Phát biểu đề dẫn, nhà văn Trần Nhã Thụy cho rằng: “Sài Gòn trong tạp văn là những ký ức, kỷ niệm đẹp về mảnh đất không thuộc sở hữu của riêng ai, mà trên hết, đó là tình yêu gắn bó như máu thịt của những người chôn nhau cắt rốn với Sài Gòn, cũng như những ai đang tha hương lập nghiệp ở xứ này”.
Họa sĩ Lê Sa Long thì chia sẻ không biết mệt về nhiều kỷ niệm không thể nào quên với Sài Gòn để anh kịp hoàn thành những bức tranh đẹp như thơ của vùng đất phương Nam sôi động, từng cưu mang bao kẻ tha hương như ông và bạn bè. Nhà thơ Phan Hoàng kể về tác phẩm Sài Gòn đất lành chim đậu của ông, về những tác phẩm tạp văn ông đã từng trăn trở trong sự bồi hồi, khó tả: “Ai cũng yêu Sài Gòn cả và đều muốn có sách về Sài Gòn. Nếu như người từ nơi khác đến viết tạp văn khá hay bằng sự rung động của trái tim thì người “chính gốc” ngoài điều đó thường có lợi thế hơn khi hiểu rõ tường tận và có cả một tuổi thơ gắn bó”. Còn nhà nghiên cứu Trần Nhật Vy thì nêu ra trở ngại: “Nếu truyện ngắn, tiểu thuyết hư cấu về vùng đất này thì việc tưởng tượng ra câu chuyện dễ dàng hơn nhiều. Còn tạp văn khi viết thì phải hiểu biết sâu sắc và có cảm xúc về vùng đất nên tác giả thường thận trọng, đó đôi khi chính là những câu chuyện của mình thì mới có sức hấp dẫn và lay động…”.
Là người viết trẻ, tác giả của nhiều tạp văn viết về Sài Gòn, nhà văn - nhà báo Tiểu Quyên bộc bạch: “Tôi sinh sống ở đây gần 15 năm mà trong văn chương đôi khi cần sự trầm tĩnh, thiết tha và cảm xúc, nên dù có vài tạp văn rồi, tôi vẫn cần thời gian có trải nghiệm với thành phố này để sáng tác thêm nữa…”.
Các ý kiến tại buổi tọa đàm đều đồng tình, dù người viết có rất nhiều cảm xúc nhưng để viết tạp văn về Sài Gòn cho hay, hoàn toàn không dễ dàng. Vậy mới là… Sài Gòn.
Bình luận (0)