Sài Gòn cách đây 90 năm từng thực hiện 'mục tiêu kép' vượt qua đại khủng hoảng

Nguyễn Quang Diệu
Nguyễn Quang Diệu
11/08/2021 12:13 GMT+7

Lúc đó, dù chưa có dịch Covid-19 nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài khiến mọi mặt đời sống Sài Gòn bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 1932, chính quyền phải điều chỉnh các hoạt động kinh tế - xã hội trong “trạng thái bình thường mới” để phát triển.

Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Sài Gòn cách đây 90 năm khiến cho nông gia điền chủ và các xưởng, hãng lo lắng… Mở đầu năm 1934, trên mục Khoảnh nhìn năm cũ, báo Phụ nữ tân văn (số 231, ngày 11.1.1934) nhận định: “Năm 1933 đã qua. Song ảnh hưởng của năm cũ còn nặng nề […]. Từ hơn ba năm nay, và thứ nhứt là trong suốt năm 1933, tai ta vang đầy những tiếng khóc than […], hằng vạn gia đình ở xứ ta bị cái khổ thiếu cơm ăn, áo mặc, thuốc uống. […] Sự sống của người dân trước kia đã rất là kém thấp, ngày nay lại càng kém thấp hơn nhiều”.

Báo Phụ nữ tân văn đưa tin về những khó khăn của Sài Gòn lúc đó

Ảnh: T.L
Nghị định của quan Toàn quyền cũng sửa đổi ngạch lương quan lại khiến nhiều học sinh đang theo học thất vọng, nhiều gia đình vốn không khá giả nhưng cố cho con ăn học mong đổi đời về sau thì thôi cho con học tiếp. Ở một thời khác, giai đoạn khác, có thể người ta đi học vì tri thức vì muốn trở thành trí thức, làm quan. Bấy giờ, khủng hoảng kéo dài chưa thấy vùng sáng, không ít người lo trước hết về kế sinh nhai, mối lợi về sau buộc họ phải suy tính, lựa chọn.

Người Sài Gòn đùm bọc nhau vượt qua khó khăn

Báo Phụ nữ tân văn (số 231, ngày 11.1.1934, tr.4) viết: “Tết Tây năm nay, Sài Gòn bày ra một quang cảnh buồn. Nhà cửa có bảng ‘À louer’ [cho mướn], hiệu buôn đóng cửa, người thất nghiệp đầy đường. […]. Sài Gòn đã rất buồn, mà Chợ Lớn thì mất hẳn quang cảnh một thành phố lớn. Mọi người đi đường đều có vẻ lo sợ, con ma đói rét chực ở ngạch cửa năm 1934”. Số báo tiếp đó mô tả: “Quang cảnh gần tết [ta] ở Nam kỳ buồn tanh!” (Phụ nữ tân văn số 233, ngày 25.1.1934, tr.4).
Khó khăn là thế nhưng ý chí của người dân Sài Gòn không hề bị đánh gục, mọi thứ thử thách chỉ là tạm thời, "trạng thái bình thường mới" đang chờ họ phía trước với óc sáng suốt hiểu thời cuộc. Có sinh tồn thì phải hy vọng.

Nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn xưa

Ảnh: Mạnh Hải Flickr

Việc buôn bán vào ra giảm sút, ba tháng đầu năm 1932, khoản thuế Thương chánh ở Nam kỳ chỉ thu được 6.414.184 đồng bạc, giảm so với cùng kỳ năm 1931 là 2.820.120 đồng bạc. Không riêng gì ở Sài Gòn, khoản thu thuế trên toàn cõi Đông Dương đều bị sụt giảm.
Thu thuế ở chợ Sài Gòn cũng giảm sút, mỗi ngày giảm 100 đồng bạc, mỗi năm là 36.000 đồng bạc, cộng thêm chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Đũi, chợ Tân Định và chợ Đất Hộ thì số tiền thuế chợ mỗi năm giảm 50.000 đồng bạc. Nêu lên con số xong báo Phụ nữ tân văn viết “phải sợ cho cái ảnh hưởng của kinh tế khủng hoảng”.
Trong tình cảnh "thắt lưng buột bụng' để thực hiện "mục tiêu kép" như bây giờ, báo Phụ nữ tân văn (số 122, ngày 10.3.1932, tr.23) cho biết Toàn quyền Đông Dương Pierre Pasquier quyết định giảm lương quan lại, bớt tiền giấy mực trong các văn phòng, bớt tiền tiếp khách của các quan. Pasquier còn ra nghị định yêu cầu những người thuộc hai sở San đầm (hoặc Sen đầm, tức sở Hiến binh - Gendarmerie) và sở Cảnh sát về sau không được xài xe hơi của nhà nước như trước.
Trong bài diễn văn của Thống đốc Nam kỳ ở Hội đồng Quản hạt thành phố tháng 9.1934 có ý rằng “tình hình công nho [tức công quỹ, fonds publics] quản hạt hồi năm 1931 thình lình thiếu hụt” bởi lúa xuống giá do khủng hoảng tài chính gây ra. Từ năm 1930-1934, số tiền thuế thất thu nhiều nên nhà nước “đành phải bớt sự chi phí, bớt người làm việc vừa Pháp vừa [An] Nam rất nhiều”. “Vì sự tiết kiệm của chánh phủ, mà quan cố Toàn quyền Pasquier đã có ra nghị định bớt xuống 10 phần trăm tiền lương quan lại, nên các công cuộc tạo tác đều phải ngưng lại cả”.
Báo Phụ nữ tân văn (số 175, ngày 3.11.1932, tr.24) đưa tin: “Ban Ủy viên coi về các cuộc lễ của thành phố Sài Gòn xét vì năm nay [1932] kinh tế khuẩn [quẫn] bách, có nhiều người thất nghiệp đói khát, nên định giảm hết các cuộc vui chơi trong những ngày lễ sẽ tới, để lấy tiền ấy giao cho các hội phước thiện phân phát cho kẻ nghèo khổ trong ngày lễ Đình chiến 11 Novembre nầy [tức ngày Đình chiến (Armistice Day), 11 giờ sáng ngày 11.11.1918 hai phe ký Hiệp ước đình chiến kết thúc Thế chiến thứ nhất tại Compiègne, Pháp]”.

Tiệm tạp hóa của người Hoa ở Sài Gòn vào năm 1931

Ảnh: Mạnh Hải Flickr

90 năm trước, nhiều doanh nghiệp ở Sài Gòn phá sản, quan lại và nhân viên bị buộc giảm lương, cắt trợ cấp, lao động phổ thông thất nghiệp, trí thức phải rời bàn giấy ra đường làm việc tay chân kiếm sống, đường vắng, chợ thưa…, tất cả cho thấy cuộc đại suy thoái 1929-1933 đã tác động đến đời sống kinh tế ở Sài Gòn nặng nề. Sau 90 năm, Sài Gòn đang trải qua thời khắc khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra và những tác động của đại dịch đến đời sống kinh tế của hàng triệu người dân, hàng ngàn doanh nghiệp lớn nhỏ.
Tuy nhiên, với niềm tin Sài Gòn - TP.HCM đã từng vượt qua cuộc đại suy thoái gần 90 năm trước để phát triển vững mạnh thì lần này cũng mong thành phố sẽ nhanh vượt qua nghịch cảnh. Người Sài Gòn lúc nào cũng vậy, từng đùm bọc, hào sảng, giàu lòng sẻ chia và mạnh mẽ, nên sau "cơn ốm" hôm nay sẽ nhanh chóng khỏe lại thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.