Sài Gòn sống chung với triều cường - Bài 3: Đỉnh triều còn tăng

11/11/2010 17:55 GMT+7

(TNO) Trong những năm gần đây, liên tiếp mực nước triều cường tại TP.HCM ở mức cao, tình hình ngập lụt nghiêm trọng xảy ra ở nhiều hơn, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. >> Bài 2: Nghèo vì chống ngập >> Bài 1: Nhà nhà xây "đê

Dưới đây là bài viết của thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Nguyễn Lê Hạnh (Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ) lý giải sự bất thường những đợt lên xuống của con nước tai hại này.

Mực nước trung bình/năm đều tăng

Vùng cửa sông Nam Bộ từ Vũng Tàu đến Mũi Cà Mau chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều của biển Đông. Một ngày có 2 lần triều lên và 2 lần triều xuống. Trong toàn khu vực ven bờ biển Nam Bộ, mực nước triều cao nhất năm thường xuất hiện vào các tháng 10, 11. Trong các tháng 6 và 7, mực nước triều thấp nhất năm.

Triều biển Đông còn có các yếu tố phi triều ảnh hưởng đến dao động mực nước tại vùng ven biển Nam Bộ, bao gồm sự dâng/rút mực nước do gió mùa và gió bão gây ra. Như chúng ta đã biết, ngoài các sóng triều thiên văn các hiện tượng khí tượng thủy văn (KTTV) khác như bão, gió mùa cũng có ảnh hưởng tới sự biến đổi mực nước biển.

Thực tế chuỗi số liệu trung bình trượt 19 năm tại Vũng Tàu có xu thế tăng liên tục, trung bình trượt chuỗi số liệu 1981 - 2008 tăng 3,6 cm. Trạm Phú An (sông Sài Gòn) có chuỗi số liệu mực nước thực đo từ 1981 - 2009, dài 29 năm, mực nước trung bình năm tại Phú An tương tự Vũng Tàu cũng có sự tăng lên dần trong những năm gần đây.

 
Người dân TP.HCM điêu đứng vì triều cường lên cao - Ảnh: D.Đ.Minh

Sau năm 2005, mực nước trung bình tại Phú An lên nhanh hơn tại Vũng Tàu. Như vậy là ngoài ảnh hưởng của triều biển Đông còn có những nguyên nhân khác làm cho mực nước Phú An tăng nhanh trong thời kỳ này.

 

Đường biến trình Hmax năm (hình trên) cho thấy, từ năm 1998 trở về trước mực nước Hmax năm tại Phú An biến đổi tuần tự theo các chu kỳ có độ dài khoảng 19 năm và mực nước trung bình trong thời kỳ này (1961-1998) là 126 cm.

Rõ ràng mực nước đỉnh triều ngày càng cao hơn, và khi phân tích số liệu đỉnh triều cả năm, thì không chỉ vào các tháng cao điểm của triều cường là tháng 10, 11 và 12, mà các tháng khác cũng có xu hướng dâng cao

Lê Thị Xuân Lan - Nguyễn Lê Hạnh

Từ năm 1999 có sự gia tăng liên tục mực nước cao nhất năm tại Phú An, mực nước đỉnh triều cường năm sau luôn cao hơn năm trước, mực nước trung bình tính cho cả chuỗi số liệu (1961 - 2008) tăng lên mức 130 cm.

Như vậy ngoài yếu tố triều biển Đông còn có những yếu tố khác đóng góp phần quan trọng trong sự gia tăng mực nước đỉnh triều vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai.

Triều cường đột biến và kéo dài hơn

Một vấn đề khi nghiên cứu về triều cường cao đột biến cho thấy vào tháng 10 và 11, khi các đợt không khí lạnh bắt đầu xuất hiện với cường độ từ trung bình đến mạnh, đồng thời trên biển Đông có các cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoặc áp thấp gây ra gió mạnh, sóng cao kéo dài 2-3 ngày trước khi có triều cường, đẩy dồn nước biển vào các vùng ven biển, cửa sông, nên đỉnh triều cường dâng cao hơn và thời gian có triều cường kéo dài hơn.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, phân tích số liệu cho thấy khoảng gần 40% các đợt triều cường trùng với lúc có xảy ra mưa lớn với lượng mưa trên địa bàn TP.HCM từ 30 mm trở lên, cụ thể như trong ngày 10.10.2010 có mưa từ 70-150 mm (đỉnh triều 1,49m), ngày 6.11 lượng mưa đo được tại Q.1 là: 72 mm, Thủ Đức 92 mm, Nhà Bè 29 mm, Q.2: 44 mm.

