ích lại, từ đó sẽ xử lý bình tĩnh và chính xác.
Hôm 27.4 vừa qua, tại phiên họp của Ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo về tiến độ, định hướng xử lý hàng loạt vụ án, vụ tham nhũng. Nhiều “củi khô” đã bị cháy rồi, chắc chắn không ít “củi tươi” sẽ tiếp tục bén lửa.
Như ông nói, cán bộ cấp càng cao thì càng cần phải trong sạch, ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này không?
|
Khi còn trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, có lần đồng chí Võ Văn Kiệt đã phải thốt lên trong một hội nghị T.Ư: “Nếu không làm được gì cho dân, cho nước thì cũng phải giữ gìn trong sạch để làm gương cho cấp dưới”.
Vì vậy, điều tiên quyết đối với một cán bộ lãnh đạo là phải trong sạch, nhất là những đồng chí đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; các đồng chí đứng đầu các bộ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, các ban tham mưu, giúp việc như Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Tổ chức T.Ư, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí đứng đầu chính quyền các địa phương…
Nếu bố trí người đứng đầu các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát, điều tra và quản lý cán bộ không chuẩn xác, thì ví như Bao Công mà không có Triển Chiêu. Thực tế đã chứng minh cơ quan tham mưu không sạch thì bỏ lọt tội phạm.
Thưa ông, có trường hợp khi mới vào T.Ư thì “trong sạch” và “không lợi ích nhóm”, nhưng khi đã có quyền lực trong tay thì lại không còn trong sáng nữa?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Vì thực ra chỉ khi nắm quyền lực, nhất là quyền lực ở cấp cao thì người ta mới bộc lộ hết tham vọng của mình.
Ví dụ, trước đây, khi còn làm Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư, tôi có đề nghị Bộ Chính trị bổ nhiệm một ông làm bộ trưởng. Sau ba năm tôi buộc phải đề nghị Bộ Chính trị cách chức ông này. Có người hỏi tôi, vì sao vậy? Đó là vì khi nắm quyền rồi, hành xử của ông đã đổi khác. Ông ấy muốn chuyển sang ngôi nhà khác, to hơn. Khi được nghe lời khuyên là không nên, ông ấy trả lời: “Vợ tôi quyết rồi” và tiếp tục làm theo ý mình. Vì con người ta thay đổi như thế thì không thể giữ cách đánh giá cũ được.
Vì vậy, giám sát sự lạm quyền cũng là công việc cực kỳ quan trọng. Cần tiếp tục đấu tranh để khắc phục, loại trừ ra khỏi hàng ngũ cán bộ đảng và nhà nước bị tha hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” nhằm đẩy lùi nguy cơ đang ảnh hưởng tới sự sống còn của Đảng, của chế độ. Mặt khác là việc lan tỏa đồng bộ, nhanh chóng trên mặt trận chống tiêu cực ở cấp tỉnh thành, quận, huyện để giảm hẳn tình trạng tham nhũng vặt, ăn cắp giờ công làm việc riêng, tệ nạn “bao che thân hữu làm càn quấy”...
Cần một thể chế kiểm soát quyền lực mạnh mẽ hơn nữa
Thưa ông, như ông vừa nói, công tác lựa chọn, bồi dưỡng và bố trí cán bộ là rất quan trọng. Tuy nhiên một vấn đề cũng hết sức quan trọng, đó là giám sát cán bộ, hay nói cách khác là kiểm soát sự lạm quyền. Vậy theo ông, cần phải có cơ chế kiểm soát sự lạm quyền như thế nào để cán bộ thực sự “sạch” và “không lợi ích nhóm”?
Chúng ta cần có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách độc lập do luật pháp quy định. Vì vậy, theo tôi, đã đến lúc cần nghiên cứu để có một tổ chức mà thẩm quyền lớn hơn Ủy ban Kiểm tra T.Ư hiện nay, do Quốc hội phê chuẩn, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
Cơ quan này có quyền thanh tra, kiểm tra, khởi tố các hành vi có dấu hiệu tham nhũng đối với tất cả các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị từ T.Ư đến các địa phương, kể cả trong Đảng và ngoài Đảng; thực hiện chức năng kiểm soát tổ chức và hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và các tập đoàn kinh tế nhà nước.
Nếu có một tổ chức như ông nói thì về mô hình tổ chức nên như thế nào, theo ông?
Trước đây, sau khi sửa đổi, bổ sung luật PCTN năm 2007, Ban Chỉ đạo PCTN T.Ư được thành lập, thuộc Chính phủ do Thủ tướng làm trưởng ban. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều vụ án tham nhũng phát sinh từ cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan quản lý nhà nước, nên mô hình này đã không đạt hiệu quả.
Do vậy, Hội nghị T.Ư 5 khóa XI của Đảng (tháng 5.2012) đã thống nhất chủ trương chuyển Ban Chỉ đạo PCTN T.Ư trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư đứng đầu; lập lại Ban Nội chính T.Ư, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo PCTN T.Ư. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo này đã hoạt động hết sức tích cực, hiệu quả, được dư luận nhân dân rất đồng tình, tin tưởng.
Theo tôi, để chặt chẽ về mặt pháp lý và phù hợp với sự đổi mới từng bước của hệ thống chính trị thì cần nghiên cứu việc chuyển Ban Chỉ đạo PCTN T.Ư trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư đứng đầu (như hiện nay) thành một tổ chức do nguyên thủ quốc gia làm chủ tịch. Tuy nhiên, để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng thì Đảng cần phải hóa thân vào Nhà nước để lãnh đạo trực tiếp cơ quan này; tổ chức này nên là một thiết chế nhà nước, hoạt động theo chế độ thường trực.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)