Vào thập niên 1880, khách sạn nổi tiếng của Pháp ở Sài Gòn là Favre do một người Pháp tên Favre khai thác. Khách sạn nằm ngay trên đại lộ chính Catinat (nay là đường Đồng Khởi) giới hạn bởi hai con đường Bonard và d’Espagne (Lê Lợi và Lê Thánh Tôn). Đó là một trong những nơi náo nhiệt nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.
|
Để làm sạch đường phố trong mùa khô, chính quyền Sài Gòn khi đó cho xe đi tưới nước trên đường mỗi ngày hai, ba, thậm chí bốn lần. Trước năm 1878, nước uống của cư dân thường lấy từ các giếng đào cạn hay sông, rạch nên không đảm bảo vệ sinh. Sau này, chính quyền Pháp cho lấy nước từ một con suối, đưa vào bể lọc và cung cấp cho dân thành phố mỗi ngày 16.000 mét khối nước. Năm 1878, một tháp nước khổng lồ được xây dựng ở đầu đường Catinat, tại vị trí nay là hồ Con Rùa. Tháp nước này tồn tại được 48 năm, đến năm 1921 thì bị phá hủy.
Vì sao 'boy' lại thành ra 'bồi'?
Sự hiện diện của một số người châu Âu sống trong khách sạn hoặc thuê nhà riêng làm phát sinh một số nghề mới trong cư dân bản xứ. Trước tiên là nghề giúp việc nhà và nghề làm bếp cho Tây. Giúp việc nhà thường là các thanh thiếu niên người Việt, tuổi khoảng 18 - 20, được chủ Tây gọi là “boy” (cậu con trai), nghe quen thành ra “bồi”. Công việc của những người này là hầu bàn, lo nước tắm, dọn phòng và cả kéo quạt nữa, với mức lương từ 6 - 8 đồng mỗi tháng, chỉ bằng 1/5 đến 1/4 tiền ăn hằng tháng tại khách sạn của một người Âu.
Đầu bếp nấu ăn cho Tây thường là người gốc Hoa, lương từ 8 - 10 đồng/tháng. Họ làm quen rất nhanh với cách nấu ăn của Tây và biết chiều theo sở thích của chủ. Thông thường người đầu bếp đến nhà chủ làm những công việc theo thỏa thuận, đến chiều họ trở về nhà, sau khi nhận từ tay chủ khoản tiền đi chợ sáng hôm sau, vào khoảng 0,6 đồng đến 1 đồng, cho hai người ăn. Nếu gia đình người Âu có con nhỏ cần người giúp việc là phụ nữ, họ liên lạc với trường Sainte-Enfance để các “sơ” (soeur) ở đây cung ứng người của trường.
|
Những gia đình đông đúc, cần di chuyển thường xuyên sẽ sắm một xe kiếng và thuê một xà ích với mức lương từ 12 - 20 đồng/tháng, không ăn cơm chủ. Khách ở khách sạn thường được chào mời bởi một đội ngũ những người bản xứ làm nghề giặt là, cắt may, đóng giày… Trong nghề may quần áo và đóng giày, người Tàu có nhiều ưu thế hơn người Việt. Một bộ complet thêm áo gilet, cả công lẫn vải khoảng 8 đồng, được đánh giá là khá rẻ.
Sinh hoạt của những người Âu vào cuối thế kỷ 19 ở Sài Gòn khá đơn điệu. Họ dậy lúc 6 giờ sáng, làm vệ sinh và đi làm cho đến 10 giờ. Bữa ăn trưa diễn ra lúc 10 giờ 30, dưới những chiếc quạt kéo, vì lúc đó trời đã bắt đầu nóng nực. Giữa trưa, họ lên phòng và kéo dài giấc ngủ trưa đến 2 - 3 giờ chiều. Lúc này, Sài Gòn rất yên lặng, cửa hàng đóng cửa im ỉm, cửa nhà cũng không mở. Từ 2 - 3 giờ chiều, thành phố thức giấc, mỗi người quay lại công việc đang chờ cho đến 5 giờ chiều mới trở về nhà. Đó là lúc thành phố tỏ ra náo nhiệt nhất. (Còn tiếp)
Bình luận (0)