Sài Gòn và tôi, đôi bạn tri kỷ...

01/01/2020 09:34 GMT+7

Sài Gòn năm 19 tuổi của tôi là những ngày oằn vai của kiếp mưu sinh nơi cảng cá Chánh Hưng. Lúc đó, tôi là một thanh niên luôn đau đáu về miếng cơm manh áo hằng ngày, hơn là nhìn về một tương lai nào đó...

Sài Gòn lúc đó cũng tấp nập, cũng tân thời, cũng chộn rộn… nhưng tôi biết, đó là những thứ không thuộc về mình.
Một ngày của tôi lúc ấy là leo lên một chiếc xe lam ba bánh của người chú, rồi quá giang rong ruổi từ Gò Vấp qua khắp các nẻo đường của một thế giới hào nhoáng của người ta, để vào đường Nguyễn Biểu, lên cầu chữ Y, rồi quẹo qua cảng cá Chánh Hưng. Tại cảng cá này, chính xác là nơi tôi thuộc về. Mà suy cho cùng, một thằng trai không được học hành gì, miếng giấy tờ lận lưng cũng không có, nghề ngỗng cũng không, thì cảng cá là tất cả Sài Gòn của tôi.
Mỗi ngày, tàu thuyền khắp lục tỉnh kéo về cảng cá Chánh Hưng hàng trăm tấn cá sông, biển đủ loại. Công việc của tôi ban đầu là bốc xếp những sọt cá để giao lại cho các sạp. Rồi sau đó tôi “thăng tiến” dần đến việc đi thu tiền cá. Nếu ai đó muốn sống một cuộc đời của lao lực, bạo lực, và muốn nếm mùi muôn thứ phức tạp của cuộc đời, cảng cá là một địa chỉ cần tìm đến. Chỉ một cảng cá Chánh Hưng, tôi gần như đã nếm đủ mọi hỷ nộ của cuộc đời. Đó là nơi mà bất cứ ai làm công đều dễ dàng bị những chủ vựa, chủ sạp người Hoa, người Chà, và ngay cả người Việt bóc lột đến tận xương tuỷ. Đó cũng là nơi mà ai nghe đến “tuần cảnh hỗn hợp” thì đều xanh mặt trốn tránh… Đó còn là nơi mà sức mạnh đồng tiền mới là chân lý… Đã không biết bao lần tôi rưng rức nơi cảng cá, lúc sức tàn lực kiệt dù mới bước vào tuổi đôi mươi. Tôi nghĩ hoài về thân phận mình :”Sài Gòn của tôi như thế này ư?. Ngay cả một con cá đã chết vẫn còn đáng giá hơn mình ư?”.

Tôi giờ đã già đi nhưng Sài Gòn như tôi từng biết giờ lại trẻ ra trong không khí của hiện đại và phát triển, khác hẳn trước kia

Ảnh: Ngọc Dương

Tôi nhớ hoài ngày hôm ấy khi tôi đến cảng cá. Tàu thuyền vẫn kéo cá về cảng, nhưng toàn bộ các chủ vựa, sạp đều bỏ đi đâu hết. Sau phút giây chờ đợi trong ngơ ngác, nhân công bắt đầu kéo vào các sạp, các vựa để đòi tiền rồi vét cá. Mọi thứ hỗn loạn. Tôi ra về và cảm nhận Sài Gòn có gì đó đang chuyển mình. Những anh bộ đội vội vã chạy, có người còn đâm sầm vào tôi và hối hả hỏi tôi đường đến Dinh Độc Lập. Tôi nghe tiếng súng nổ….
Hơn 40 năm qua kể từ buổi trưa tôi hớn hở ra về với bao cá trên lưng ấy, Sài Gòn đã thật sự vươn mình. Tôi giờ đã già đi nhưng Sài Gòn như tôi từng biết giờ lại trẻ ra trong không khí của hiện đại và phát triển, khác hẳn trước kia. Mỗi năm dần trôi, tôi lại lặng lẽ mỉm cười nhìn ngắm thành phố, nơi tôi đã gắn trọn cuộc đời mình trên mảnh đất này. Những toà nhà chọc trời. Những con đường rộng mở. Những ánh đèn lung linh khắp các nơi, những lễ hội, những người trẻ hối hả với nhiều hoài bão và khát vọng… TP.HCM, có lẽ nó là thiên đường trong tâm trí tôi, nếu tôi vẫn còn trong hình hài của gã trai 19 tuổi thời tăm tối trước kia.
Tôi đã về thăm lại cảng cá Chánh Hưng, nhưng cảng đã không còn. Nó đã chìm vào dĩ vãng, như thời trẻ đầy mông muội của tôi vậy. Thật khó để diễn tả tôi yêu thành phố này vì điều gì. Tôi chỉ xem TP.HCM như một người bạn tri kỷ, mà đã là tri kỷ, thì điều gì cũng có thể yêu. Tôi đã đi gần hết đoạn đường đời, trong khi thành phố tri kỷ của tôi vẫn đang hừng hực tiến lên trong không khí của hội nhập và phát triển. Tôi tận hưởng thành phố của mình trong tuổi già yên bình nới góc công viên, để nhìn những ánh đèn, những dòng người vội vã, và để hít cho trọn lồng ngực bầu không khí của bình yên. Vì tôi biết, sẽ đến lúc nào đó, tôi phải chào tạm biệt người bạn tri kỷ của tôi, thành phố của tôi.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.