Sách tiền tỉ đem bán... giấy vụn

11/01/2016 06:21 GMT+7

Nhiều cuốn sách trong giai đoạn 2 của dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian VN (gọi tắt là dự án) được nhà nước đầu tư tới 150 tỉ đồng, chỉ cấp cho các thư viện lại đang nằm ở các tiệm sách cũ với giá thu mua như giấy vụn.

Nhiều cuốn sách trong giai đoạn 2 của dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian VN (gọi tắt là dự án) được nhà nước đầu tư tới 150 tỉ đồng, chỉ cấp cho các thư viện lại đang nằm ở các tiệm sách cũ với giá thu mua như giấy vụn.

Những cuốn sách của dự án vừa mới “ra lò”, nhiều cuốn còn chưa được giở một lần nào, nhiều trang chưa rọc hết. Chúng nằm lây lất ở các cửa hàng sách cũ trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội như đường Láng, phố Trần Quốc Hoàn, phố Mai Dịch, phố Bạch Mai, đường Nguyễn Trãi... Người bán sách cho biết số sách này được mua “cân thanh lý theo giá đồng nát”, nay được bán với giá sách cũ 10.000 - 50.000 đồng/cuốn.
“Bách khoa thư” ra cửa hàng đồng nát
Sách trong dự án tiền tỉ được bán trong các cửa hàng sách cũ tại Hà Nội - Ảnh: Hiếu Trình
Theo tìm hiểu của PV, tất cả các đầu sách của dự án đều do Hội Văn nghệ dân gian VN chủ trì, NXB Khoa học Xã hội in xong và nộp lưu chiểu năm 2015. Mỗi đầu sách trong dự án được nhà nước tài trợ in 2.000 cuốn, khổ 14,5 x 20,5 cm, bìa cứng, có “áo” dành cho sách.
Có thể kể tên những đầu sách lẻ như: Trương Viên chèo cổ của nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ (sưu tuyển - khảo cứu); Hề chèo của PGS Hà Văn Cầu; Văn hóa dân gian người Việt - góc nhìn so sánh của GS-TS Kiều Thu Hoạch; Tháp bà Thiên Y Ana - Hành trình của một nữ thần của GS-TS Ngô Văn Doanh... Bộ 2 tập sách như: Văn hóa dân gian người La Chí do PGS-TS Trần Hữu Sơn (chủ biên); Dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam - Dân ca nghi lễ và phong tục do PGS-TS Trần Thị An (chủ biên)... Ngoài ra, phải kể thêm những bộ sách nhiều tập như: Vè chống phong kiến, đế quốc và Vè sinh hoạt đều do PGS-TS Vũ Tố Hảo biên soạn, bộ Lịch Thái Sơn La (6 quyển), tác giả Trần Vân Hạc và Cà Văn Chung; bộ Truyện Nôm bình dân do GS-TS Kiều Thu Hoạch chủ biên...
Trong Lời giới thiệu dự án, GS-TSKH Tô Ngọc Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án, viết: “Hy vọng các xuất bản phẩm của dự án sẽ cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước một bộ sách mang tính chất bách khoa thư về các sắc màu văn hóa của các tộc người VN”. Đáng tiếc, bộ “bách khoa thư” này mau chóng được đưa ra cửa hàng đồng nát...
Sách nhà nước tài trợ
TS Đoàn Thanh Nô, Giám đốc văn phòng dự án, khẳng định đã in 2.000 cuốn/đầu sách để gửi đến 2.000 thư viện trong cả nước và “số sách này hoàn toàn không bán ra thị trường vì là sách nhà nước tài trợ”. Trả lời thắc mắc sách của dự án được bán trên thị trường dưới dạng sách cũ nhiều như vậy thì trách nhiệm của đơn vị tiếp nhận sản phẩm sách dự án thế nào, TS Đoàn Thanh Nô nói: “Tôi đã có công văn gửi đến tất cả các địa chỉ, đề nghị những nơi tiếp nhận phải bảo quản nghiêm túc, đây là tài sản của nhà nước. Trách nhiệm của chúng tôi chỉ là nhắc nhở. Còn họ bán ở đâu thì chúng tôi cũng chỉ biết qua báo chí phản ảnh”.
TS Nô cũng khẳng định: “Chúng tôi phát đúng địa chỉ, đúng số lượng, do bưu điện nhà nước phát hành tới nơi, có người nhận. Ngoài ra không còn số dư nào để văn phòng bán được”.
Trao đổi với PV, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ VH-TT-DL, nói: “Vụ sẽ xác minh thông tin do Báo Thanh Niên phản ánh”. Tuy nhiên, bà Ngà cũng chia sẻ thêm rằng danh sách các thư viện được nhận sách do dự án gửi tặng Vụ không hề nắm được. “Hội Văn nghệ dân gian VN khi gửi sách về các thư viện trong cả nước không hề thông qua Vụ Thư viện. Vì vậy, chúng tôi không có danh sách để quản lý”, bà nói.
Trong khi đó, nhân viên các cửa hàng bán sách cũ tại Hà Nội không cho biết cá nhân hay đơn vị, thư viện nào đã bán số sách này ra thị trường theo giá sách cũ, sách cân ký.
100 đầu sách đã được cấp phép giai đoạn 2
Tổng chi phí cho toàn bộ dự án gồm 2 giai đoạn là 240 tỉ đồng. Kết thúc giai đoạn 1 của dự án (2008 - 2012), với số vốn đầu tư 90 tỉ đồng của nhà nước, đã có 1.000 công trình được in thành 644 đầu sách phát hành ra thị trường. Mỗi đầu sách đều được in 2.000 cuốn. Giai đoạn 2 của dự án (2013 - 2017), nhà nước tiếp tục đầu tư 150 tỉ đồng, nhưng trước phản ánh của báo chí về nhiều sai sót nghiêm trọng cả nội dung lẫn hình thức, dự án đã có chấn chỉnh. Toàn bộ sách đều được liên kết xuất bản với NXB Khoa học Xã hội năm 2015. Đến nay, chưa có con số thống kê chính thức, nhưng ước lượng có khoảng hơn 100 đầu sách được đơn vị này cấp phép trong năm 2015.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.