Nhan Chí danh họa phấn tiên một thời

24/01/2020 14:00 GMT+7

Những bức ảnh theo bài (*) được chụp ở đầu thập niên 1960, lúc họa sĩ Nhan Chí chỉ hơn 40 tuổi.

Thời đó có một nhà báo nhận xét mái tóc chải ngược ra phía sau của ông là “kiểu Victor Hugo” và bộ ria mỏng kéo xuống hai bên mép là “bộ ria Mông Cổ” rất hợp với gốc gác người Minh Hương của ông.
Nhan Chí và gia đình gồm vợ và 5 con lúc đó đang sống ở ngôi nhà số 60/55H Huỳnh Tịnh Của, Sài Gòn. Ông sống khá nền nếp, mỗi sáng chơi vài sec bóng bàn tại nhà từ 9 giờ sáng. Sau đó có thể ông vẽ trong xưởng vẽ chất đầy tranh, các mẩu phấn màu và những chai whisky, trước các người mẫu, là những thiếu nữ có nhan sắc, có khi là khách đặt vẽ chân dung. Ông nói chuyện với họ khá tự nhiên, có khi nói đùa, trêu chọc... thường để tạo sự thư giãn và thoải mái cho những người không mấy khi ngồi một chỗ cho họa sĩ vẽ. Tuy nhiên, khi đặt đầu phấn màu xuống mặt tranh, ông rất tập trung để diễn tả mà trong đó, đôi mắt người mẫu cần thể hiện thần thái rõ nhất. Ông thích dùng màu tím làm nền bức tranh để tạo vẻ đẹp sâu thẳm cho bức tranh.

Nhan Chí 1920 - 1967

Chất liệu phấn tiên không dễ sử dụng như sơn dầu sau khi phối hợp có thể thấy được trên bản pha màu. Màu phấn tiên được pha trộn trên bức họa, giống như màu nước, nét vẽ đặt xuống mặt tranh thì không thay đổi được nên cần sự tập trung cao độ khi thể hiện. Đã vậy, chất liệu phấn tiên ở miền Nam lúc đó khá nghèo nàn nên ảnh hưởng nhiều đến sự diễn đạt, trong khi họa sĩ phương Tây vẽ chất liệu này có thể dùng tới 500 màu phấn có sẵn. Tuy nhiên, trong khó khăn đó, họa sĩ phấn tiên như ông vẫn có thể sáng tạo màu sắc khi vẽ tranh với các sắc thái riêng do sự phối hợp màu từ số lượng màu ít ỏi hơn nhiều. Mỗi ngày ông dành chỉ một giờ để vẽ chân dung vì mức độ tập trung khá căng thẳng, và hoàn thành sau 4 giờ vẽ, như trả lời phỏng vấn trên báo Bách Khoa.

