Dù đáng tiếc nhưng tình trạng này đã có từ rất lâu, khiến cho chuyện ngồi lê đôi mách ấy cứ mãi tiếp diễn.
VIÊN CHỨC VÀ QUÂN NHÂN KÈN CỰA NHAU
Anh viên chức dân sự chỉ cần bước tới là anh quân nhân lập tức phòng bị. Cái hồi còn đi chinh phục và bình định, quân nhân hẳn nhiên có uy thế và làm chủ gần như mọi lãnh vực. Rồi kể từ ngày 14.5.1879 trở đi, đến lượt chính quyền dân sự phải làm tốt vai trò của họ ở đất Nam kỳ, trong khi phe quân sự thì buồn bã nhìn vũ khí han gỉ.
Ác cảm nảy sinh từ sự lệ thuộc luân phiên của bên này với bên kia mau chóng trở nên cay đắng. Họ không ngừng kèn cựa nhau. Phe dân sự trách cứ phe quân sự đam mê phù phiếm, phe quân sự chỉnh đốn phe dân sự cái tội thiếu tôn trọng quân hàm; và lời qua tiếng lại chưa bao giờ lắng xuống.
Cách đối xử này không chỉ đáng chê trách khi nhìn từ quan điểm tương hợp, vốn phải là động lực tồn tại ở xứ sở xa xôi, đã gây ra những đánh giá sai lệch, ác cảm ở chính quốc.
Quả thực không dễ chịu khi nghe các viên chức thuộc địa bị đánh giá một cách tùy tiện bởi những người chưa từng vượt eo biển Ai Cập vì sợ say sóng hay vì không có thời gian. Nếu đúng như bà de Sévigné nói rằng "danh tiếng của một sĩ quan cũng lấp lánh và nhạy cảm như danh tiếng của phụ nữ", thì danh tiếng của các viên chức - những người không có vinh dự là sĩ quan - cũng xứng đáng được tôn trọng và nhất định không thể bị đem ra làm trò vui.
Chúng ta thường nghe nói chắc nịch rằng đám viên chức thuộc địa là các "cậu ấm" đã được nhắm trước, được tuyển lựa từ những kẻ lông bông là chính. May thay ở thuộc địa của chúng ta, chẳng có lời đồn nào lại sai lệch hơn thế, những ai trót tin thì phải mau chóng đến đây mà kiểm chứng.
Đó là chưa kể đến những viên chức trẻ tốt nghiệp các trường đặc biệt và tham gia chính quyền thuộc địa bằng đường tuyển chọn gắt gao, thậm chí những người không ở trong ngành mà được bổ nhiệm nhờ có uy tín hoặc nhờ những chức danh đã có khác, họ cũng được tuyển chọn cẩn thận, và tôi tin rằng chính quyền chính quốc [Pháp] không thể tìm ra điều gì để chê trách bộ máy thuộc địa như nó đã được tổ chức từ rất nhiều năm nay.
Tôi biết rằng nhân vật Basile của Beaumarchais sẽ sống mãi, rằng ở thời nào đi nữa và đất nước nào đi nữa cũng sẽ có kẻ miệng lưỡi độc địa rao giảng cái ác tự nhiên của họ, nhưng trên mọi khía cạnh điều đáng buồn là những đồn đại ác ý và không có cơ sở lại luôn làm bùi tai người nghe và khiến tâm trí không màng suy xét. Nếu như vậy thì chuyện gì sẽ đến? Viên chức và quân nhân thường dựng một rào chắn giữa họ và rất hiếm khi giao lưu. Mọi người đều thiệt thòi vì niềm vui và hoạt náo vốn rất cần thiết cho thuộc địa sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
Những hiềm khích này khiến người ta chia tách thành nhóm nhỏ, tôi có thể nói là như vậy. Các sĩ quan hải quân hiếm khi gặp gỡ đồng đội ở binh chủng khác vì nghĩ những người đó quá cứng nhắc; người ta có thể trách móc các sĩ quan "Quân đoàn" (Grand corps) không đủ chất nhà binh nhưng dù sao đi nữa, các sĩ quan đội mũ cát là những người thích giao thiệp rộng rãi và chủ nghĩa quân phiệt ít nhiều khiến họ bận tâm đến việc kéo bè kết đảng không thua gì phe dân sự.
Thương gia và viên chức cũng hợp thành những "bè cánh" nhỏ riêng biệt. Các viên chức, dù làm quản lý hay phân xử, dù họ trả tiền hay nhận tiền, đều giống như đang bảo vệ đất nước, rất tự hào về chút đỉnh quyền lực đó và hãnh diện vì thuộc về "chính quyền"! Còn thương gia, họ càng lúc càng đông và chỉ có tham vọng duy nhất rất chính đáng là thu hút đồng dollars và nối dài hàng quán trên đường Catinat. Đường Catinat là ám chỉ "mọi kẻ đến buôn bán trong thuộc địa". Giọng điệu có phần che chở và đùa giỡn trong câu nói này từ rất lâu đã là chính sách của thuộc địa; viên chức chiếu cố nhà buôn nhưng không thiên vị họ.
Một điều chắc chắn là người làm ăn buôn bán phải có tinh thần quảng đại hơn và chí hướng ít đặc thù chủ nghĩa hơn. Ở thượng tầng người ta hiểu rằng các thuộc địa của ta, và trong đó có Nam kỳ, đặc biệt trù phú, chúng phải trở thành những mảnh đất màu mỡ cho ta phát triển thương mại.
Nhưng ta thực sự lo lắng khi thấy thuộc địa thịnh vượng như thế lại bị chia rẽ và chia rẽ nghiêm trọng vì những tranh chấp của phe quân sự hoặc phe dân sự. Sự thờ ơ và ích kỷ của thực dân thế mà lại dẫn tới một đức tính được các nhà đạo đức gọi là nhân ái, còn các triết gia gọi là độ lượng.
Chính quyền chỉnh đốn lại những tư tưởng bè cánh; hiện nay ta đã thu được những kết quả nhất định và sẽ có những kết quả tốt hơn và tình hình mà những ai quan ngại cho tương lai thuộc địa đang than phiền sẽ không thể nào tồn tại trước những tiến bộ không ngừng của thương mại và trước những cuộc khiêu vũ. (còn tiếp)
(Thư Nguyễn trích dịch từ tạp chí Le tour du monde năm 1893)
Bình luận (0)