Sài Gòn ‘phủ sóng’ nhà vệ sinh công cộng

12/08/2016 09:41 GMT+7

Chính quyền TP.HCM đã lên kế hoạch “phủ sóng” nhà vệ sinh công cộng ở khắp 24 quận, huyện trên địa bàn bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Trên thực tế, TP.HCM tuy đón hàng chục triệu lượt du khách đến tham quan mỗi năm, nhưng hiện nay số lượng nhà vệ sinh công cộng khá... nhỏ giọt, chủ yếu tập trung trên một số tuyến đường ở Q.1; hầu hết các quận, huyện còn lại đều “trắng” nhà vệ sinh công cộng.
Kêu gọi xã hội hóa
Ngày 11.8, có 2 nhà đầu tư làm việc với UBND TP và các sở ngành liên quan về phương án “phủ sóng” nhà vệ sinh công cộng theo hình thức xã hội hóa.
Nhà vệ sinh “5 sao” do Sacombank xây dựng bằng hình thức xã hội hóa ở công viên Tao Đàn, Q.1. Ảnh: Khả Hòa
Nhà vệ sinh “5 sao” do Sacombank xây dựng bằng hình thức xã hội hóa ở công viên Tao Đàn, Q.1. Ảnh: Khả Hòa

Về chủ trương phủ sóng nhà vệ sinh công cộng thì không còn bàn cãi gì nữa. TP đã thống nhất để thực hiện nhằm góp phần xây dựng TP văn minh, thanh lịch trong mắt người dân và du khách
Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến
Phương án đề xuất của Công ty CP thương mại và truyền thông Vinasing được đánh giá cao về quy mô với số lượng 1.000 nhà vệ sinh công cộng, tổng kinh phí dự kiến khoảng 110 tỉ đồng (110 triệu đồng/công trình), được lắp đặt thêm ở các nhà ga, bến tàu, công viên, tuyến đường ở 24 quận, huyện. Đổi lại, TP tạo điều kiện cho nhà đầu tư được quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trong thời gian 15 năm để thu hồi vốn. Với phương án này, người dân được sử dụng nhà vệ sinh công cộng đó miễn phí.
Trong khi đó, phương án của Công ty Mister Loo (Thụy Sĩ) chú trọng đến chất lượng “5 sao” khi đầu tư với kinh phí từ 500 - 900 triệu đồng/công trình, tùy vào vị trí xây dựng. Theo đại diện công ty này, phương thức thu hồi vốn là thu tiền người sử dụng với mức phí từ 5.000 - 10.000 đồng/lượt. Nếu được TP chấp thuận, công ty sẽ ưu tiên tiến hành xây dựng ở các khu vực công cộng thường xuyên có đông du khách.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT, cho biết Sở phối hợp các sở ngành liên quan đã họp bàn, thống nhất việc đầu tư xây dựng nhà vệ sinh công cộng là phù hợp và cần thiết để đáp ứng nhu cầu có thật của người dân, du khách. Tuy nhiên, cần phải có sự khảo sát tổng thể để xác định quy mô đầu tư hợp lý, đồng thời phải có cơ chế phối hợp từ việc đầu tư đến vận hành, quảng cáo; phải phù hợp với nhu cầu của người già, trẻ em, người khuyết tật...
Hà Nội sẽ có thêm 1.000 nhà vệ sinh công cộng
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, TP có khoảng 340 nhà vệ sinh công cộng, trong đó có 236 nhà xây cố định và 104 nhà vệ sinh bằng thép đặt tại các điểm công cộng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhiều nhà vệ sinh trong số này được xây dựng khá lâu nên cũ kỹ, mất vệ sinh, bốc mùi hôi thối, đặc biệt tại các địa điểm như công viên, khu vui chơi... Mới đây, UBND TP đã đồng ý về mặt chủ trương đề xuất của một doanh nghiệp tài trợ 1.000 nhà vệ sinh, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước công cộng uống trực tiếp... cho TP. Doanh nghiệp này sẽ được thực hiện đề án khai thác quảng cáo ở các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn trong 10 năm để thu hồi vốn. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm duy tu, vận hành trong suốt quá trình hoạt động các nhà vệ sinh công cộng này.
M.Hà