Cô Loan mê thơ Nguyễn Bính

Nhan Chí vẽ chân dung cô Lệ, nữ sinh Trường Gia Long bằng phấn tiên

Ở Hà Nội, ông dạy vẽ và trong số người đến học có họa sĩ Lê Văn Xương (1917 - 1988), một họa sĩ vẽ nhiều bức tranh về phố xá Hà Nội khá đẹp, có chất riêng.
Năm 1943, Nhan Chí mới trở lại Sài Gòn. Cuốn hồi ký Giọt mật cho đời của nhà văn Phạm Tường Hạnh (**) cung cấp thông tin về người vợ gốc Hà Nội của họa sĩ Nhan Chí. Câu chuyện có liên quan đến nhà thơ Nguyễn Bính khi trở lại Sài Gòn năm 1943 để cùng làm báo với Lê Tràng Kiều, Hoàng Tấn trong hai năm trước 1945. Lúc đó Nguyễn Bính đã nổi tiếng từ lâu. Phạm Tường Hạnh kể ông được nhà báo Lê Tràng Kiều cho biết có một độc giả vì yêu thơ Nguyễn Bính đã đặt mua dài hạn tới... 20 năm báo. Đó là chuyện hiếm có từ trước đến nay, vì trừ những tờ báo được Pháp chi tiền, không có tờ báo nào của tư nhân có thể sống quá 5 năm. Tuy vậy, nhà văn Phạm Tường Hạnh nghĩ có thể đất Sài Gòn không thiếu người lập dị và chơi ngông. Lê Tràng Kiều kể vì ngại bà ta nhầm lẫn nên ông hỏi lại là có phải bà muốn đặt mua báo trong 2 năm không? Bà khẳng định là 20 năm!
Họa sĩ Nhan Chí sinh ngày 20.4.1920 tại vùng Xóm Thuốc thuộc làng Trung Hưng, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định. Ông bắt đầu theo nghiệp hội họa tại Trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định năm 1934, khi mới 14 tuổi. Đến năm 1936 (có tài liệu cho là 1937), ông ra học Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa XII và dần nổi tiếng với tranh chân dung pastel. Sau 2 năm học, ông nhận bằng “danh dự bao tưởng” ưu hạng do ông Giám đốc Trường Mỹ thuật Đông Dương là Nam Sơn cấp với bức tranh đầu tay của ông, bức Chân dung người yêu. Năm 1939, ông được huy chương đồng do Triển lãm S.A.D.E.A.I cấp
Lý do là bà muốn ủng hộ tờ báo yêu thích. Cuối cùng, cả tòa soạn biết bà đặc biệt thích thơ Nguyễn Bính nên thường đăng trên báo này. Cuối cùng, chủ báo đồng ý, thu 1 năm báo và 19 năm còn lại, tòa soạn bỏ phong bì gửi đến nhà thơ Nguyễn Bính.
Người phụ nữ ấy có thể là vợ đầu tiên của họa sĩ Nhan Chí. Tên bà là Loan, một người đẹp từng ở phố Cầu Gỗ, Hà Nội. Nhà thơ Lê Tràng Kiều đánh giá họa sĩ Nhan Chí có đôi mắt tinh đời vì Hà Nội có một phụ nữ vừa đẹp người vừa đẹp nết như bà thì ông ta đã rước đi mất, để lại bao thương nhớ quanh Hồ Gươm.
Phạm Tường Hạnh xác định ngay cô Loan đang được nói tới chính là người em bà con với ông. Từ Xóm Thuốc, họa sĩ Nhan Chí ra Bắc học trường mỹ thuật và ở trọ trong nhà cô Loan. Cô rất thích thơ Nguyễn Bính và thường ngâm nga thơ của thi sĩ này. Rốt cuộc, Nhan Chí cùng mẹ và một số bà con trong họ ra Hà Nội xin cưới cô Loan và rước cô vào sống trong Nam. Trong kháng chiến chống Pháp, nhà văn Phạm Tường Hạnh nghe tin cô Loan đã mất sau khi sinh đứa con đầu lòng gặp khó khăn. Họa sĩ Nhan Chí mất đi bạn chung tình, đã soạn tất cả khoảng 50 bức vẽ người vợ từ khi còn con gái để tổ chức một phòng triển lãm hoàn toàn chỉ có tranh vẽ về bà. Ông cương quyết không bán bức tranh nào và còn ghi lời yêu cầu rằng những ai đã mua những bức tranh ông đã vẽ vợ mình trước đây thì cho ông chuộc lại. Theo Phạm Tường Hạnh, về sau hầu như cả bộ sưu tập về bà Loan cũng bị thất lạc.

