Sài Gòn - Gia Định một thời để nhớ - Kỳ 6: Đại phú hào chú Hỏa

16/07/2015 06:05 GMT+7

Cuối thế kỷ thứ 19, khi người Pháp đặt chân đến đất Nam kỳ mở mang buôn bán thì người Hoa từ nhiều nơi cũng tha hương tới đây làm ăn.

Cuối thế kỷ thứ 19, khi người Pháp đặt chân đến đất Nam kỳ mở mang buôn bán thì người Hoa từ nhiều nơi cũng tha hương tới đây làm ăn.

Dinh thự chú Hỏa nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Quỳnh Trân
Dinh thự chú Hỏa nay là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM - Ảnh: Quỳnh Trân
Đó là thời gian mọi người bắt đầu biết tên tuổi tỉ phú chú Hỏa - danh tiếng được lưu truyền cho đến ngày nay nhưng gốc tích thì ít ai biết rõ.
Những người sống lâu năm ở Sài Gòn - Chợ Lớn ít nhiều đều nghe đến chuyện “Con ma nhà chú Hỏa”. Chuyện đồn đại, truyền miệng được tô vẽ thêm nên càng trở nên hư hư, thực thực.
Hơn nữa, dinh thự đồ sộ ở đường Phó Đức Chính (Q.1, TP.HCM) trước năm 1975 lúc nào cũng cửa đóng then gài, tường cao vây bọc, cây cối um tùm, ít người lui tới càng trở thành đề tài cho các tay “dóc tổ” bàn luận.
Trước giải phóng, các nhà làm điện ảnh từng dựng phim Con ma nhà họ Hứa được cho là dựa theo chuyện nhà chú Hỏa để hốt bạc. Đó là cuộc đời con gái cưng của một tỉ phú người Hoa.
Cô gái rất đẹp nhưng mắc bệnh phong hủi. Thời Pháp thuộc mà người nào mắc bệnh này đều phải tập trung vào trại cách ly. Gia đình họ Hứa rất yêu thương đứa con xấu số nên để cô gái sống trong căn buồng riêng, không cho bước chân ra khỏi cửa. Khi đến bữa, người hầu già bưng cơm vào tận buồng riêng, chưa ai được bước chân vào căn phòng bí mật, dù là anh chị em ruột.
Ít năm sau cô gái chết, gia đình tẩm liệm trong hòm kính và lúc nào cũng thắp nhang đèn, rước thầy tới tụng kinh. Bỗng một hôm cái xác của cô gái trinh bạch này biến mất và người nhà đổ xô đi tìm khắp khu nhà rộng thênh thang nhưng không thấy. Gia đình hy vọng hồn cô gái còn lẩn khuất trong khu nhà nên vẫn để nguyên hòm kính và thỉnh thoảng cho người hầu già gõ chuông gọi hồn vào ban đêm...
Khởi nghiệp bằng gánh ve chai
Năm 1968, chúng tôi lên Đà Lạt, tìm gia đình Dominique Hui Bon Hoa, là cháu ruột đời thứ ba của chú Hỏa đang ở đây, và năm 1991 gặp bác sĩ Guy Hui Bon Hoa, một người cháu khác của chú Hỏa từ Bordeaux (Pháp) về VN.
Từ đó được biết, chú Hỏa là người gốc Phúc Kiến (Trung Quốc), nguyên tên là Hoàng Trọng Toản (tên Pháp Jean Baptiste Hui Bon Hoa), sinh năm 1845, mất năm 1901. Ông có con trai là Hoàng Trọng Huấn.
Những người con hay cháu sau này đều đặt Hui Bon Hoa, chỉ khác phần tên Pháp đứng trước. Hiện dòng họ này đã sang Pháp, Đài Loan, Hồng Kông, Anh, Mỹ lập nghiệp, nhưng đa số vẫn ở Pháp.
Sách báo cách đây ba chục năm viết về lai lịch chú Hỏa như sau: Hai cha con chỉ có đôi quang gánh sang đất Nam kỳ làm nghề ve chai. Từ Sài Gòn - Gia Định đến các vùng ngoại thành, gặp thứ gì cũng mua: soong ấm bể, quần áo, mùng mền cũ... gom về đem bán lại cho một vựa ở Chợ Lớn.
Vậy mà chỉ ít năm sau, chú Hỏa đã mua được một căn phố ở gần cầu Ông Lãnh làm... “địa điểm tập kết” ve chai cho bạn bè đồng hương. Thời gian sau, chú mua thêm mấy căn phố bên cạnh mở cửa hàng. Có người đồn rằng chú Hỏa thu mua ve chai đã trúng... tấm mền cũ trong đó cất giấu mấy chục nén vàng.
Chú Hỏa làm thêm nghề cho vay. Chú mua đất, cất nhà cho thuê, mua dãy phố dọc khu cầu Ông Lãnh, Chợ Lớn, rồi mở thêm tiệm cầm đồ. Nhờ có đầu óc kinh doanh, chú Hỏa góp vốn mở công ty địa ốc với một người Pháp nên chú nhập quốc tịch Pháp, lấy tên Jean Baptiste Hui Bon Hoa cho tiện việc làm ăn. Chú phát triển thêm nghề buôn và bỏ tiền làm chủ ngân hàng, mua những căn phố lớn ở Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Long Xuyên... thu mua thóc gạo.
Khi giàu có tột đỉnh, chú Hỏa mua biệt thự ở Vũng Tàu, Đà Lạt để gia đình nghỉ dưỡng. Nghĩ lại thời kỳ khốn khó mới chân ướt chân ráo tới Sài Gòn, chú bỏ tiền ra xây một bệnh viện ngay trung tâm thành phố (trên đường Lê Lợi, Q.1, TP.HCM), hiện là Bệnh viện đa khoa Sài Gòn.
Trước 1975, trên tường lầu ba bệnh viện đề chữ Hospital Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Đấy chính là bệnh viện do chú Hỏa xây cất tặng để tỏ lòng tri ân nơi đã giúp tạo dựng cơ nghiệp.
Bên trong nhà chú Hỏa
Vào những năm 1960, người viết bài này có dịp tới dinh thự chú Hỏa ở đường Phó Đức Chính thì thấy rõ bên trong trang hoàng rất cổ kính và tráng lệ. Biệt thự có tổng cộng khoảng 40 phòng, trang trí đồ cổ như sập gụ, khảm trai, cẩn xà cừ, trên tường có treo câu đối hoành phi, đèn lồng và những bức tranh thủy mặc có tuổi vài trăm năm, mang từ cố hương sang, do các họa sĩ tên tuổi vẽ.
Buổi dạ tiệc hôm ấy do Công ty Hui Bon Hoa chiêu đãi hàng trăm người tới dự. Lâu đài nhìn về khuya khá âm u. Thú thật là thỉnh thoảng lại nghe tiếng chuông, mõ từ căn phòng trên lầu vọng xuống qua lớp cửa đóng then gài và loáng thoáng ánh đèn mờ sau khe cửa.
Hiện nay ngôi mộ của chú Hỏa nằm trong nghĩa trang gia đình tại Lái Thiêu (Bình Dương). Còn dinh thự của chú Hỏa hiện nay được sử dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.