Sài Gòn nắng vỡ đầu: Những hàng cây cổ thụ 'dang tay làm máy điều hòa'

Anh Lê
Anh Lê
15/04/2019 13:23 GMT+7

Ít ai biết chính xác những cây cổ thụ ở TP.HCM trồng từ năm nào, chỉ biết rằng những hàng cây sừng sững vẫn ngày ngày ‘dang tay’ che nắng, gắn bó với cuộc sống và công việc mưu sinh hằng ngày của nhiều người Sài Gòn.

Những hàng cây cổ thụ không hiếm gặp ở TP.HCM. Một người bạn ở TP.HCM của tôi nói muốn biết những hàng cây lâu đời thì lên khu quận 5 hay quận 10. Dọc đường An Dương Vương, Nguyễn Chí Thanh, Ngô Gia Tự hay Ba Tháng Hai... là những hàng cây thân to và cao vút ngang ngửa những tòa nhà cao tầng, tỏa bóng mát từ trên cao.
Mùa khô ở TP.HCM với cái nắng oi ả. Có người người chỉ muốn trốn trong phòng với chiếc điều hòa, có người thoải mái hơn, xách ghế nhựa ra gốc cây nói chuyện, hít gió trời.

Ngày nắng, ngồi dưới gốc cây hóng mát

TP.HCM đang vào mùa nắng nóng cực độ, cũng là lúc người ta để tâm hơn đến những mảng xanh của thành phố. Những con đường rợp bóng cây không chỉ che nắng cho người đi đường và nhà dân xung quanh, mà đó còn là chỗ nghỉ trưa của những người lao động.
Ông Nguyễn Văn Lực (71 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM) đang sinh sống cùng con cháu trong một căn nhà trên đường Nguyễn Chí Thanh. Mỗi buồi chiều tầm 3, 4 giờ ông lại mang chiếc ghế nhựa ra dưới gốc cây ngồi hóng mát. 
Ông Lực cho biết: “Ở trên lầu mà có bóng cây cũng đỡ nhiều lắm, không có cây thì nóng chịu không nổi đâu. Ngày xưa thì không khí không có ô nhiễm nhiều như bây giờ, giờ xe cộ đi lại, bụi khói nhiều. So với những con đường khác không có cây thì đường này rõ ràng dễ thở hơn. Mấy con đường sau này mới sau này, nhà dân đông quá, cây chưa nhiều nên giờ này mà mang ghế ra ngồi chắc nắng vỡ đầu”.
 Di chuyển trên đường rợp bóng cây là ao ước của nhiều người trong thời điểm TP.HCM đang vào mùa nóng cực độ.
Với người đi đường, thật dễ chịu khi di chuyển ở những khu vực rợp bóng cây khi TP.HCM đang vào mùa nóng cực độ
Những hàng quán hai bên đường cũng được lợi nhiều từ bóng mát, đặc biệt là các quán bán đồ ăn, nước uống. Ai mà chẳng muốn ngồi thưởng thức một món ăn hay uống một ly nước mát lạnh ngày hè trong không gian thoáng mát. Đặc biệt đối với sinh viên hay người dân lao động không có điều kiện vào những hàng quán sang trọng, những quán nhỏ dưới gốc cây là lựa chọn... số một.
Thảnh thơi ăn trưa, nghỉ ngơi dưới bóng cây
Thảnh thơi ăn trưa, nghỉ ngơi dưới bóng cây
Một số gia đình đưa con ra công viên chơi đùa tránh nắng
Một số gia đình đưa con ra chơi ở những công viên có nhiều cây
Ở những con đường có bóng cây, người đi đường chẳng cần lo tìm chỗ tránh nắng, nheo mắt, nhăn mặt trong khi chờ đỏ. Chiều chiều đến là lúc công viên, những nơi có nhiều cây xanh trong thành phố tấp nập người đi tập thể dục, trẻ con thoải mái vui chơi, vận động sau giờ học.

"Hàng cây này khoảng trăm năm, mai mốt mình chết nó còn chưa nữa..."