Người đem lại vinh quang cho lối vẽ bằng phấn tiên

Nhan Chí và gia đình

Trong thời gian sống và hoạt động sáng tác ở Sài Gòn, Nhan Chí tập trung vẽ chân dung bằng phấn tiên và trở nên nổi tiếng theo hướng này. Ông có nhiều khách đến đặt vẽ, trong đó có các vị khách từ nước ngoài như đại sứ Indonesia, đại sứ Hòa Lan, các vị cao ủy Pháp, đại sứ Mỹ Reinhardt, bà Ngô Đình Nhu cùng nhiều nhân vật cao cấp ở miền Nam lúc đó. Mỗi tháng ông vẽ từ 15 đến 20 bức chân dung, giá mỗi bức từ 4 đến 15 ngàn đồng thời đó.
Cho đến đầu thập niên 1960, người hâm mộ có dịp thưởng thức tranh của họa sĩ Nhan Chí qua các cuộc triển lãm hội họa: Triển lãm tại Hội Văn hóa Á Châu với bức chân dung Cô Thu Vang, Triển lãm Nghiệp đoàn Hội họa và mỹ nghệ ở Phòng Thông tin đô thành Sài Gòn với bức Trầm lặng miền sơn cước. Tranh của ông còn có trong các cuộc triển lãm mùa xuân các năm 1959, 1961; Triển lãm Stanvac năm 1960, 1961. Bộ Quốc gia Giáo dục miền Nam cũng đã chọn hai bức tranh của ông để triển lãm tại Kuala Lumpur khoảng thời gian này. Ông được huy chương vàng Đại hội triển lãm kỳ 4 do Hội Văn hóa Việt Nam tổ chức năm 1960 với tác phẩm Mẹ và con, bằng danh dự do Bộ Thông tin Việt Nam Cộng hòa cấp ngày 1.4.1960 và 1961 và giải ba do Tổng hội Văn hóa xã hội cấp ngày 19.3.1966.
Trong giới họa sĩ lúc đó, mọi người xem ông là một người hào phóng, rộng rãi. Một người bạn cùng thời, ông Vũ Anh kể về những cuộc mời bạn bè của Nhan Chí ở quán xá góc đường Pasteur - Nguyễn Công Trứ (trong đó có họa sĩ Tú Duyên là người bạn thân từ khi Nhan Chí ở Hà Nội). Trong bài phỏng vấn ông trên tạp chí Bách Khoa, nhà báo Nguyễn Ngu Í viết: “Sực nhớ một bậc họa sĩ đàn anh nói với tôi: “Nhan Chí có tâm hồn nghệ sĩ như Van Gogh như Gauguin. Thương và tội cho anh ấy quá. Tốt với bạn vô cùng...”.

Tờ bướm giới thiệu triển lãm những bức tranh phấn tiên cuối cùng của cố họa sĩ Nhan Chí tổ chức năm 1968

Rất tiếc một người tài hoa và phóng khoáng như Nhan Chí đã không sống lâu để tiếp tục đi trên con đường sáng tạo nghệ thuật. Năm 47 tuổi, ông từ trần ngày 24.10.1967 lúc tài năng đang độ chín. Đúng một năm sau, nhân ngày giỗ đầu của ông, Nghiệp đoàn Hội họa và mỹ nghệ Việt Nam đã tổ chức cuộc “Triển lãm những tranh phấn tiên cuối cùng của cố họa sĩ Nhan Chí” từ 10.10 đến 16.10.1967 tại Phòng triển lãm Phòng Thông tin đô thành số 165 Tự Do (nay là Đồng Khởi). Tờ bướm trong triển lãm trang trọng nêu “Trân trọng được giới thiệu một danh họa về phấn tiên” và “Tranh ông đã đem lại vinh quang cho lối vẽ chân dung bằng phấn tiên”.
Có lẽ đó là số bức tranh ít ỏi so với hàng trăm, hàng ngàn bức tranh chân dung đã đi khắp thế giới, trong những ngày sáng tạo sung sức nhất của ông, một họa sĩ để lại dấu ấn nghệ thuật bằng con đường riêng. 
(*) Tạp chí Trẻ tập I số 8. Xuất bản khoảng 1960, căn cứ theo nội dung bài vì không ghi thời gian phát hành.
(**) NXB Văn hóa thông tin, 1994.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.