‘Sai phạm của ông Trần Văn Truyền ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước’

21/11/2014 18:50 GMT+7

(TNO) Sau khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư có kết luận xử lý những sai phạm trong sử dụng, kê khai tài sản của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền , một số đại biểu Quốc hội bày tỏ quan điểm của mình khi trao đổi với báo giới bên hành lang kỳ họp chiều 21.11.

>> Yêu cầu thu hồi nhà, đất ông Trần Văn Truyền
>> Kiểm tra tài sản nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền
>> Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Ưu tiên thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt
>> Ông Trần Văn Truyền, Tổng thanh tra Chính phủ: Có tình trạng đối phó sau kết luận thanh tra  

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nói: "Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, tôi đánh giá rất cao trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra T.Ư trong vụ việc này, để đưa ra được kết luận rất hợp lòng dân. Đây là một minh chứng rất rõ ràng cho quyết tâm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, thể hiện không có vùng cấm cho bất cứ ai.

 nguyen-sy-cuong
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương - Ảnh: Ngọc Thắng

Có một điều đáng tiếc hơn cả, đó là người được giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước trong một thời gian dài, lại tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống tham nhũng, mà lại có những sai phạm như vậy thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước rất rõ.

Tuy nhiên, qua vụ việc này, tôi cho rằng chúng ta vẫn còn có sơ hở trong việc quản lý cán bộ công chức, đặc biệt là thực hiện giải pháp liên quan đến phòng chống tham nhũng. Nếu việc kê khai tài sản ngay từ ban đầu và kê khai bổ sung hàng năm được thực hiện nghiêm túc, mà chính Thanh tra Chính phủ là người tham mưu việc đó, thì sẽ phát hiện được từ rất lâu rồi.

Tôi nghĩ rằng, trong quá trình thực hiện kê khai tài sản lần đầu và những lần sau của ông Truyền đã không trung thực. Nếu nó được thực hiện trung thực thì các cơ quan đã phát hiện được ra. Điều đó cho thấy, việc kê khai tài sản còn mang tính hình thức là như vậy.

Việc Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận rõ ràng về vụ việc này là một tiền lệ rất tốt, bởi vì chúng ta quản lý cán bộ không chỉ quản lý từ lúc đương chức mà còn phải quản lý ngay cả lúc về hưu, đặc biệt là đối với đảng viên, bởi vì rất nhiều trường hợp sau khi về hưu mới phát hiện được và người có sai phạm cho rằng mình đã hạ cánh an toàn, nên đến lúc về hưu mới bung ra, nghĩ rằng không ai làm gì được mình cả. Tôi nghĩ đây là việc tạo ra tiền lệ để xử lý và cảnh tỉnh cho những người nào đã sai phạm trong thời kỳ đương chức thì đến lúc về hưu hãy dè chừng.

Đồng thời, đây cũng là bài học quan trọng trong việc quản lý cán bộ công chức. Đặc biệt, việc thực hiện giải pháp trong phòng chống tham nhũng là bài học đắt giá nhất. Vụ việc này cũng ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên nếu giải quyết một cách triệt để sẽ giúp cho lấy lại lòng tin của người dân đối với Đảng, với pháp luật.

Triệt để ở đây có nghĩa là sai phạm được Ủy ban Kiểm tra T.Ư phát hiện đến đâu phải được xử lý đến đó. Ví dụ, nếu tài sản bất minh phải thu hồi; tài sản có được do sai phạm một phần thì xử lý một phần, tùy từng trường hợp cụ thể".

“Có lỗi ở cơ chế”

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền cho rằng: "Qua việc này, chúng ta thấy có lỗi của cơ chế, của công tác cán bộ, công tác bổ nhiệm. Mà thực tế, Quốc hội cũng có trách nhiệm trong đó, vì Quốc hội là đơn vị phê chuẩn ông Truyền là thành viên Chính phủ, Quốc hội cũng có trách nhiệm trong đó.

 nguyen-dinh-quyen
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền - Ảnh: Ngọc Thắng

Xem xét về tư cách đạo đức, về trách nhiệm, đương nhiên với cơ chế cán bộ như hiện nay, khi trình lên Quốc hội, đôi khi Quốc hội không đủ thông tin để xem xét một con người. Cho nên chúng ta phải xem xét toàn bộ những thiết chế về cán bộ, công chức, nhất là trong kiểm soát, kiểm tra chính trị nội bộ, để thấy được những lỗ hổng để khắc phục".

Hà Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.