Trong con hẻm sâu trên đường Trần Đình Xu, ông chậm rãi nói về mình. Giọng miền Nam chân chất, họa sĩ Phan Phan kể ông sinh tại Bến Tre nhưng lại thành danh ở đất Sài thành. “Mới 3 tuổi đã mất mẹ nên ngày còn bé tôi không thiếu vị đắng. Hơn 10 tuổi đầu, tôi phải thức dậy từ 4 giờ sáng, đội thùng cà rem, lội bộ 11 cây số đến bến phà Rạch Miễu bán tối mịt mới về”, ông Phan nhớ lại.
Rồi ông tiết lộ một điều khiến tôi tròn xoe mắt ngạc nhiên. “Hồi nhỏ, một lần bị bệnh, bác sĩ khám phát hiện tôi là người có ngũ tạng trái ngược. Tim, lá lách thì bên phải còn gan lại bên trái. Chắc nhờ ngược đời như vậy mà tôi sống lâu đến hôm nay”.
Năm 1953, Trường Mỹ thuật Gia Định tuyển sinh, ông thích quá xin gia đình nộp đơn thi vào. Với tài vẽ tuyệt đẹp, ông đỗ thủ khoa. “Thầy Bùi Kỉnh dạy lớp Section Préparatoire (dự bị) đã truyền cho tôi tình yêu hội họa để có đủ tâm lực theo nghề. Thầy Kỉnh có biệt danh “độc thủ đại hiệp” do chỉ còn 1 tay trái. Thầy tham gia biểu tình chống Pháp khi Trần Văn Ơn bị bắn. Mật thám Pháp bắt, tra tấn, treo thầy lên giàn giáo, cánh tay phải bị hoại tử phải cưa bỏ. Chỉ còn tay trái nhưng thầy vẽ cũng rất tài tình lại truyền thêm cho chúng tôi lòng yêu nước”, họa sĩ Phan nhớ lại.
Nghệ sĩ thiết kế sân khấu tài danh
Ngay khi đang là sinh viên, họa sĩ Phan Phan đã kiếm ra tiền bằng công việc vẽ truyện tranh cho các nhật báo ở Sài Gòn. Một bộ truyện ông nhận 4.500 đồng trong khi tiền ăn ở trọ chỉ tốn 450 đồng/tháng nên dù gia đình “cắt viện trợ” ông vẫn sống khỏe re.
|
Ra trường ông làm đủ thứ nghề: họa sĩ trang trí quảng cáo, thiết kế hội chợ. Lần làm sân khấu cho đoàn ca nhạc Nhật Bản sang Sài Gòn dự hội chợ ở Thị Nghè năm 1959, ông đã học lóm được rất nhiều điều, làm nền tảng cho sự nghiệp thiết kế sân khấu đồ sộ sau này. Có thể nói, sau những bậc đàn anh thiết kế sân khấu ở Sài Gòn thập niên 1950 rồi 1960 như Loka, Lê Viên hay Mười Rây thì Phan Phan là cái tên xứng đáng nhất.
Cơ duyên đưa đẩy ông đến với sân khấu bắt đầu từ mối tình của một “đại gia” với nghệ sĩ Thanh Nga! “Con bà Bút Trà, chủ bút tờ Sài Gòn mới là cậu Năm Thành mê cô đào Thanh Nga lúc đó. Để mua lòng người đẹp, Năm Thành đặt tôi thiết kế sân khấu cho vở diễn Thầy cai tổng Bồi của tác giả Lư Hòa Nghĩa (tức Năm Nghĩa, cha của NSƯT Bảo Quốc - PV). Vở diễn thành công, tôi theo nghề từ đó”.
