Sài Gòn ngập nặng

Sài Gòn ngập nặng

11/10/2014 03:30 GMT+7

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, hôm qua 10.10, do ảnh hưởng của kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch, mực nước cao nhất ngày trên hệ thống sông, kênh rạch TP.HCM ở mức rất cao. Chiều tối 10.10, đường Huỳnh Tấn Phát, Phạm Hữu Lầu (Q.7), An Dương Vương, Phú Định (Q.8) và nhiều tuyến đường ở các quận: 2, 9, 6, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè đã biến thành sông do triều cường đạt đỉnh cao nhất trong kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch.

Hàng loạt tuyến đường biến thành sông do triều cường đạt đỉnh cao nhất chiều tối qua

Đường Nguyễn Hữu Thọ (phía huyện Nhà Bè) ngập nghiêm trọng vào chiều 10.10, chỉ một vài xe dám lưu thông - Ảnh: Diệp Đức Minh

 

Ngập gần 1 m ở Bình Dương

Mưa lớn kết hợp triều cường đã gây ngập cục bộ nhiều hộ dân sinh sống ven sông Sài Gòn đoạn qua TP.Thủ Dầu Một và TX.Thuận An (Bình Dương) trong ngày hôm qua (10.10). Hàng chục hộ dân ở KP.5 và 6, P.Phú Thọ (TP.Thủ Dầu Một) bị ngập sâu trong nước gần 1 m. Tại khu vực chợ Thủ Dầu Một (P.Phú Cường) triều cường cũng gây ngập khoảng 20 cm ở một số tuyến đường. Còn ở TX.Thuận An đã có hơn 10 m đê bao ở P.Lái Thiêu bị vỡ, gây ngập cục bộ cho trên 30 hộ dân.

Đỗ Trường

Ở khu dân cư Phú Định (P.16, Q.8), nước tràn vào những căn nhà có nền thấp. Khu vực đường An Dương Vương có đoạn ngập đến nửa bánh xe gắn máy, đoạn nhẹ cũng ngập 1/3 bánh xe. Đường Phú Định dù có bờ tường xây cao phía bờ sông để ngăn triều cường, nhưng nước vẫn thấm qua, ngập đường.

Đường Huỳnh Tấn Phát, trục giao thông chính nối Q.7 với huyện Nhà Bè và Cần Giờ đã ngập mênh mông từ khoảng 17 giờ chiều và càng về tối, tình trạng càng nghiêm trọng đến mức xe gắn máy không thể lưu thông, nhất là đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến Phạm Hữu Lầu. Đường Phạm Hữu Lầu và nhiều con đường nội bộ ở địa bàn P.Phú Mỹ cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Đường Nguyễn Hữu Thọ bị ngập khoảng 2 - 3 tấc nước, đoạn ở khu vực xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Do ảnh hưởng của tình trạng ngập, xe dồn ứ trên đường, gây ùn tắc đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ phía Q.7, từ đường Nguyễn Văn Linh đến cầu Kênh Tẻ. Tình trạng ùn xe cũng nhanh chóng lan tỏa ra nhiều tuyến đường khác trên địa bàn Q.7. Xe lưu thông trên đường Nguyễn Thị Thập, đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ Nguyễn Thị Thập về khu chế xuất Tân Thuận và về phía cầu Phú Xuân) đều kẹt. 

Địa bàn Q.Bình Thạnh vẫn tiếp tục ngập tại khu vực Bình Quới - Thanh Đa, thuộc phường 27 và 28. Phía Q.2 vẫn tiếp tục ngập trên đường Lương Định Của, trong đó đoạn xuống dốc cầu Thủ Thiêm bị ngập nặng gây khó khăn cho phương tiện lưu thông từ Q.Bình Thạnh sang Q.2.

Trong khi đó, khu vực P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, từng là một trong những nơi bị ngập nặng mỗi khi vào kỳ triều cường lớn, nay đã giảm ngập rõ rệt. Đó là nhờ người dân ở một số khu phố bị ảnh hưởng của triều cường đã góp tiền cùng chính quyền địa phương lắp các van ngăn triều, xây bờ bao chống ngập.

Vỡ đê ở Cần Thơ

Sáng 10.10, tại khu vực cồn Khương (P.Cái Khế, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), triều cường đã làm vỡ đoạn đê bao dài khoảng 3 m, sâu 2 m, khiến nước tràn vào hàng chục nhà dân. Chiều cùng ngày, do ảnh hưởng của triều cường, một số đoạn đường ở trung tâm TP.Cần Thơ như đại lộ Hòa Bình, Trần Văn Hoài, Cách Mạng Tháng Tám, Trần Phú... bị ngập sâu. Trong đó ngập nặng nhất là giao lộ Mậu Thân - Võ Văn Kiệt, nước dâng cao đến 0,4 m.

Đình Tuyển

Mai Vọng

>> TP.HCM thống nhất đầu tư 666 triệu USD chống ngập nước
>> TP.HCM: Đại biểu bức xúc về tình trạng ngập nước, cướp giật
>> Người Sài Gòn than trời vì mưa to, ngập nước
>> Nam bộ đối mặt với kỳ triều cường lớn
>> TP.HCM: Triều cường lên cao 1,65 m trong 3 ngày tới
>> Triều cường tại TP.HCM có thể lên 1,5 m

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.