Thoát nạn nhờ… kèn
16 tuổi, tình cờ Tòng Sơn nhặt được cây khẩu cầm của lính Pháp sau một trận càn vào làng quê ông ở Vĩnh Long. Ông nào ngờ định mệnh đã gắn chặt đời mình với nó suốt 67 năm. “Thời đó tìm khắp miền Nam chẳng ai biết sử dụng harmonica lấy đâu mà học? Tôi bèn mày mò, tự tập thổi và tìm hiểu về nhạc lý”, ông nói trên căn gác gỗ của ngôi nhà trên đường Trần Hữu Trang.
Nhà nghèo, 18 tuổi, ông bôn ba lên Sài Gòn học việc tại xưởng sản xuất máy đánh chữ của một ông chủ người Việt hồi hương từ Campuchia. Nơi ông làm việc ngày nay là con đường Phan Chu Trinh, cạnh chợ Bến Thành. Mỗi lúc nhớ nhà, nhớ quê, ông lại lôi kèn ra thổi. m nhạc giúp ông thoát khỏi sự phiền muộn vì chuyện cơm áo.
Năm 1950, ông dự cuộc thi Tuyển lựa tài tử do Đài phát thanh Pháp Á tổ chức và đoạt giải cao với cây khẩu cầm. “Sơn là tên ông già, còn tôi tên thật là Dương Ngô Tòng. Tôi ghép tên tôi và tên cha thành nghệ danh Tòng Sơn đi thi vì rủi có rớt thì không ai biết, để đỡ quê. Ai dè đậu liền, mà còn đậu cao nữa chứ. Từ đó, ban ngày đi làm, tối về tôi đi diễn, kiếm thêm tiền lo cho gia đình ở quê”, ông cười.
Đây cũng là thời điểm Tòng Sơn làm thêm nghề chế bản tại một xưởng in trên đường Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). “Tôi sáng dạ, chỉ một biết hai, ba nên làm gì cũng nhanh. Ông chủ hãng làm máy đánh chữ quý tôi lắm. Thời đó, trong chiến khu các chiến sĩ cách mạng rất cần máy đánh chữ có dấu để làm việc. Tôi và người bạn âm thầm chuyển máy đánh chữ lên tận Phú Văn (Thủ Dầu Một) rồi dùng xe thổ mộ ngụy trang rau muống bên trên đưa vào rừng cung cấp cho cách mạng”.
Rất nhiều máy đánh chữ đã đến tay quân ta ngày ấy. Năm 1951, đúng vào ngày giỗ đầu liệt sĩ Trần Văn Ơn - bị Pháp bắn ở Sài Gòn, thình lình mật thám xông vào xưởng in, nơi ông đang làm việc còng tay, đưa lên xe bít bùng chở về đồn. Đường dây đưa máy đánh chữ vào chiến khu bị bể. “Mật thám Pháp đánh tôi dã man để moi thông tin. Chúng chuyển tôi đến Đồn công an Đa Kao trên đường Mạc Đĩnh Chi bây giờ rồi giải qua khám lớn ở đường Catinat (Đồng Khởi), ngay vị trí của Sở VH-TT và DL TP.HCM ngày nay. Được vài tháng, tôi lại bị chuyển đến Đồn Cây Mai (Q.11), sau đó là Trại giam Gia Định rồi Thủ Đức. Những năm tháng ngồi tù khổ lắm. Mỗi ngày tôi chỉ được phát cho 4 lon nước để vệ sinh và ăn uống”.
|
Trong hồ sơ ghi nghề nghiệp là thợ in nên mật thám Pháp chuyển ông lên tận Bình Dương để làm việc cho Bureau (Phòng Nhì - Cơ quan tình báo Pháp). “Những ông Tây làm việc ở đây nói tiếng Việt còn giỏi hơn một số người Việt nữa. Biết tôi thổi kèn hay, vài cai ngục bắt tôi biểu diễn. Nhờ vậy, tấm thân đỡ cơ cực hơn”, Tòng Sơn nói ông chưa bao giờ kể đoạn đời này, tính sống để bụng, chết mang theo.