Không ai biết chính xác những cây cổ thụ này được trồng từ năm nào, những người sống dưới bóng cây này chỉ biết rằng từ khi dọn đến, cây đã có từ lâu và gắn bó với họ đến tận bây giờ.
Tôi đặc biệt ấn tượng với con đường Lương Nhữ Học (quận 5) phía cổng sau trường THCS Hồng Bàng. Con đường chỉ dài tầm 500 - 600 m nhưng hai bên là những hàng cây cổ thụ có tuổi đời cả trăm năm, nhiều cây phải 2 - 3 người ôm mới xuể.
“Tôi nghe nói hàng cây này khoảng trăm năm, mai mốt mình chết nó còn chưa chết nữa, sống lâu lắm”, bà Giang Thị Hường, chủ một quán súp trên đường này nói vui. Bà Hường cho biết đã bán súp ở dưới gốc cây này được gần 30 năm, những năm gần đây bà mới thuê mặt bằng dọn vào bán.
Theo lời bà Hường kể, những gốc cây cổ thụ ở cổng sau trường THCS Hồng Bàng là nơi buôn bán, gắn bó nắng mưa với bà mấy chục năm qua.
“Cây này thì không ai dám chặt, chỉ sợ nó bị mục gãy đi tiếc lắm, dù sao cũng gắn bó với xe súp của mình mấy chục năm nay. Cây giúp mình nhiều chớ, có bóng mát, ngày xưa tôi bán làm gì có mặt bằng như thế này, cũng nhờ mấy bóng cây này có chỗ cho khách ngồi ăn súp”, bà Hường chia sẻ.
Còn hàng cây cổ thụ trên đường Ngô quyền (quận 5) đã gắn bó với ông Nguyễn Văn Mẫn (77 tuổi) hơn nửa thế kỷ qua. “Cây này nếu tính ra thì được cả trăm năm rồi, tôi sống ở đây là khoảng gần 70 năm. Lúc tôi chuyển đến đây tôi mới có mười mấy tuổi, cái cây nó đã lớn cũng gần như vầy rồi. Năm nay tôi đã 77 tuổi, giờ có cháu hết rồi”, ông Mẫn cho hay.
Ông Mẫn giải thích vì sao đường Ngô Quyền chỉ có hàng cây ở một bên: “Thành phố nào cũng phải có bóng cây, mà ngày xưa khi mà hệ thống dây điện ngầm dưới đất chưa thịnh hành như bây giờ người ta chỉ trồng cây một bên thôi, còn bên kia để mắc đường dây điện”.

Ngày bão, cứ nghe tin cây đổ thì cũng lo

Cây xanh giúp cho con người bóng mát, điều hòa không khí. Tuy nhiên nhiều người cũng lo cành cây gãy đè trúng, đặc biệt là vào mùa mưa. Ông Nguyễn Văn Lực cho biết nhiều cây ở thành phố dễ gãy cành, bật gốc, có cây rễ còn chồi lên hẳn trên mặt đất.
: Gốc cây cổ thụ hàng trăm năm đã chứng kiến bao nhiêu thế hệ học sinh trường THCS Hồng Bàng trưởng thành.
Gốc cây cổ thụ trăm năm này đã 'chứng kiến' bao nhiêu thế hệ học sinh trường THCS Hồng Bàng trưởng thành
“Nói chung vừa có lợi vừa có hại, chứ không có cái gì lợi hết trơn được, trời mưa thì sợ cây gãy đè lên nhà. Cành khô mà người ta chưa kịp cắt, gió một cái thôi cũng đổ vào nhà. Nhất là khi ngày bão, cứ nghe tin cây đổ thì cũng lo. Tuy cây ở đây lớn những cũng không biết được chuyện gì, lỡ nó đổ một cái thì sập nhà chứ chẳng chơi”, ông Lực bày tỏ.
Chị Nguyễn Hồng Lưu, chủ một cửa hàng bán cây nhựa trên đường Ba Tháng Hai cũng chia sẻ: “Mùa nắng thì rất thích, chẳng bao giờ cửa hàng bị nắng rọi vào trong nên hàng hóa để vô tư. Nhưng sợ cây gãy cành lắm, lâu lâu tôi mới ra đứng hóng gió thôi chứ gió to một tí là chạy vô nhà liền”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.