Sài Gòn xưa qua văn chương của Nguyễn Thị Thụy Vũ

26/03/2017 06:20 GMT+7

Các truyện dài Chiều mênh mông, Chiều xuống êm đềm, Khung rêu, Cho trận gió kinh thiên, Ngọn pháo bông, Nhang tàn thắp khuya, Như thiên đường lạnh, Thú hoang và tập truyện ngắn Lao vào lửa, Mèo đêm vừa được tái bản của nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, do Phương Nam Book ấn hành, thu hút được sự chú ý của nhiều độc giả.

Là một trong 5 nữ văn sĩ nổi tiếng nhất của miền Nam trước năm 1975, nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đã lôi cuốn được nhiều độc giả qua phong cách văn chương rất riêng, giản dị và đậm ngôn từ dân gian Nam bộ. Qua tác phẩm của bà, người đọc thời nay càng có dịp hiểu rõ thêm về con người và TP.Sài Gòn trước kia.
Nhân vật nổi bật trong các tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ phần lớn là phụ nữ với đời sống tinh thần phức tạp, phải gánh chịu nhiều mâu thuẫn nội tâm, cả bên ngoài lẫn bên trong cánh cửa. Lễ giáo phong kiến và những tập quán xưa cũ vẫn đang cố gò người đàn bà vào cái khung tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh. Không dễ gì chống lại một sức mạnh văn hóa đã thống trị xã hội hàng trăm năm. Chỉ qua câu chuyện của các cô gái bán quán bar, lấy Mỹ trong tập truyện ngắn Lao vào lửa, đã thấy ngay một góc nhỏ của đô thành Sài Gòn trước 1975, khi đông đảo lính Mỹ đang có mặt. Nơi đó có những người đàn bà buôn phấn bán hương với nhiều hoàn cảnh khác nhau, sống đời nổi trôi vô định.
Trong Nhang tàn thắp khuya, một không gian ngăn nắp, rực rỡ, xa hoa nhưng nhân vật là lớp người thuộc thế hệ sau. Những cô gái trẻ sống chung trong một trang viên lộng lẫy, được gia đình giáo dục và cho tới trường, vừa đủ để sẵn sàng bước lên xe hoa với một người thuộc loại môn đăng hộ đối, bắt đầu cuộc đời làm vợ, làm mẹ theo đúng bài bản đã thuộc nằm lòng giống như thế hệ cha mẹ họ, dù phần nào chịu ảnh hưởng của sinh hoạt, văn hóa Pháp.
Một số truyện dài của bà đưa người đọc tới không gian miền Tây Nam bộ với tỉnh Vĩnh Long, biểu trưng hồn cốt của một vùng sông nước, đất ruộng cò bay thẳng cánh, làm nền cho những sinh hoạt gia đình quyền quý, cầu kỳ, nơi thành phần quan chức học hành đỗ đạt thiết lập một gia phong nghiêm khắc, khép chặt những người phụ nữ lệ thuộc vào họ bằng những tập tục ngặt nghèo.
Nguyễn Thị Thụy Vũ vẫn là một “người ghi chép” trung thành về cuộc sống mà bà đã tham dự với tư cách người cầm bút. Trong đó, qua từng mảnh đời của mỗi người VN bình thường nhất cũng đều phản chiếu lại một phần nào đó của lịch sử và chiến tranh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.