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng khẳng định: “Về chủ trương phủ sóng nhà vệ sinh công cộng thì không còn bàn cãi gì nữa. TP đã thống nhất để thực hiện nhằm góp phần xây dựng TP văn minh, thanh lịch trong mắt người dân và du khách. Nhắc đến chuyện làm nhà vệ sinh công cộng, hầu hết cho rằng rất cần thiết”. Tuy nhiên, ông Tuyến nhìn nhận khi triển khai còn “vướng 2 cái khó”, đó là vị trí xây dựng và kinh phí đầu tư. Người dân sử dụng nhà vệ sinh công cộng, quan trọng không phải là miễn phí hay không miễn phí, mà vấn đề là đảm bảo sạch sẽ, tiện nghi. Chủ trương xây mới nhà vệ sinh công cộng là phải đạt tiêu chuẩn “5 sao” (có máy lạnh, lối đi riêng cho người khuyết tật, trang thiết bị hiện đại...), chứ nếu làm tạm bợ thì sẽ mau xuống cấp, nhếch nhác. Để thực hiện hiệu quả vấn đề này, ông Tuyến đề nghị các nhà đầu tư phối hợp Sở TN-MT khảo sát, tính toán về địa điểm, quy mô, phương thức đầu tư cụ thể. Trước mắt làm thí điểm 1 công trình đảm bảo phù hợp về vị trí, mẫu mã, đảm bảo mỹ quan, chất lượng, và hoàn thành trước 2.9 để TP kiểm tra, đánh giá trước khi triển khai xây dựng đại trà.
Trả lời Thanh Niên, Phó trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP Nguyễn Hồng Hà cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia, đặc biệt là ở khu trung tâm TP bởi cách làm này mang lại nhiều lợi ích.
Chấm dứt cảnh “đi nhờ, tiểu bậy“
Chia sẻ tình hình thực tế hiện nay, ông Hà Tôn Tuấn Hiệp, Phó giám đốc Công ty dịch vụ công ích Q.1, cho biết công ty đang quản lý gần 30 nhà vệ sinh công cộng, nhưng do xây dựng đã lâu, chủ yếu bằng chất liệu composite nên hầu hết đều xuống cấp. Bên cạnh đó, do thiết kế trước đây chưa hợp lý nên nhiều người khuyết tật không sử dụng được.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên hôm qua (11.8), trên đường sách Nguyễn Văn Bình (cạnh nhà thờ Đức Bà, Bưu điện TP và công viên 30.4, Q.1), nhiều du khách nháo nhác tìm nhà vệ sinh, đặc biệt là các du khách nước ngoài tỏ ra rất lúng túng. Họ vừa đi vừa đảo mắt tìm người để hỏi “nhà vệ sinh công cộng khu vực này nằm ở đâu?”.
Một nhân viên bán sách ở đường sách khi được hỏi, vừa nói vừa lấy tay chỉ hướng: “Khu vực này không có nhà vệ sinh công cộng nên phải đi hết đường Nguyễn Văn Bình, đến trung tâm thương mại trên đường Hai Bà Trưng mới có”. Trong khi đó, tại khu vực công viên 23.9 có 4 nhà vệ sinh, nhưng trong khi 3 nhà vệ sinh của Ngân hàng Sacombank đầu tư theo hình thức xã hội hóa, khá sạch sẽ và miễn phí thì nhà vệ sinh công cộng nằm trong bãi xe buýt công viên này đã xuống cấp, thiết bị đều hư hỏng, bồn cầu không có nắp, vòi nước, bồn rửa mặt và kính đều gỉ sét. Bên ngoài bãi xe buýt bốc mùi khai nồng nặc vì một số người thiếu ý thức “giải quyết tâm sự” ngay tại khuôn viên.
Nhà vệ sinh công cộng do Công ty dịch vụ công ích Q.1 quản lý đều xuống cấp. Ảnh: Đức Tiến
Nhà vệ sinh công cộng do Công ty dịch vụ công ích Q.1 quản lý đều xuống cấp. Ảnh: Đức Tiến

Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, thừa nhận nhà vệ sinh công cộng hiện có trên địa bàn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Để giải quyết tình thế, Q.1 vận động các chủ nhà hàng, quán ăn, khách sạn hướng dẫn, cho phép người dân, khách du lịch được sử dụng nhà vệ sinh miễn phí tại địa chỉ hoạt động.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đợt vận động này dù đã trải qua hơn 2 tháng nhưng hiện chỉ mới “thấm” đến khu phố Tây (P.Phạm Ngũ Lão) với hơn 10 cơ sở đồng ý “mở cửa” nhà vệ sinh cho du khách đi nhờ, còn đa phần vẫn rất e dè. Khi chúng tôi thử đi đến các cửa hàng, quán xá ở khu vực đường Nguyễn Du (P.Bến Nghé) để xin đi vệ sinh nhờ thì đều nhận những cái lắc đầu và ánh mắt rất khó chịu.
Ngày 11.8, UBND TP.HCM cũng có buổi làm việc với Công ty Global Wife Holding Inc (Mỹ) về đề xuất phủ sóng wifi nơi công cộng trên toàn địa bàn TP. Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, chủ trương của TP là phủ sóng wifi để người dân, du khách sử dụng miễn phí ở nơi công cộng với yêu cầu là số lượng người vào mạng lớn bao nhiêu cũng phải đảm bảo tốc độ truy cập nhanh. Tuy nhiên, về lộ trình triển khai, Công ty Global Wife Holding Inc cũng như một số nhà đầu tư trước đó đã đăng ký thực hiện phủ sóng wifi, phải làm việc thêm với Sở TT-TT để có đề án cụ thể trình UBND TP xem xét, phê duyệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.