Thông tin trên khiến chúng tôi tò mò, gặng hỏi tên, địa chỉ tay chơi sâm Việt lừng danh này. Hóa ra không phải ai xa lạ, đó là ông Việt "cuồng sâm", người đã từng xuất hiện trên Báo Thanh Niên cùng với bộ sưu tập (BST) sâm Ngọc Linh (SNL) hiếm có của mình.
Bộ sưu tập sâm Lai Châu độc đáo
Đến Bảo tàng SNL của ông Nguyễn Tấn Việt trên đường Nguyễn Sơn, Q.Tân Phú, TP.HCM, chúng tôi thấy ông đang tất bật đưa BST sâm Lai Châu (SLC) vào bảo tàng. Ông Việt cho biết PV Thanh Niên là nhà báo đầu tiên được tiếp cận BST này. BST cả ngàn củ SLC thuộc "hàng độc" chúng tôi được chiêm ngưỡng hôm nay, theo ông chủ bảo tàng sâm này, là đã "ém" không cho ai biết từ nhiều năm qua.
Chúng tôi hỏi ông Việt, tại sao lúc này không "ém" BST loài sâm được xem như "em sinh đôi" của SNL này nữa, thì ông chân thành nói: "Tại vì tôi phải chọn thời điểm. Sau khi SLC cũng được nhà nước coi là sâm quốc bảo, nay lại vừa đọc loạt phóng sự rất hay của Báo Thanh Niên viết về sâm Việt, trong đó có mấy bài nói về SLC nên tôi "ngứa nghề" công bố luôn".
Cái "hỗn danh" "ông Việt cuồng sâm" là do người đàn ông 50 tuổi này tự nhận. Cũng có lúc ông nói mình là người "điên sâm". Nhưng cái điên của ông Việt trong thế giới sâm Việt là cái điên siêu hạng, tinh quái của một nhà sưu tập. Ông Việt cho biết từ khi SNL bắt đầu nổi danh trong bá tánh thiên hạ, còn SLC vẫn ít ai ngó ngàng tới thì ông đã âm thầm sưu tập nó cùng lúc với những củ SNL vô giá cho đến bây giờ. "Cái nhạy cảm, cái điên của nhà sưu tập là ở chỗ đó. Người ta nhìn thấy được giá trị của một số vật phẩm mà những người khác chưa, hoặc không nhìn thấy", ông Việt bày tỏ. Được biết, cùng với BST SNL được dân chơi sâm Việt thứ thiệt kính nể, BST SLC của ông Việt cũng có thể khiến các nhà nghiên cứu lẫn dân sưu tầm sâm ngỡ ngàng.
Chỉ riêng số lượng hiện vật SLC với hơn 1.000 củ được tuyển chọn kỹ đã thấy mức độ "chịu chơi" của ông Việt. Nhưng sự độc đáo của BST SLC nằm ở độ tuổi, kiểu dáng. Mỗi củ SLC đều có dáng thế độc lạ, tuy nhiên dáng người với các sắc thái khác nhau như nhân sâm Hàn Quốc khá phổ biến trong BST SLC của ông Việt. Phần lớn BST SLC là sâm trồng, nhưng vẫn có không ít củ sâm tự nhiên thuộc hàng hiếm có, khó tìm. Ông Việt dè dặt cho chúng tôi xem một số củ mà ông gọi là SLC "cổ". Đó là những củ sâm từ 50 - 70 tuổi, nặng từ 500 gr đến vài ký, có củ dài gần cả mét. Đặc biệt nhất là củ SLC mà ông Việt nói vui "củ sâm thành tinh" được cất kỹ trong phòng riêng, che chắn cẩn thận. Người viết bài này cũng đã từng thấy một số củ SLC tuổi đời, chiều dài và cân nặng khá cao nhưng chưa bao giờ nhìn thấy củ sâm "quái dị" như củ sâm này. Ông Việt tiết lộ nó nặng 4,2 kg, dài 1,1 m và tuổi hơn 100 năm.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết việc ông Việt bỏ ra không biết bao nhiêu tiền của để sưu tập SNL và SLC không chỉ để thỏa mãn thú chơi, mà mục đích quan trọng hơn là giúp bảo tồn, gìn giữ những loài sâm quý của người Việt. Ông Việt tâm sự rằng: Hàn Quốc có bảo tàng nhân sâm lớn khủng khiếp. Chính phủ Hàn Quốc còn xây dựng Trung tâm Nhân sâm quốc gia tại thủ đô Seoul. Đó là nơi cung cấp những loại nhân sâm được chính phủ bảo hộ. Còn ở VN, SNL và SLC đều coi là quốc bảo, vậy mà chưa có trung tâm hay bảo tàng sâm Việt nào. "Nếu trước đây tôi chỉ nghĩ đến chơi sâm thì nay tôi phải góp một phần vào sự phát triển của sâm Việt", ông Việt tâm sự.
