Sách về Sài Gòn 'lên ngôi'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
06/03/2021 06:50 GMT+7

Sài Gòn - TP.HCM với hơn 300 năm hình thành và phát triển đã trở thành “kho báu” vô tận cho các tác giả thích khám phá đề tài này. Nhiều nhà xuất bản cũng ưu tiên làm “bà đỡ” mát tay cho những tác phẩm viết về Sài Gòn , giúp dòng sách này “lên ngôi” gần đây.

 

Từ hiện tượng dân ông tạ đó !

Từng sở hữu những tập phóng sự ăn khách nhưng khi NXB Trẻ phát hành Sài Gòn một thuở: Dân Ông Tạ đó! của nhà báo Cù Mai Công mới vài ngày thì cuốn sách đã “gây sốt”. Nhiều người đặt mua số lượng lớn để đọc, tặng bạn bè và gửi ra nước ngoài. Trang web của NXB Trẻ có lúc phải thông báo: “Đã bán hết”, khiến nhiều bạn đọc đăng ký mua chưa đủ sách giao. 5 ngày sau thời điểm phát hành đợt đầu, NXB phải bấm nút cho tái bản; tuy nhiên lượng sách này cũng “cháy hàng” nhanh. Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của sách viết về Sài Gòn, đặc biệt là các tác phẩm đi sâu vào chuyện từng địa danh xưa, viết bằng chính cảm xúc của người trong cuộc.
Tác giả Cù Mai Công kể: “Tôi sinh ra, lớn lên ở Sài Gòn, cụ thể ở tại Ông Tạ. Mấy chục năm làm việc giữa khu vực trung tâm thành phố nhưng chưa bao giờ tôi quên những ngày tháng tuổi thơ của mình tại một vùng đất chật chội, dù cách không xa khu vực trung tâm. Cách đây gần chục năm, bỗng một hôm mẹ tôi nói bâng quơ như trách: “Con làm báo viết khắp các nơi mà không một dòng nào viết về Ông Tạ của mợ (tôi gọi mẹ là mợ)”.
Tới đây, giọng nhà báo Cù Mai Công nghẹn lại: “Rõ ràng Ông Tạ trong lòng mẹ sâu đậm hơn quê cũ của mẹ mà mẹ đã chia xa rất lâu rồi. Lúc ấy mẹ đã hơn 80 tuổi. Tôi bắt đầu nhớ lại, thâu lượm tư liệu từ hàng trăm, hàng ngàn bạn bè, người thân ở Ông Tạ từ gần chục năm, rồi thầm hứa với mẹ sẽ hoàn thành tập sách khoảng 500 - 800 trang về Ông Tạ của tôi, của mẹ tôi, bạn bè, thầy cô. Tháng 8.2020, mẹ đã đi hơn 3 năm rồi, tôi thực hiện lời hứa với mẹ mình và bắt đầu viết. Hầu như ngày nào cũng viết và sau tập 1, hiện tôi đã hoàn thành tập 2 là cận cảnh những cung đường, ngõ hẻm, sự việc nổi bật... thông qua những con người cụ thể của vùng đất Ông Tạ và viết gần một nửa tập 3 để tiếp tục phục vụ độc giả đang ngóng đợi”.
Sách về Sài Gòn “lên ngôi”

Bìa Sài Gòn một thuở: Dân Ông Tạ đó! của nhà báo Cù Mai Công

Ảnh: NXB Trẻ

Viết về Sài Gòn dễ hay khó ?

