Sai lầm chết người khi tin thực dưỡng trị ung thư

13/08/2023 04:05 GMT+7

Nhiều bệnh nhân sau khi được chẩn đoán ung thư đã bỏ mọi phác đồ điều trị để chạy theo chế độ thực dưỡng vì tin vào những lời lan truyền trên mạng xã hội rằng chế độ này nhằm "bỏ đói" tế bào ung thư.

Đây là sai lầm khiến nhiều người bệnh suy kiệt, bỏ lỡ cơ hội điều trị, dù được phát hiện từ giai đoạn rất sớm.

Bỏ thuốc, bỏ bệnh viện để… thực dưỡng

Mới đây, các bác sĩ (BS) của Bệnh viện (BV) K (cơ sở Tân Triều, Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân (BN) Trần Thị Y. (64 tuổi, quê H.Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đến khám do có u sùi lớn chiếm toàn bộ vùng môi miệng, chảy máu mủ. Kết quả phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy khối u vùng môi dưới kích thước lớn 15 x 20 cm; xâm lấn xương hàm dưới, sàn miệng, lưỡi; di căn nhiều hạch cổ hai bên kích thước 2 - 3 cm; có kết quả chẩn đoán ung thư môi dưới.

BN cho biết đã có khối u môi từ khoảng 3 năm trước nhưng không đến BV điều trị mà nghe theo hướng dẫn truyền miệng để áp dụng chế độ thực dưỡng với niềm tin sẽ ngăn chặn khối u phát triển. Tuy nhiên, sức khỏe BN ngày càng suy kiệt, khối u ngày càng tăng kích thước.

BS điều trị đánh giá, với trường hợp này, nếu BN không phẫu thuật thì khối u sẽ ngày càng to, vỡ loét, chảy máu, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe, thậm chí gây nguy cơ tử vong.

Sai lầm chết người khi tin thực dưỡng trị ung thư   - Ảnh 1.

Sai lầm chết người khi tin thực dưỡng trị ung thư   - Ảnh 2.

Bệnh nhân với khối u ác tính ở môi đã xâm lấn rộng sau 3 năm thực dưỡng

Thái Hà

Qua thực tế điều trị, GS Mai Trọng Khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm y học hạt nhân và ung bướu - BV Bạch Mai, chia sẻ: "Chúng tôi đã gặp những ca bệnh sau khi được chẩn đoán ung thư, người bệnh bỏ mọi phác đồ điều trị do BS tư vấn, bỏ BV để về ăn theo chế độ "bỏ đói tế bào ung thư", rồi tu luyện theo pháp môn nào đó và không có hiệu quả. Khi trở lại BV, người bệnh rơi vào tình trạng suy kiệt nặng. Có BN lúc khởi phát mới ở giai đoạn rất sớm, nhiều cơ hội điều trị, khi trở lại BV thì đã vào giai đoạn 3, giai đoạn 4, thậm chí giai đoạn cuối".

Trong số đó có BN ung thư tuyến thượng thận được phẫu thuật cắt bỏ khối u nhưng sau đó không khám định kỳ theo hẹn, không điều trị, mà về nhà áp dụng chế độ ăn thực dưỡng, uống thuốc nam. Sau 9 tháng, BN tái nhập viện với thể trạng suy kiệt, ung thư tái phát, xâm lấn gan, mạch máu, di căn lan tràn phổi, ổ bụng.

Hiện không có cơ sở khoa học, nghiên cứu nào chứng minh và công nhận thực dưỡng là một phương pháp điều trị ung thư. Việc nhiều người bệnh giữ niềm tin vào quan điểm này là sai lầm.

TS-BS Ngô Xuân Quý (Trưởng khoa Ngoại đầu cổ, Bệnh viện K)

Trường hợp khác là BN được chẩn đoán ung thư dạ dày, đã được phẫu thuật, có chỉ định hóa trị bổ trợ sau phẫu thuật. Tuy nhiên, BN bỏ dở điều trị, về nhà tự điều trị bằng thuốc nam và ăn chế độ thực dưỡng. Sau đó, BN nhập viện lại trong tình trạng suy kiệt nặng, suy thận giai đoạn cuối, ung thư đã ở giai đoạn di căn lan tràn, không còn khả năng điều trị.

Người bệnh cần năng lượng

Theo thông tin từ một số BV điều trị ung bướu, chế độ thực dưỡng mà các BN áp dụng là chỉ ăn cơm lứt muối vừng, nước tương; không ăn thịt và các thực phẩm có chất đạm.

GS Mai Trọng Khoa nhấn mạnh: Một cơ thể khỏe mạnh mới tạo ra hệ thống miễn dịch tốt. Các tế bào miễn dịch khỏe mạnh mới có khả năng trở thành những "chiến binh" chiến đấu và tiêu diệt các tác nhân gây bệnh, trong đó có tế bào ung thư. Bản thân tế bào ung thư cũng cần dinh dưỡng và chúng sẽ lấy dinh dưỡng từ chính người bệnh. Nếu người mắc ung thư không được cung cấp đủ năng lượng, cơ thể sẽ gầy sút, suy kiệt, không đủ sức khỏe để chống chọi với bệnh tật, cũng như không đáp ứng được với các phương pháp điều trị đặc hiệu như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị…

TS-BS Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ - BV K, lưu ý: Chế độ ăn thực dưỡng đang được nhiều người áp dụng trong những năm gần đây vì cho rằng chế độ này có thể điều trị bệnh ung thư. Thực tế, hiện không có cơ sở khoa học, nghiên cứu nào chứng minh và công nhận thực dưỡng là một phương pháp điều trị ung thư. Việc nhiều người bệnh giữ niềm tin vào quan điểm này là sai lầm.

Người bệnh ung thư nên ăn gì?

Người bệnh thường quan niệm thịt đỏ và các thực phẩm giàu protid (như sữa, trứng…) sẽ làm cho khối u phát triển nhanh hơn. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm. Protid là yếu tố cơ bản giúp cơ thể làm lành vết thương, chống nhiễm khuẩn trong và sau phẫu thuật, hóa trị, xạ trị; là nguyên liệu bồi phụ lại khối cơ của cơ thể, giúp tăng khả năng ngon miệng trong khi người bệnh luôn chán ăn, ăn uống kém.

Theo Bệnh viện T.Ư Quân đội 108, thực phẩm người bệnh ung thư nên dùng là: gạo, miến, bún, các loại rau củ quả, hạt ngũ cốc toàn phần…; dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng…); các loại thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua; rau xanh, quả chín nhiều chất xơ; thực phẩm giàu omega-3 (cá hồi, dầu oliu…); thực phẩm giàu vitamin E, C, A, selen có khả năng chống ô xy hóa (cà rốt, giá đỗ, cà chua, rau ngót…). Về thịt động vật, nên ăn các loại thịt trắng (cá, gia cầm), hạn chế thịt đỏ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.