(TNO) Hải quân hoàng gia Thái Lan vừa công bố Sách trắng quốc phòng, trong đó giải thích vì sao nước này trang bị tàu ngầm trong khi Bangkok không có xung đột lớn với các nước láng giềng về mặt lãnh hải.
>> Thái Lan hoãn mua tàu ngầm Trung Quốc
Tàu ngầm của Trung Quốc - Ảnh: Reuters
|
Bangkok Post cho biết đây là lần đầu tiên Thái Lan phát hành Sách trắng quốc phòng. Theo giải thích từ Sách trắng quốc phòng công bố hôm 30.7 của Thái Lan, việc mua tàu ngầm là nhằm cân bằng với việc gia tăng lực lượng hải quân của các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Hải quân Thái Lan nói rằng Singapore mua 4 chiếc tàu ngầm và đưa vào hoạt động, nước này có kế hoạch mua thêm 2 chiếc nữa của Thụy Điển. Trong khi đó, Việt Nam đã đặt 6 mua chiếc của Nga, với 4 chiếc đã đưa vào sử dụng. Indonesia đã có 2 tàu ngầm do Đức chế tạo và đang đặt thêm 3 chiếc của Hàn Quốc, dự kiến sẽ nhận hàng vào năm 2018. Malaysia đã đưa vào hoạt động 2 chiếc Scorpene do Pháp đóng từ năm 2012.
Theo Sách trắng quốc phòng, Thái Lan có một khoảng cách khá lớn so với các nước trong vùng về trang bị cho hải quân, đặc biệt là tàu ngầm. Và nếu Bangkok có thể mua tàu ngầm trong năm nay, thì khoảng cách đó vẫn còn lớn trong vài năm nữa vì Bangkok cần thời gian để trang bị cũng như huấn luyện con người.
Hải quân Thái Lan tính toán nếu mua tàu ngầm trước tháng 10.2015, tàu ngầm mua về cũng không thể hoạt động trong 8 năm, theo Bangkok Post.
Giá trị thương mại hàng hải của Thái Lan ước tính khoảng 24.000 tỉ baht (682 tỉ USD) một năm, bao gồm cả nguồn tài nguyên thiên nhiên, vận chuyển hàng hải, công nghiệp liên quan và điểm đến du lịch biển. Ngân sách mua tàu ngầm khoảng 36 tỉ baht (995 triệu USD), chiếm rất nhỏ so với tổng giá trị nói trên, Sách trắng quốc phòng Thái Lan giải thích.
Hải quân Thái Lan giải thích lý do chọn Trung Quốc là vì khả năng của tàu ngầm, công nghệ, huấn luyện, cung ứng và việc giao hàng phù hợp với nhu cầu của nước này. Hải quân nước này dự tính với ngân sách nói trên sẽ mua được 3 chiếc tàu ngầm S26T của Trung Quốc, nhưng sẽ chỉ mua được 2 nếu chọn tàu của nước khác. Dự kiến Thái Lan phải chi mỗi năm 3-5 tỉ baht để bảo dưỡng 3 chiếc tàu ngầm trên.
Vịnh Thái Lan có độ sâu trung bình 50 m, không cản trở hoạt động của tàu ngầm do Trung Quốc chế tạo, vì tàu ngầm hạt nhân của Mỹ từng vào khu vực này để tập trận với hải quân Thái Lan. Nếu không có tàu ngầm, vịnh Thái Lan, nơi tiếp nhận 15.000 tàu hàng hóa mỗi năm, rất dễ bị tổn thương.
Thái Lan có 4 tàu ngầm, nhưng chiếc mới nhất cũng cách đây đã 64 năm. Hồi đầu tháng 7.2015, trước phản ứng trái chiều của dư luận trong nước, đặc biệt e dè trước Washington, Bangkok tuyên bố tạm hoãn việc mua tàu ngầm của Trung Quốc.
Bình luận (0)