Sâm 'quốc bảo' Việt đi về đâu?: Cần chung tay giải bài toán khó

22/12/2023 06:56 GMT+7

Không chỉ những bất cập từ thị trường, hành trình đưa sâm Việt Nam thành 'quốc bảo' còn gặp nhiều vấn đề khác ở ngay chính nội tại, mà muốn giải quyết cần sự chung tay của nhiều cơ quan, ban ngành.

Bài toán vốn - giống

Chương trình phát triển sâm Việt Nam (SVN) đến năm 2030, định hướng đến 2045 được nêu ra trong Quyết định (QĐ) số 611/QĐ-TTg ngày 1.6.2023, đề ra mục tiêu xây dựng và phát triển SVN thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, là sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực y - dược và chăm sóc sức khỏe, mang thương hiệu sản phẩm quốc gia; góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế - xã hội… Nhiều người cho rằng đó là quyết định rất đúng đắn. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng phát triển SVN hiện nay, để đạt "chỉ tiêu" như QĐ 611, cần phải tháo gỡ nhiều vấn đề.

Sâm 'quốc bảo' Việt đi về đâu?: Cần chung tay giải bài toán khó- Ảnh 1.

Đây được coi là mô hình trồng sâm theo hướng công nghiệp đầu tiên thành công tại Việt Nam

THIÊN THẢO

Đến các vùng trồng sâm mới thấy rõ giống là bài toán nan giải. Tại Quảng Nam, nhiều người trồng sâm Ngọc Linh (SNL) cho hay giống không những quá thiếu mà còn rất đắt (một hạt giống khoảng trên dưới 100.000 đồng). Các vùng trọng điểm khác trồng SNL, sâm Lai Châu (SLC), giống ngay bản địa vẫn rất ít. Hạt giống, cây giống đang thiếu trầm trọng như thế, nhưng chưa có các trung tâm nghiên cứu và cung cấp giống tầm cỡ quốc gia.

Thiếu vốn cũng là "điệp khúc" của người trồng sâm, nhất là đồng bào bản địa. Đầu tư trồng một héc ta sâm tốn hàng tỉ đồng, đây quả là bài toán quá khó đối với nông dân. Tìm hiểu qua một doanh nghiệp trồng sâm thì được biết họ trồng 5 ha sâm cho đến kỳ thu hoạch phải đầu tư khoảng 50 tỉ đồng. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nội dung chi hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý với mức 126 triệu đồng/ha. Một chuyên gia trồng sâm nói, đối với cây sâm thì mức chi đó (nếu có) cũng chỉ như "muối bỏ biển".

Sâm 'quốc bảo' Việt đi về đâu?: Cần chung tay giải bài toán khó- Ảnh 2.

Một vườn trồng sâm Ngọc Linh thử nghiệm ở Lai Châu, nhưng chưa thành công

Sâm 'quốc bảo' Việt đi về đâu?: Cần chung tay giải bài toán khó- Ảnh 3.

Nếu trồng sâm Ngọc Linh để lấy củ thì trồng trong sọt nhựa là không phù hợp

QĐ 611 đề cập đến việc phát triển vùng nguyên liệu SVN quy mô hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu. Song phát triển như thế nào để đạt "quy mô hàng hóa" thì không đơn giản.

Hiện nay, các vùng trọng điểm trồng SNL và SLC có sản lượng quá thấp, giá sâm cao ngất. Nhiều người cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển sâm Việt, một yếu tố rất quan trọng là kéo giá sâm xuống. Chỉ khi giá thành phù hợp thì SVN mới đạt "quy mô hàng hóa", tiếp cận được nhiều người tiêu dùng. Việc giảm giá thành cũng hạn chế sự giả mạo và sâm kém chất lượng. "Để làm được điều này, chúng ta cần tăng diện tích trồng sâm ở nhiều vùng có điều kiện khí hậu phù hợp và phát triển phương pháp trồng tối ưu, nhằm tăng sản lượng. Tuy nhiên, cần cân nhắc, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến rừng tự nhiên và duy trì cân bằng sinh thái", một chuyên gia về sâm Việt chia sẻ.

Sâm 'quốc bảo' Việt đi về đâu?: Cần chung tay giải bài toán khó- Ảnh 4.

Người dân Nam Trà My vẫn trồng SNL dưới tán lá rừng với quy mô nhỏ lẻ và thiếu vốn đầu tư

Sâm 'quốc bảo' Việt đi về đâu?: Cần chung tay giải bài toán khó- Ảnh 5.

Hầu hết vùng sâm Ngọc Linh vẫn trồng sâm dưới tán lá rừng

Nhìn sang xứ Hàn, một năm nước này thu hoạch khoảng 25.000 - 30.000 tấn nhân sâm, mới chạnh lòng về sản lượng SVN hiện nay. Những hội chợ SVN, nơi các địa phương quảng bá là "muốn mua được sâm thật hãy đến đây", nhưng con số tổng kết bán được mỗi kỳ hội chợ chỉ mấy chục ký sâm.

Sớm có quy trình chuẩn

Tỉnh Lai Châu thừa nhận thực tiễn việc nhân giống, bảo tồn, phát triển SLC thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nguồn lực nội tại của tỉnh chưa đủ mạnh nhằm huy động đầu tư, mở rộng vùng trồng để đưa sản phẩm SLC trở thành một trong những sản phẩm chủ lực.