Trung tâm "Minh bạch sâm"
Bảo tàng SNL đầu tiên và duy nhất cho đến nay của VN do ông Việt thành lập ra đời năm 2019, được xem là bằng chứng về mức "chịu chơi", độ đặc biệt và tâm huyết của một cá nhân đối với sâm Việt. Nhưng có vẻ người đàn ông "cuồng sâm" này vẫn thấy chưa đủ. "Tôi phải chơi lớn hơn", ông Việt hào hứng nói. Cuộc chơi lớn của ông Việt hiện nay là mở rộng bảo tàng sâm, đổi tên Bảo tàng SNL thành Bảo tàng Sâm VN để trưng bày tất cả các loại củ được gọi là sâm (chủ yếu là SNL và SLC). "Tôi muốn tất cả những ai đến bảo tàng này không chỉ để chiêm ngưỡng mà hiểu biết cặn kẽ hơn về các loại sâm, đặc biệt là sâm Việt quốc bảo để yêu quý, gìn giữ, phát triển nó", ông Việt trải lòng.
Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới: Một cây sâm Lai Châu vùi cũng có trong BST - Một củ sâm Lai Châu tươi ông Việt vừa mới sưu tập - Sâm Lai Châu được trưng bày trong bảo tàng của ông Việt - Sâm Lai Châu đầy đủ các bộ phận giúp khách tham quan nhận diện - Sâm Lai Châu với đầy đủ bộ phận trưng bày giúp mọi người nhận diện, so sánh hình thái sâm Lai Châu với các loại sâm khác
Ý tưởng "độc lạ" của ông Việt là Bảo tàng Sâm VN cũng là Trung tâm "Minh bạch sâm". Ông Việt cho biết nơi đây sẽ được "mổ xẻ" cụ thể nhất, đối chứng minh bạch nhất về các loại sâm quý bản địa của người Việt (chủ yếu là SNL và SLC) và sâm "đội lốt", sâm trôi nổi trên thị trường làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sâm VN. Để tiến tới hoạt động Trung tâm "Minh bạch sâm", từ mấy năm trước, ông Việt đã bỏ hàng tỉ đồng nhập máy móc hiện đại từ châu Âu về kiểm định từng củ sâm từ định tính, định lượng, gien... Ông cũng mời một vị giáo sư có nhiều kinh nghiệm và bề dày nghiên cứu về sâm Việt điều hành khâu kiểm nghiệm, cùng với cộng sự là những cử nhân ngành dược. Được biết, phòng kiểm nghiệm chất lượng sâm này hoàn toàn độc lập với bảo tàng và bộ phận sản xuất, nhiều hiện vật và lô sản phẩm giá trị lớn nhưng qua kiểm tra không đạt đều phải loại bỏ. "Phải trả lại đúng giá trị cho hai loại sâm quốc bảo. Phải bảo vệ người trồng, người kinh doanh sâm Việt chân chính và người tiêu dùng. Vì thế, chỉ có cách mọi việc phải được minh bạch. Tôi thiết lập Trung tâm "Minh bạch sâm" với khát khao như vậy", ông Việt lý giải.
Một "cuộc chơi lớn" mà ông Việt dự định sắp tới là thiết kế tour du lịch theo "con đường sâm Việt" và xây dựng được một trung tâm sâm Việt theo mô hình của Hàn Quốc. Theo tìm hiểu của ông, Trung tâm Nhân sâm Hàn Quốc là một địa chỉ du lịch của nhiều du khách khi đến xứ sở kim chi. Tại đây có khu trồng trọt, bày bán, giới thiệu những sản phẩm nhân sâm với quy mô rất lớn. "Phải học cái hay của thiên hạ và phải vì sự phát triển chung của sâm Việt. Nếu vì lợi ích nhóm, vì sự tư lợi cá nhân thì biết bao giờ sâm quốc bảo mới phát triển xứng tầm", ông Việt trăn trở.
Bình luận (0)