Ký ức xa xưa
Nếu gia đình bạn từng thưởng thức món ngon nào trải qua 4 thế hệ, ắt hẳn bạn không thể quên. Mấy mươi năm trước, ông bà nội từng dắt ba tôi đến ăn chè vào những ngày hè oi ả. Nay tôi tiếp tục dẫn con mình đến đây.
Hàng chè nằm lọt thỏm trong khoảnh sân nhỏ trước trạm biến áp cũ kỹ trên đường Trần Hưng Đạo B, TP.HCM, đoạn qua ngã tư Châu Văn Liêm gần đến chợ vải Soái Kình Lâm, được người dân quanh đây gọi bằng cái tên thân mật: Quán chè nhà đèn.
Chị Lý Thanh Hà là cháu gọi người tạo ra hàng chè này từ những năm 30 thế kỷ trước là cụ cố. Qua lời kể của mẹ và bà ngoại, chị Hà kết nối lại câu chuyện của dòng họ. Năm 1936, bà Phùng Hạnh Phan hồi ấy là cô gái tuổi đôi mươi, quá hoảng sợ trước cảnh khủng khiếp mà chiến tranh gây ra tại ngôi làng quê hương tận Quảng Đông (Trung Quốc), đã quyết định cùng hai người bạn gái trốn đi sau khi cả gia đình bị giặc giết. Đơn thân, lại là gái nhưng bà Phan vẫn chấp nhận xa xứ vì không còn lựa chọn nào khác. Bà nhận một bé gái mới vài tháng tuổi làm con nuôi, đặt tên Lý Ái Quỳnh. Sau nhiều lần đắn đo, bà quyết định ẵm con sang Việt Nam lánh nạn.
|
Không tiền, không nghề nghiệp, bà lặn lội đến Hà Nội rồi Hải Phòng bằng đường bộ, làm đủ mọi cách để sinh nhai trên đôi chân trần và hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, môi trường sống khó khăn nên bà Phan và hai người bạn gái nghe theo lời nhiều người mách bảo, tìm đường vào Sài Gòn lập nghiệp. Dồn hết những đồng tiền cuối cùng, nhóm bà Phan lên tàu thủy ở Hải Phòng xuôi vào nam. Đến Sài Gòn, đất lạ quê người, cuộc sống cũng chẳng khá hơn. Giấc ngủ đến với bà cứ chập chờn đầy ác mộng kinh hoàng về chiến tranh, chết chóc và cả những ngày đen tối trước mắt.
Cái đói bắt đầu hoành hành, lại phải ở lề đường, đôi lúc bà không còn thiết sống. Năm 1938, khi mà mọi nguồn sống gần như bế tắc, bà Phan nấu đại một nồi chè đậu xanh ngồi ở góc đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm) - Nguyễn Trãi bán cho khách hàng trong khu phố. Món chè của bà nhanh chóng được mọi người gần xa ưa thích và tìm đến. Có chút tiền, bà mướn tạm căn phòng nhỏ trên lầu một khu chung cư kế bên trạm biến thế để tá túc. Dần dà bà sắm được xe chè. Hằng đêm, khi thành phố tĩnh lặng, bà lặng lẽ đẩy xe về cất tại sân phía trước trạm.
Nhưng chuyện mưu sinh không hề đơn giản. Chính quyền Pháp truy quét nạn buôn bán trên lề đường. Thấy khoảnh sân trước trạm biến áp còn trống, bà Phan đành “xí” đại, lòng cứ thầm cầu nguyện chính quyền ngó lơ. Hơn 70 năm sau, hàng chè này vẫn ở vị trí cũ, với xe chè bà Phan đã dành dụm mua từ ngày đầu lập nghiệp, giờ thành “đồ cổ”…
Hàng chè bốn thế hệ
Hàng chè bà Phan có nhiều món nấu khá lạ. Cũng là sâm bổ lượng, hạnh nhơn, chè đậu xanh, đậu đỏ, hột gà chưng (như một loại bánh flan), hột gà nấu trà đường, chè hạt sen, đậu phộng, chè mè đen, nhãn nhục, bạch quả, củ năng... nhưng hương vị rất đặc trưng.
Những ngày cuối tháng 4.1975, quán chè vẫn phục vụ khách, không nghỉ hôm nào dù thành phố vừa được giải phóng. “Mẹ tôi kể lại lúc đó, làm gì có nguyên liệu để nấu chè, phải mua đường tán hay đường thùng đen kịt về nấu mà còn khó kiếm. Mẹ phải đạp xe đến tận Xa cảng Miền Tây để nhờ bạn hàng quen mua nguyên liệu từ các tỉnh nhưng lúc có lúc không. Tết Mậu Thân 1968, bà ngoại buộc phải nghỉ bán vì chiến tranh ác liệt quá. Chiến sự lan đến tận từng ngôi nhà, khu phố, dân chúng sơ tán khắp nơi, ai mà còn thiết tha đến chuyện ăn chè. Sau khi tình hình yên ắng trở lại mới tiếp tục công việc”, chị Lý Thanh Hà kể.
Bà Phan già yếu rồi qua đời. Bà để hàng chè lại cho con cả của bà Lý Ái Quỳnh là Lý Tô Hà tiếp tục đứng bán. Đó là thập niên 80-90 thế kỷ trước. Nay bà Lý Tô Hà cũng đã lớn tuổi, lại bị bệnh tim, không thể tiếp tục công việc nên giao lại cho người con gái rồi tiếp tục đến cháu. Các cô được mẹ, bà truyền lại bí quyết của nghề nên vẫn giữ được hương vị truyền thống của hàng chè năm xưa. “Gia đình tôi bốn đời bán chè. Nơi đây đã trở thành “nhà”, quá thân quen với dòng họ dù chỉ là một cái sân nhỏ xíu. Gia đình chúng tôi sống lương thiện bằng hàng chè này. Nó nuôi sống nhiều thế hệ”, chị Thanh Hà nói.
Năm tháng qua đi... Cuộc sống thay đổi nhưng vẫn còn đó một hàng chè, như thách thức với thời gian khắc nghiệt. Cũng như tôi, nhiều khách đến đây ăn chè từ ngày bé tí đến lúc trưởng thành rồi sinh con đẻ cái. Hàng chè không còn là điểm bán thức ăn mà trở thành nơi dung chứa ký ức. Ngồi đây ăn chè, nhìn các con tôi chợt nhớ đến ba mẹ, ông bà mình. Và tôi nhận ra rằng một hàng chè sẽ trở thành bất tử nếu nó gắn chặt với cuộc đời của mỗi người.
Đỗ Tuấn
>> Chè hạt kê
>> Món ăn cho người hen suyễn
>> Các món ăn đường phố nên nếm thử
>> Món ăn cho người viêm thận
>> Nhiều món ăn ngon từ nghêu
>> Lên Tây Bắc thưởng thức món ăn Thái
Bình luận (0)