Ngày 18.10, Kiểm toán Nhà nước chủ trì tổ chức hội thảo chuyên đề "Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán Nhà nước".
Giải ngân đầu tư công chưa như kỳ vọng
Là người trình bày tham luận đầu tiên, bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH-ĐT), nhìn nhận giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 dù đạt kết quả tích cực nhưng vẫn chưa như kỳ vọng, yêu cầu.
Bà Nghĩa dẫn số liệu từ Bộ Tài chính cho thấy từ đầu năm đến ngày 30.9, tổng số tiền đã giải ngân là hơn 363.000 tỉ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng giao. Riêng số vốn giải ngân từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là gần 49.500 tỉ đồng, đạt 38,4% kế hoạch Thủ tướng giao.
Tính theo tỷ lệ giải ngân, có 8 bộ, cơ quan T.Ư và 27 địa phương đạt tỷ lệ trên 55% kế hoạch Thủ tướng giao. Ngược lại, vẫn còn tới 42 bộ, cơ quan T.Ư và 26 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa như kỳ vọng thì có nhiều. Trong số này, bà Nghĩa nhận định năm 2023 có quy mô vốn đầu tư công tăng lớn, số lượng dự án cần giải ngân nhiều. Đây cũng là năm khởi công hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cao Lãnh - An Hữu, Vành đai 3 - TP.HCM...
Các dự án đều có nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu xây dựng rất lớn, trong khi thủ tục cấp phép, bàn giao mỏ phức tạp, mất nhiều thời gian, chưa phù hợp với nhiều loại hình khoáng sản, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Cạnh đó, nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất luôn chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng thu ngân sách nhà nước và giữ vai trò quan trọng trong tạo vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản ảm đạm, thanh khoản thấp; chưa có chế tài đủ mạnh cho các nhà đầu tư trúng giá nhưng không thực hiện nghĩa vụ…
"Địa chỉ trách nhiệm" phải là cá nhân chứ không phải tập thể
Tham luận về thực trạng giải ngân vốn đầu tư công, ông Vũ Thanh Hải, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV (Kiểm toán Nhà nước), nhận định việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung, ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của nền kinh tế.
Còn xảy ra tình trạng bố trí vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục đầu tư; bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng, mục tiêu; bố trí vốn không sát thực tế, dẫn đến không sử dụng được hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần…
Đặc biệt, tình trạng thi công chậm tiến độ xảy ra tại hầu hết các gói thầu, dự án. Một số dự án mặc dù chậm tiến độ, kéo dài nhưng chưa có biện pháp khắc phục; chế tài xử lý, xử phạt trách nhiệm các bên liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc.
Ông Hải cho rằng, để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công cần khẩn trương hoàn thành công tác tổng hợp các yêu cầu cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; nếu cần thiết sẽ điều chuyển cho bộ, ngành, địa phương còn thiếu và có khả năng thực hiện và giải ngân.
Đại diện Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cần yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm tiến độ; trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ.
Đáng chú ý, theo ông Hải, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và là người chịu trách nhiệm toàn bộ đối với mọi sai phạm trong suốt quá trình thực hiện đầu tư chứ không phải là trách nhiệm tập thể.
Cùng với đó là kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm tiêu chí đánh giá năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu.
Hiếm khi có mặt bằng sạch, chủ yếu là "xôi đỗ"
Dưới góc độ nhà thầu, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, đề cập tới một số khó khăn trong quá trình triển khai các dự án. Trong số này có công tác giải phóng mặt bằng.
Theo ông Tuấn Anh, hiếm khi nào doanh nghiệp nhận được mặt bằng sạch mà chủ yếu là "xôi đỗ" hoặc ngắt quãng. Việc này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng, hiệu quả thi công không được như thiết kế.
Vị phó tổng giám đốc lấy ví dụ một dự án ký hợp đồng năm 2018, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng đến năm 2023 vẫn chưa có mặt bằng cuối cùng. Cộng thêm bão giá, đại dịch Covid-19, doanh nghiệp thiệt hại là rất lớn, lên đến 30% giá trị hợp đồng.
Khó khăn nữa, một số địa phương thông báo giá không sát, không kịp thời so với thực tế. Hay như việc thiếu vật liệu đắp, đơn cử như tình trạng thiếu cát tại khu vực ĐBSCL khiến nhà thầu phải thi công cầm chừng, thậm chí dừng thi công…
Từ những tồn tại đã nêu, ông Tuấn Anh kiến nghị cơ quan nhà nước có các giải pháp nhằm tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp.
Bình luận (0)