Đó là nơi tôi đang công tác và sinh sống, nơi tôi đã từng theo học và trưởng thành, nơi đong đầy yêu thương, rạo rực cháy bỏng của những năm tháng tuổi trẻ yêu đương.
“Ngôi làng” nằm giáp ranh giữa thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương và quận Thủ Đức, TP.HCM, là mái nhà chung, nơi cư ngụ, sinh sống và học tập của sinh viên các trường Đại học Quốc gia TP.HCM và một số trường đại học khác trên địa bàn. Đó là hệ thống gồm các tòa nhà trường học, ký túc xá, trung tâm thông tin, văn hóa, thể thao và xen kẽ là nhấp nhô các quán cóc ven đường nằm san sát nhau như nấm mọc sau mưa.
Nét đặc trưng đầu tiên và góp phần đặc biệt vào sự “nổi tiếng” của khu làng đó là mạng lưới các lối đi. Chúng uốn lượn tự do và ngoằn nghèo tùy hứng như những mê cung không lối thoát. Chúng là những con đường có thể còn, mất hoặc được tạo mới bất kể khi nào bởi sự thi công, quy hoạch vẫn đang được diễn ra thường xuyên, đều đặn tại đây. Bù lại sẽ là không có kẹt xe, khói bụi ồn ào hay tai nạn, bạn hãy cứ yên tâm bon bon chạy xe trên đường cho đến tận khi nào tới đích đến thì thôi.
|
Ngôi làng chỉ thực sự sống động và náo nhiệt khi trời trở về chiều bởi đó là giờ tan trường của các bạn sinh viên. Dưới ánh hoàng hôn vàng rực rải đầy khắp các con đường, từng đôi, từng đám sinh viên tíu tít bước đi cùng tiếng cười nói, trêu đùa. Bên trên bậc thang của các tòa nhà trường học lại có từng nhóm ngồi súm sít, rôm rả chuyện trò, bàn luận cùng nhau. Nhưng xôm tụ, quây quần nhất vẫn là trong các hàng quán ven đường, một không gian thật vui vẻ, khăng khít biết bao bên ly chè thập cẩm, sinh tố hay trà chanh chém gió…Tất cả tạo nên một khung cảnh nhộn nhịp, trở thành “đặc sản” chỉ có riêng ở khu làng.
Và có lẽ nức tiếng hơn cả, vang danh hơn cả đó là khu vực hồ đá. Hồ đá khu làng đại học nổi tiếng bởi vẻ đẹp hoang sơ và kỳ bí, chưa chịu tác động nhiều bởi con người. Đó là một không gian rộng lớn, thoáng đãng và trong lành được bao bọc bởi rừng cây xung quanh cùng hơi nước của hồ đá bốc lên. Bạn sẽ có được cảm giác mát lạnh ngay khi đặt chân đến đây, tâm hồn tựa như nhẹ nhàng, khoăn khoái. Còn gì vui thú bằng khi cùng bạn bè tổ chức các buổi gặp gỡ, dạo chơi, chụp hình giữa mênh mông ngập tràn màu xanh của cỏ cây hoa lá, của mây trời thênh thang và của mặt nước long lanh xanh màu ngọc bích…
|
Chiếc lá vàng rơi vội, tất cả ký ức lại ùa về trong tôi: vẫn hồn nhiên và vẹn nguyên như ngày ấy.
Nhớ lắm lũ bạn bè năm xưa thường tụm năm, tụm bảy, lê la bê bết dọc đường với bánh tráng nướng mắm ruốc, với bánh xèo miền Trung mười ngàn ba cái, với bắp rang bơ, với bánh tráng trộn chia nhau vài quả trứng cút. Yêu lắm những phút giây tản bộ trên các con đường thân quen đi qua chợ Ruồi rồi băng qua khu Nhà Điều hành xem nhạc nước. Quên làm sao được vị ngọt thanh, cay cay thơm nồng của đậu hũ nóng năm ngàn một bát kế bên trường Đại học Thể dục Thể thao. Là sinh viên Đại học Quốc gia ai mà chưa từng ăn cơm Đại Bình năm ngàn một dĩa, uống trà chanh, sinh tố rau má ở quán Yoyo, ai mà chưa từng một lần hát karaoke ở quán Gia đình…
|
Làm sao quên được những chiều hẹn hò cuối tuần với mối tình nghèo thời sinh viên. “Cậu đèo tớ trên xe cà tàng” cùng chạy quanh khu hồ đá, căng ngực phập phồng hít hà những ngọn gió tươi vui; tay nắm tay ngồi ngắm hoàng hôn, nhìn xa xa về phía chân trời…
Vậy mà đã gần mười năm kể từ khi tôi giã từ ghế đá ở khu “vườn học tập” của trường, “làng” nay đã có nhiều phát triển: những toà nhà trường học mới được xây dựng; các tuyến đường trong làng được đặt tên theo những danh nhân dân tộc; các cột đèn giao thông được lắp đặt; rất nhiều hàng cây, bồn hoa được trồng mới, chăm sóc, tỉa tuốt thường xuyên; các khu nhà chờ xe buýt được cải tạo khang trang, sạch sẽ…khu làng đang “thay da đổi thịt”, văn minh, hiện đại lên từng ngày. Tự hào và yêu thương biết bao “Làng Đại học Quốc gia” của lòng tôi!
|
Bình luận (0)