 
Giữa đô thị hiện đại như TP.HCM, người dân vẫn phải chống chọi với "giặc" nước có tên triều cường - Ảnh: D.Đ.Minh

Phân tích đợt triều cường cao bất thường và kéo dài nhiều ngày nhất từ trước đến nay (từ 29.10 đến 7.11.2010, lẽ ra lúc này nước triều thấp), chúng tôi nhận thấy có tác động đáng kể từ những đợt không khí lạnh.

Bản đồ mặt đất lúc 13 giờ ngày 25.10.2010: Không khí lạnh rất mạnh, phía nam là trục rãnh hoạt động mạnh với các nhiễu động gây mưa, graient áp dày sít làm cho gió mùa đông bắc mạnh lên, đỉnh triều ngày 25.10.2010 là 1,56m, cao một cách bất thường (hình bên dưới).

 

 

Dự báo đỉnh triều mới

Diễn biến triều biển Đông và mực nước hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai năm 2010: Theo xu thế những năm gần đây mực nước đỉnh triều trong khu vực tiếp tục gia tăng, trong các tháng 1, 2 và 3 mực nước đỉnh triều tại Phú An đã vượt mức báo động (BĐ) II, hai đỉnh triều cường trong tháng 10 đều lên mức xấp xỉ BĐ III (1,50m ) và đỉnh triều cường đầu tháng 11 dự báo sẽ là 1,58m; vượt mức BĐ III và vượt mức cao nhất lịch sử (tháng 11.2009).

Theo nhận định dài hạn thì triều cường biển Đông trong tháng 12 năm nay sẽ lên mức cao nhất năm, cao hơn triều tháng 11.

Như vậy mực nước tại hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai có nhiều khả năng lên cao và nếu vào thời kỳ triều cường tháng 12 mà gió mùa đông bắc trên biển Đông hoạt động mạnh thì mực nước trong hệ thống sông và kênh rạch tại TP.HCM còn lên cao hơn và kéo dài trong nhiều ngày hơn nữa.

Sáu nguyên nhân khiến TP.HCM ngập lụt

1. TP nằm ở khu vực chịu ảnh hưởng của thủy triều. Trước đây tại địa bàn này có những chỗ độ cao chỉ bằng với mực nước đỉnh triều. Sau nhiều năm đẩy mạnh phát triển đô thị, TP đã nảy sinh một khối lượng bê tông khổng lồ đặt trên nền đất yếu (trừ một vài nơi ở Q.1, Q.9, Hóc Môn, Gò Vấp hiện còn giữ được địa hình cao hơn) cộng với tốc độ khai thác nước ngầm quá mức, nhất là từ phía người dân để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày đã khiến mực nước ngầm của TP bị tụt đáng kể. Hậu quả là nhiều khu vực trước đây chừng 5 năm không hề bị ngập thì nay lại thành sông trong mỗi đợt triều cường hay mưa lớn. Mặt khác, những năm gần đây đỉnh triều ngày càng dâng cao.

2. Ngập lụt gia tăng tại TP.HCM còn do tác động của nước biển dâng cao và lũ phát sinh từ hạ lưu của các sông Sài Gòn, Đồng Nai bất kể việc một số hồ như Dầu Tiếng, Trị An, Thác Mơ có xả lũ hay không.

3. Vài năm trở lại đây lượng mưa đo được tại TP.HCM càng ngày càng lớn.

4. Hiện vào thời điểm cuối mùa mưa nên các vùng trũng, hồ có khả năng tích trữ nước trên địa bàn TP cũng đã đầy, mặt đất đã đủ độ ẩm, nên khả năng thoát nước rất chậm và ít. Chính vì vậy, mưa diễn ra đúng lúc triều cường lớn đã khiến nhiều khu vực tại TP chìm trong biển nước.

5. Hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước của TP đã lạc hậu so với tốc độ phát triển mạnh mẽ của một đô thị lớn nhất nước như TP.HCM.

6. Nguyên nhân cuối cùng nhưng rất quan trọng, là nhiều người dân thiếu ý thức trong việc giữ gìn môi trường, như xả rác bừa bãi, xây dựng lấn chiếm làm bít cống, kênh rạch…

Ông Nguyễn Ngọc Anh 
(quyền Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam)
(Mai Vọng ghi)

Lê Thị Xuân Lan - Nguyễn Lê Hạnh
(Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.