Còn lần thứ 2 cũng nhờ cây kèn mà Tòng Sơn “khỏe tấm thân”. Đó là thời điểm Sài Gòn được giải phóng, nghệ sĩ miền Nam cũng phải đi học tập ngắn ngày để đả thông tư tưởng, anh cán bộ quản giáo người Sài Gòn nhận ngay ra ông nên “ưu ái”, chỉ cho ông làm việc nhẹ để dành sức… thổi kèn.
Làm từ thiện dù sống lang bạt
“Ngày xưa lượm được cây kèn mày mò học để lấy le bạn gái. Vậy mà nhờ nó tôi thành danh, được khán giả yêu thích đến tận hôm nay”, ông tự nhận. Ngoài tiếng kèn độc đáo mấy mươi năm qua, Tòng Sơn còn nổi tiếng với nhiều trò “độc” như: vừa ăn chuối, uống bia vừa thổi kèn bằng mũi, thổi một lúc 2 kèn với 2 tông nhạc khác nhau…
Ông chỉ buồn một điều là dù đã dạy cho hàng trăm học trò nhưng chẳng ai nối nghiệp ông, thổi khẩu cầm đạt đến trình độ quốc tế. “Cuộc đời nhiều lúc oái oăm lắm. Muốn truyền nghề lại không tìm ra trò. Cũng như tôi từng này tuổi, vẫn ở nhà mướn mà thường xuyên biểu diễn từ thiện gây quỹ giúp người nghèo xây nhà”.
Tòng Sơn năm nay đã 83 tuổi nhưng trông ông trẻ thật, cứ như ngoài 50. Ông bảo nhờ mình yêu đời, yêu nghề, sống vui khỏe nên tuổi già cứ mãi quay lưng. Ông lập gia đình năm 1961, có đến 10 người con, chia tay vợ năm 1993 và sống đơn côi từ ngày đó đến nay. “Đêm diễn về, tôi lủi thủi một mình nhiều lúc cũng thấy buồn nhưng cuộc đời mình đã chọn như thế thì đành chịu. Tôi từng được chính phủ Mỹ cấp thẻ ID nhưng sang đó chỉ để biểu diễn, thăm gia đình chứ xa mảnh đất Sài Gòn tôi nhớ lắm”, ông cho biết.
67 năm thủy chung với cây kèn. Từng bôn ba khắp đất nước, nhiều lần sang nước ngoài, lên cả hàng không mẫu hạm USS Enterprise năm 1965 biểu diễn, nghệ sĩ Tòng Sơn nói ông hoàn toàn mãn nguyện với những gì cuộc đời đã dành cho mình.
“Được diễn, được khán giả mến mộ là hạnh phúc lớn nhất. Còn lại, danh hiệu nghệ sĩ ưu tú hay nghệ sĩ nhân dân tôi chẳng mong đợi gì dù đã ở tuổi gần đất xa trời. Đời nghệ sĩ sau cùng là đem lại niềm vui cho công chúng. Với tôi thế là đủ”. Ông thổ lộ cả đời lang bạt quá nên giờ chẳng có căn nhà. “Cát sê chỉ vài trăm ngàn, đủ đắp đổi qua ngày, làm sao có dư. Mà thôi, vậy cũng vui. Còn sức khỏe, tôi còn thổi kèn. Tiếng kèn đã gắn chặt đời tôi với mảnh đất này từ rất lâu rồi”.
Nghệ sĩ Tòng Sơn từng nhận kỷ lục Người có phong cách biểu diễn khẩu cầm độc đáo nhất VN do Trung tâm sách kỷ lục VN trao năm 2005, danh hiệu Nghệ sĩ biểu diễn harmonica ấn tượng nhất (2006) do Đài truyền hình VN tặng. Ông đã phát hành 4 CD với đĩa mới nhất mang tên Vì đó là em (2012). |
Đỗ Tuấn
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 7): Họa sĩ có trái tim bên phải
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (kỳ 6): Lên đời cùng tiểu thuyết Kim Dung
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 5): Cây đại thụ của nhiếp ảnh Sài thành
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự - Kỳ 4: “Đại gia” hội họa
>> Sài Gòn kỳ nhân – kỳ sự - Kỳ 3: Người sửa giày sau lưng chợ Bến Thành
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự (Kỳ 2): Người bán xôi qua 6 thập niên
>> Sài Gòn kỳ nhân - kỳ sự: 70 năm một hàng chè
Bình luận (0)