Bên cạnh những người mua được chỗ ngủ để ngả lưng là những phận người không tiền, không nhà phải chọn gầm cầu làm nơi nghỉ ngơi tạm bợ - nơi được xem là "vùng đất làm ăn" của bọn xấu.
Những phận đời không nhà
Giữa đêm, dưới gầm cầu Tân Thới Hiệp (Q.12, TP.HCM), một người đàn ông trên 50 tuổi, đầu bạc trắng, nằm co ro trên chiếc ghế sa lon cũ nát chìm vào giấc ngủ. Lâu lâu, ông lại trở mình vì lạnh và muỗi đốt, mở mắt ra nhìn bâng quơ về một nơi nào đó rồi lại ngủ thiếp đi. Trên người ông chỉ mặc một chiếc áo sơ mi bạc màu cũ kỹ, chiếc quần không che nổi hai đầu gối gầy guộc ốm yếu. Lấy tay làm gối, mảnh áo mưa rách nát làm mền, trời Sài Gòn vào mùa mưa về đêm lạnh lẽo, muỗi nhiều, nhưng ông vẫn nằm ngủ ngon lành trước sự ồn ào của tiếng xe qua lại. Chúng tôi lại gần hỏi thăm, ông chỉ cười: “Làm gì có tên mà hỏi, mấy người bán nước hay gọi tôi là ông già thôi”.
|
Ông không nhớ mình tên gì, không biết mình sinh ra ở đâu, cũng không biết có anh em gì không nữa. Ông chỉ nhớ cách đây khoảng 10 năm lang thang lên Sài Gòn rồi đi làm thuê, ai mướn gì làm nấy; không ai kêu thì ông đi lượm ve chai kiếm sống qua ngày. Ngày nào kiếm được vài chục ngàn thì có cơm ăn, ngày nào kiếm không được thì đành nhịn đói hoặc mót thức ăn thừa tại các quán xá.
Ngoài trời mưa nặng hạt, nằm co ro trên chiếc xích lô cũ nát dưới gầm cầu Ông Lãnh (Q.1), ông Ba Phát (57 tuổi) liên tục trở người vì lạnh. Đã 15 năm qua, chiếc xích lô ban ngày là phương tiện mưu sinh, ban đêm làm giường ngủ và ông chọn gầm cầu làm nhà vào mỗi đêm. Ông nói tếu táo: “Người ta giàu có ngủ khách sạn 5 sao, tôi nghèo thế này mà ngủ được khách sạn tới ngàn sao đó!”. Mấy bộ đồ rách, tấm bạt cũ và cái chăn ông gói gọn vào hóc trên “ngôi nhà di động” của mình. Trước kia ông cũng có một gia đình êm ấm như bao người khác. Thế rồi, 2 đứa con trai lần lượt ra đi vì có AIDS, căn nhà cũng bán lấy tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho vợ. Vợ mất, tài sản lớn nhất của ông hiện là chiếc xích lô cà tàng.
Một cảnh đời khác ngày đi rong ruổi dọc xa lộ Hà Nội, kiếm từng cái lon, chai bán kiếm tiền mưu sinh qua ngày, đêm tới ông lại trở về dưới chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) - nơi mà ông xem như là nhà đã hơn 5 năm nay. Gặng hỏi mãi, ông mới cho chúng tôi biết mình tên Phú, đã ngoài 55 tuổi, và cũng không nhớ quê mình ở đâu. Thân hình gầy guộc, tóc bạc màu, 2 con mắt sâu hõm, từ sáng sớm ông đã dậy, đi dọc xa lộ Hà Nội về đến Thủ Đức và Q.9 để lượm ve chai. Ông than: “Mấy năm nay, người ta đi lượm nhiều quá nên đâm ra cũng ít, chứ mấy năm trước một ngày tui lượm được nhiều lắm”. Đêm về khuya, với vài tấm nhựa cũ ông lại trở về gầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh để ngả lưng. Ông bảo: “Mấy năm trước, tui ngủ ở nhiều gầm cầu trong thành phố lắm, nhưng ở mấy chỗ đó có mấy thằng nhỏ đi bụi tới dành chỗ chích hút, tụ tập nên tui bỏ đi tìm nơi khác. May mà tìm được chỗ này chứ nếu không...".
“Thế giới ngầm” dưới gầm cầu
Gầm cầu về đêm là nơi những phận người trôi dạt chọn làm nhà, nhưng cũng chính nơi đây là bãi đáp lý tưởng cho gái bán dâm và những con nghiện "hành sự".
1 giờ 30 phút, chúng tôi vừa ghé lại chân cầu Bình Triệu (Q.Thủ Đức), dưới đường những dòng xe hối hả đi về, trên lề những cô gái ăn mặc hớ hênh đang đứng chờ khách. Một lát sau, hai thanh niên ngà ngà hơi men chạy tới. Chỉ cần vài câu ngã giá, cô gái nhảy tọt lên xe chạy đi mất hút. Thấy chúng tôi tò mò, một phụ nữ bán nước tại đây bảo: “Chuyện bình thường ở đây mà, đêm nào chả diễn ra”. Bà nói tiếp: “Đứa nào có tiền thì vào nhà nghỉ, còn không thì đưa xuống gầm cầu giải quyết. Nhanh, gọn”. Chỉ tay về dưới gầm cầu tối om, bà bảo: “Giờ này dưới đó phức tạp lắm, toàn là gái và mấy thằng nghiện dưới đó không à”.
|
Anh Hùng - một người có thâm niên 7 năm chạy xe ôm tại ngã tư Bình Phước, cho biết: “Đêm về dưới chân cầu An Sương, Linh Xuân dọc tuyến quốc lộ 1A là những nơi hoạt động sôi nổi nhất của người buôn bán ma túy, những con nghiện và gái bán dâm”.
1 giờ đêm, dưới gầm cầu vượt An Sương (Q.12), một người đàn ông dáng người cao gầy chốc chốc thập thò chạy ra giao gói hàng nhỏ xíu và nhận tiền từ những người đi xe gắn máy tấp vào lề và nhá đèn xi nhan. Cuộc giao dịch diễn ra nhanh chóng, nếu không để ý, thì khó nhận thấy những "cuộc giao dịch" này.
Nhắc tới các mối nguy dưới gầm cầu về đêm, ông Ba P. - một người thường ngủ tại gầm cầu vượt Tân Thới Hiệp (Q.12), ngán ngẩm: “Có chỗ nào lý tưởng hơn dưới gầm cầu để bọn xì ke chích, hút đâu". Chỉ tay về mấy cây kim tiêm vứt lăn lóc dưới gầm cầu này, ông bảo: “Đó! Bọn nó vừa tới làm xong đi rồi”. Ông P. kể thêm: “Có lần tôi đang ngủ ngon giấc thì bị mấy thằng nhóc tới lay dậy bảo: "Ông già dậy làm tí cho lên đời". Tôi không chịu, thì bọn nó đem kim tiêm gí vào người lục lấy 500.000 đồng mà tôi chắt bóp được bấy lâu”.
Công Nguyên - Sỹ Bình
Bình luận (0)