Còn ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, trải lòng: "Để chương trình phát triển SVN đi vào thực tiễn thì phải triển khai nhanh. Hàn Quốc đi trước chúng ta rất lâu. Chúng ta đi chậm thì mãi mãi đi sau họ". Nhưng làm sao để "đi nhanh" khi còn chồng chất bất cập ?

Trao đổi với GS-TS Park Jeong-hill (ĐH Quốc gia Seoul, nguyên Chủ tịch Hội Nhân sâm Hàn Quốc), ông cho biết: Hơn 500 năm qua, Hàn Quốc đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trồng nhân sâm. Thời hiện đại, Hàn Quốc đã tiến bộ rất nhiều trong nghiên cứu các phương pháp trồng trọt khoa học. Có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân và cách điều trị các bệnh và sâu bọ khác nhau, tiêu chuẩn cho đất phù hợp nhất để trồng sâm; phương pháp, vật liệu để che chắn trang trại sâm. Dựa trên kết quả của những nghiên cứu lâu dài, phương pháp trồng sâm tiêu chuẩn (SGCM) đã được phát triển tại Hàn Quốc. Nông dân sử dụng SGCM này làm cơ sở và điều chỉnh phương pháp để phù hợp với riêng mình.

Sâm 'quốc bảo' Việt đi về đâu?: Cần chung tay giải bài toán khó- Ảnh 6.

Một người dân tộc Xê Đăng ở Nam Trà My (Quảng Nam) đang trồng sâm nói rằng họ không có vốn để đầu tư trồng lớn

Sâm 'quốc bảo' Việt đi về đâu?: Cần chung tay giải bài toán khó- Ảnh 7.

Mô hình trồng sâm công nghiệp tại Trung Quốc

Ở Việt Nam thì sao? Từ lúc SVN được phát hiện đến nay với nhiều đề tài nghiên cứu trồng trọt được triển khai, nhưng vẫn chưa có quy trình trồng sâm chuẩn (SOP) nào. Không có quy trình chuẩn thì yêu cầu thực hiện nuôi trồng và thu hái sâm theo nguyên tắc GACP-WHO và thực hành sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn GMP-WHO theo QĐ 611 cũng sẽ khó đạt được. "Việc kiểm soát quy trình trồng và bảo vệ người trồng, theo tôi là vấn đề cần quan tâm hiện nay", TS Phạm Quang Tuyến (Viện Nghiên cứu Lâm sinh) bày tỏ.

Nỗi lo rất lớn của những người trồng sâm Việt là Trung Quốc trồng được SLC với sản lượng cực kỳ lớn và hầu hết số đó bán lậu sang Việt Nam với giá rẻ không tưởng. Ông Võ Trung Mạnh, Phó chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông (Kon Tum), băn khoăn: "Hiện nay trên thị trường có nhiều loại sâm có hình thái rất giống SNL nên rất khó khăn trong việc quản lý thương hiệu SNL. Nhất là việc quản lý, sử dụng và xử lý vi phạm về chỉ dẫn địa lý; xử lý đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến thu mua, chế biến và lợi dụng thương hiệu SNL chưa rõ ràng, thiếu quyết liệt từ các cấp dẫn đến mất niềm tin, ảnh hưởng đến thương hiệu SNL".

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến cho rằng khi nào Việt Nam chủ động được sản lượng sâm thì sâm lậu mới hết đất sống. Giá SVN phải phân cấp được chất lượng từ phổ thông, trung và cao cấp. Ai tiền nhiều thì dùng sâm tự nhiên, ai tiền ít thì dùng sâm trồng công nghiệp. Mặt khác, cần minh bạch thị trường và sản phẩm sâm theo nguồn gốc, xuất xứ. 

3 việc cần làm ngay

Theo GS-TS Park Jeong-hill, có 3 việc cần được thực hiện ngay lập tức để phát triển sâm Việt. Thứ nhất là phát triển phương pháp trồng tiêu chuẩn để nông dân có thể trồng sâm quy mô lớn. Đây là yếu tố quan trọng cho việc sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, việc này mất rất nhiều thời gian và tiền bạc, người nông dân thông thường khó thực hiện được, mà phải do chính phủ thực hiện.

Thứ hai là nghiên cứu khoa học. Người ta chỉ sử dụng sâm Việt khi có bằng chứng khoa học cho thấy lợi ích đối với sức khỏe. Điều này đòi hỏi các nhà khoa học phải tiến hành nghiên cứu nhiều hơn nữa. Trên toàn thế giới, có hơn 15.000 bài báo khoa học về sâm. Tuy nhiên, có ít hơn 100 nghiên cứu về sâm Việt. Nếu không có nghiên cứu, sâm Việt sẽ không thể phát triển thành một sản phẩm hàng đầu thế giới.

Thứ ba là bảo tồn nguồn gien. Sâm Việt Nam về mặt di truyền có sự đa dạng rất lớn. Cần phải khẩn trương bảo đảm và bảo tồn tài nguyên di truyền đa dạng này. Bởi vì nguồn gien quan trọng nhất đang nằm trong sâm hoang dã. Đáng tiếc, sâm Việt hoang dã đang nhanh chóng cạn kiệt. Chúng ta phải bảo đảm và bảo tồn nguồn gien quý giá này càng sớm càng tốt.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.