Trước 1975, sách nghiên cứu riêng về đô thị Sài Gòn bằng tiếng Việt không nhiều, chỉ có những tác giả phản ánh vài khía cạnh đời sống đô thị như Sài Gòn năm xưa - sách nghiên cứu nổi tiếng về Sài Gòn - Gia Định xưa qua góc nhìn và giọng văn rất riêng của cụ Vương Hồng Sển; Gia Định xưa và nay (bao gồm Sài Gòn) của Huỳnh Minh trong dòng sách về địa chí các tỉnh, thành miền Nam; cuốn sách dạng tản văn Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc (Bình Nguyên Lộc)... Nhà nghiên cứu - nhà báo Phạm Công Luận nhẩm tính: “Về du lịch, có cuốn Du lịch, kỹ nghệ đệ tam đẳng tại Việt Nam của Lê Thái Khương; về hoàn cảnh sống của giới bình dân có cuốn Những xóm bình dân trong vùng Sài Gòn - Chợ Lớn (tập thể tác giả); phóng sự về đời sống xã hội: Trên vỉa hè Sài Gòn (Triều Đẩu), Túi bạc Sài Gòn (Vũ Xuân Tự), Vũ nữ Sài Gòn (Hoàng Hải Thủy)..., tùy theo thể loại nhưng có lẽ không dễ dàng trong việc viết lách”.
Gần đây, dòng sách viết về Sài Gòn đang có xu hướng rất ăn khách, hình thành nên đội ngũ người viết tên tuổi về Sài Gòn: Phạm Công Luận, Lê Văn Nghĩa, Lê Minh Quốc, Lê Nguyễn, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Đức Hiệp, Trần Nhật Vy, Phúc Tiến, Cù Mai Công. Tuy nhiên, theo ông Luận: “Ở thời buổi internet và Facebook với nhiều trang sưu tầm bài viết về Sài Gòn và nhiều người có thể kể chuyện Sài Gòn xưa với vốn sống của mình, khi viết về chủ đề này mà không có điều gì mới đối với độc giả, lại thiếu chính xác thì dễ bị quay lưng. Tôi thấy mừng vì đội ngũ tác giả viết về dòng sách này đang đông dần, dù không phải tất cả đều trong giới nghiên cứu chuyên nghiệp mà có thể là nhà báo, nhà văn..., họ vẫn có những thế mạnh để đóng góp các góc nhìn khác nhau”.
Sách về Sài Gòn “lên ngôi”

Tác giả Lê Văn Nghĩa (giữa) ký tặng sách Văn học Sài Gòn 1954 - 1975: Những chuyện bên lề tại Đường sách TP.HCM

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu Phạm Công Luận, ông Lê Nguyễn (tác giả nhiều cuốn sách công phu về Sài Gòn: Đất Sài Gòn và sinh hoạt của người Sài Gòn xưa, Thành cổ Sài Gòn và các vấn đề về triều Nguyễn...) khẳng định: “Dòng sách này viết dễ vì Sài Gòn gần gũi, thân thiết quá, có vẻ như chỉ cần một cái với tay là đụng phải. Song cũng vì thế mà đòi hỏi người viết phải có một cái nhìn thật tinh tế về Sài Gòn, phát hiện được những góc cạnh còn tiềm ẩn của nó mà người đọc chưa thể nhận ra”.
Nếu như Sài Gòn nay đang được các cây bút thể hiện sinh động, gần gũi thì theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, dù cái xưa vẫn bàng bạc trong nhiều nguồn tư liệu bằng tiếng Pháp, chủ yếu do người Pháp viết ra, lại chưa được chú trọng đúng mức, tạo ra một khoảng trống nhất định khi đề cập đến Sài Gòn. “Chẳng hạn khi nói đến các tác giả người Pháp, không thể không nhắc đến cây bút Jean Bouchot, người đã ít nhất có hai tác phẩm viết riêng về các mặt của đời sống Sài Gòn. Không biết các đơn vị làm sách, các NXB đã “để mắt” đến các tác phẩm này chưa”, ông Lê Nguyễn băn khoăn.
“Theo tôi, luôn duy trì dòng sách viết về Sài Gòn là sự đóng góp có ý nghĩa cho Sài Gòn - TP.HCM, nhằm tăng cường hiểu biết mọi mặt cho độc giả, về quá khứ và hiện tại cũng như những viễn kiến về tương lai, nhất là đối với những người trẻ”, nhà nghiên cứu Phạm Công Luận nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.