Sai phạm tại IPC, Sadeco: Khởi tố nguyên phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM và 12 bị can

21/11/2020 12:07 GMT+7

Liên quan các sai phạm tại IPC, Sadeco, Công an TP.HCM thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 13 bị can, trong đó có ông Phạm Văn Thông, nguyên phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM.

Sáng 21.11, Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03), Công an TP.HCM thi hành lệnh khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 13 bị can về tội danh "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Trong đó, có ông Phạm Văn Thông, nguyên phó chánh văn phòng Thành ủy TP.HCM và ông Lê Hoàng Minh (Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty IPC).

Khởi tố, bắt tạm giam ông Tất Thành Cang

Theo nguồn tin của Thanh Niên, ngoài bị can Phạm Văn Thông và Lê Hoàng Minh, còn có các bị can: Vũ Xuân Đức, Phạm Xuân Trung, Nguyễn Trường Bảo Khánh, Phùng Đức Trí, Lương Trí Cường, Đoàn Thị Minh Trang, Trần Đăng Linh (các bị can này là lãnh đạo, cán bộ làm việc tại IPC); Trần Mạnh Khôi (Công ty Sadeco); Lâm Văn Tuấn (cán bộ Trung tâm cung ứng dịch vụ tổng hợp TP, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Thanh niên xung phong); Huỳnh Phước Long (nguyên chuyên viên Văn phòng Thành ủy TP.HCM, nguyên thành viên HĐQT Công ty Sadeco) và Đoàn Minh Lý.

Cơ quan chức năng khám xét nhà riêng của bị can Phạm Văn Thông

Ảnh: Trần Tiến

Cụ thể, 10 giờ CQĐT tiến hành khám xét nhà của Chủ tịch Công ty Tân Thuận Lê Hoàng Minh. 
Khoảng 11 giờ cùng ngày, cơ quan tố tụng đã đến tại trụ sở của IPC (Q.7) để khám xét nơi làm việc của các bị can bị khởi tố lần này. Việc khám xét diễn ra khoảng 20 phút ở mỗi địa điểm. 

Bị can Huỳnh Phước Long tại CQĐT

Ảnh: Ngọc Lê

Theo PC03, 13 bị can này có sai phạm trong việc quản lý vốn nhà nước tại công ty IPC và Sadeco.
Sadeco là công ty liên kết, mỗi năm mang lại lợi nhuận lớn cho IPC. Cụ thể năm 2016 lợi nhuận sau thuế lên tới hơn 153 tỉ đồng, trong khi doanh thu thuần chỉ hơn 290 tỉ đồng. Tuy nhiên, vào thời điểm “đỉnh cao” lợi nhuận, cũng chính là lúc tài sản nhà nước tại Sadeco bị lũng đoạn, tư nhân “thâu tóm” với sự “can dự” trực tiếp của Tề Trí Dũng, nguyên Tổng giám đốc IPC và Hồ Thị Thanh Phúc, nguyên Tổng giám đốc Sadeco (trước đó đều bị bắt giam để điều tra về tội “tham ô tài sản” và “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí”).
Trước đó, kết luận của Thanh tra TP.HCM xác định, theo đề án tái cơ cấu được UBND TP.HCM phê duyệt, IPC với tỷ lệ vốn sở hữu tại Sadeco là 44%, không cần giảm thêm tỷ lệ sở hữu, đặc biệt là trong bối cảnh Sadeco đang hoạt động lợi nhuận rất cao.

Công an khám xét tại trụ sở IPC

Ảnh: Khả Hoà

Tuy nhiên, vào tháng 6.2017, IPC lại chỉ đạo biểu quyết tăng vốn điều lệ Sadeco theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim, gây thiệt hại thấp nhất cho nhà nước là 153 tỉ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu). Một điểm rất đáng chú ý, nhóm cổ đông nhà nước từng chiếm 62,8% (trước khi “bán đứt” quyền biểu quyết tại Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim), có Văn phòng Thành ủy TP.HCM (chiếm khoảng 2%), TACONVES (thuộc Văn phòng Thành ủy TP.HCM, chiếm khoảng 15%).
Ngày 18.5.2017, Văn phòng Thành ủy có Văn bản số 495 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang “chấp thuận chủ trương phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ tại Sadeco”.
Hiện cơ quan CSĐT tiếp tục điều tra vụ án sai phạm tại IPC (vốn điều lệ khoảng 2.900 tỉ đồng) và các công ty con, liên doanh, liên kết IPC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.