Nói đến sân khấu Sài Gòn ông thuộc làu, như một bộ tự điển sống bởi ông gắn bó với nó cả đời. “Ngày xưa, trong một đoàn hát thì soạn giả, thầy tuồng - đạo diễn bây giờ - và cả ông bầu là một. Bà bầu Thơ, chủ gánh hát Thanh Minh “kết” tôi sau thành công của vở Thầy cai tổng Bồi kêu tôi về làm. Thực hiện mô hình sân khấu cho vở mới, bà bầu Thơ xem xong gật đầu cái rụp, hồn vía tôi lên mây vì chẳng biết làm sao triển khai ý tưởng. Tôi lặn lội lên tận Gò Vấp, tìm ông thợ mộc chuyên về đạo cụ cho đoàn phim để làm phông nền sân khấu tại rạp Nguyễn Văn Hảo (rạp Công Nhân). Đến khi mọi thứ thành hình, anh em hậu đài vừa làm vừa rủa vì quá nặng, khó di chuyển. Hôm sau tôi phải dẫn anh em ra ăn bún mắm ở “ngã tư quốc tế” (góc Bùi Viện - Đề Thám ngày nay) để rút kinh nghiệm. “Ngã tư quốc tế” là nơi anh em nghệ sĩ, ký giả Sài Gòn thời trước tụ tập. Chuyện gì trong làng cũng đều “khui hàng” chỗ này”, ông Phan cười khà khà.
Tiếp theo vở Thầy cai tổng Bồi, họa sĩ Phan Phan thiết kế sân khấu cho rất nhiều vở cải lương nổi danh ở Sài Gòn như Rồi 30 năm sau, Nỗi buồn Thu Thảo (tác giả Hà Triều - Hoa Phượng), Vụ án song hôn (Hoàng Khâm), rồi các vở của đoàn kịch nói Kim Cương, Dạ Lý Hương, Kim Chưởng… “Giờ ngồi đếm không tài nào nhớ hết, có đến vài trăm vở tôi đã làm”.
“Những ngày đầu thống nhất, chỉ có đoàn Thanh Minh-Thanh Nga được nhà nước cho phép hoạt động sớm nhất. Bà bầu Thơ gọi tôi về ngay. Lúc đó sân khấu miền Nam chịu ảnh hưởng của phong cách thiết kế phía bắc, mang tính ước lệ, đơn giản. Tôi làm 2 vở Hoa Mộc Lan tùng chinh và Tấm lòng của biển bị thất bại thảm hại. Đến khi dựng sân khấu cho vở Trận tuyến thầm lặng của đoàn cải lương Trung Hiếu, tôi mạnh dạn sửa thiết kế của họa sĩ Lương Đống để rồi làm nên phong cách riêng, bớt rườm rà, đặc tả của miền Nam hay đại khái của miền Bắc mà thay vào đó là sự hòa quyện giữa tính ước lệ và tả thật. Phong cách đó sau này được báo chí gọi là cách điệu”, Phan Phan nói say sưa. Ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997 và Nghệ sĩ Nhân dân năm 2007.
Giờ ở tuổi 80 ông vẫn làm việc sau khi về hưu năm 1995, “không hẳn vì cơm áo mà thiếu nó tôi chịu không nỗi, quen rồi! Tôi đang làm sân khấu cho 2 vở: Trên cả trời xanh, Cạm bẫy và trừng phạt”. Hỏi ông mong ước gì cho nghề nghiệp, giọng ông chợt buồn: “Thành phố phát triển, nhà hàng, khách sạn, cao ốc mọc lên như nấm mà kiếm không ra một nhà hát tầm cỡ để nghệ sĩ có cơ hội làm nghề. Đến giờ chẳng thấy nơi đâu ở Việt Nam có bảo tàng lưu giữ dù chỉ là những mô hình thiết kế sân khấu. Thế hệ con cháu mình sau này muốn biết ông cha chúng đã làm sâu khấu như thế nào trong thế kỷ 20 thì tìm ở đâu?”.
Đỗ Tuấn
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (kỳ 6): Lên đời cùng tiểu thuyết Kim Dung
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 5): Cây đại thụ của nhiếp ảnh Sài thành
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự - Kỳ 4: “Đại gia” hội họa
>> Sài Gòn kỳ nhân – kỳ sự - Kỳ 3: Người sửa giày sau lưng chợ Bến Thành
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 2): Người bán xôi qua 6 thập niên
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự: 70 năm một hàng chè
Bình luận (0)