Samsung ngừng nhiều quyết định, thương vụ lớn vì 'thái tử' sắp ra tòa

28/02/2017 20:14 GMT+7

Bản cáo trạng mà Phó chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong và bốn giám đốc điều hành hàng đầu khác đang đối mặt đe dọa khả năng đưa ra quyết định chiến lược của công ty.

Theo Bloomberg, các quyết định chiến lược lớn trên bao gồm những thương vụ mua bán, sáp nhập và việc thay đổi quản lý. Dù nhà sản xuất thiết bị di động lớn nhất thế giới có dàn quản lý đủ khả năng tiếp tục cho ra mắt sản phẩm mới và mở rộng hoạt động kinh doanh, bất kể thương vụ thâu tóm hay thay đổi nào về mặt quản lý hoặc cấu trúc của doanh nghiệp cũng sẽ cần phải chờ đến khi vấn đề pháp lý của ông Lee lắng xuống.
Phó chủ tịch Samsung Electronics bị cáo buộc bơm hàng chục triệu USD vào các thực thể do Choi Soon-sil, bạn thân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye quản lý để đổi lấy sự ủng hộ từ chính phủ cho vụ sáp nhập doanh nghiệp hồi năm 2015 giúp ông củng cố thêm chiếc ghế lãnh đạo. Bản cáo trạng đối với ông Lee là đòn giáng mạnh vào doanh nghiệp có trụ sở ở Suwon (Hàn Quốc) giữa lúc họ đang cố gắng lấy lại thăng bằng sau vụ mẫu smartphone Note 7 thất bại hồi năm ngoái.
“Samsung sẽ chọn cách tiếp tục bảo thủ trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh chứ không phải là thực hiện các quyết định quản lý tích cực, chẳng hạn như cắt giảm các thương vụ lớn ở nước ngoài hay bỏ vốn đầu tư lớn”, Chủ tịch Park Ju-gun của CEOSCORE, đơn vị giám sát doanh nghiệp ở Seoul, nói.
Sóng gió đã khiến tập đoàn Samsung phải giải tán Văn phòng Chiến lược Doanh nghiệp, bộ phận cấp cao ra quyết định cho hãng song lại có liên quan đến vụ điều tra tham nhũng. Việc này có thể cản trở doanh nghiệp có tiếng xứ Hàn đưa ra quyết định kinh doanh.
Samsung phủ nhận việc Phó chủ tịch 48 tuổi của hãng dùng tiền để đổi lại lợi ích từ giới chính trị. Hãng hiện vẫn còn vài giám đốc điều hành khác có thể lấp khoảng trống của ông Lee, chẳng hạn như Phó chủ tịch Kwon Oh-hyun và trưởng bộ phận hàng điện tử tiêu dùng Yoon Boo-keun.
“Samsung Electronics đang có đội ngũ quản lý mạnh mẽ, được dẫn dắt bởi ba CEO. Bộ ba này thể hiện rất tốt và sẽ nỗ lực hết sức để lèo lái hoạt động của chúng tôi, không để nó bị gián đoạn”, Samsung cho biết.
Một nguy cơ tiềm năng đang đứng trước Samsung Electronics là chính phủ Hàn Quốc có thể gia tăng áp lực lên hệ thống chaebol - các tập đoàn liên kết chặt chẽ với kinh tế nước nhà và nằm dưới sự kiểm soát của một vài gia đình. Chuyên gia Park cho hay: “Nếu đảng đối lập lên nắm quyền vào năm nay vì bê bối chính trị, họ sẽ thúc đẩy sửa đổi luật thương mại vốn có thể rất tai hại cho các chaebol”.
Cả đế chế tập đoàn Samsung trải dài trên các mảng thiết bị điện tử, đóng tàu và bảo hiểm, có tổng doanh thu tương đương với khoảng 1/5 GDP Hàn Quốc. Nhiều thập niên qua, ông Lee được chuẩn bị để tiếp quản tập đoàn do ông nội của ông sáng lập và được chuyển giao quyền quản trị cho cha ông, ông Lee Kun-hee, trong quá khứ.
Ông Lee Jae-yong chưa từ bỏ bất cứ chức vụ nào trong doanh nghiệp kể từ ngày bị bắt 17.2. Ông có thể được bảo lãnh để tại ngoại một khi chính thức bị truy tố và tòa án Hàn Quốc phải đưa ra quyết định trong vòng ba tháng.
Dù vướng nhiều bê bối, cổ phiếu Samsung hiện vẫn có giá cận mức cao kỷ lục. Điều này cho thấy thị trường dự báo sự ổn định ngay cả sau khi Phó chủ tịch Samsung Electronices bị buộc tội, Giáo sư quản trị kinh doanh Yi Han-sang tại Đại học Hàn Quốc ở Seoul nói. “Không có vẻ như cổ phiếu bị hạ xuống 20%, 30%”, ông Yi nhận định. Thuốc thử kế tiếp dành cho hãng này có thể là đợt ra mắt mẫu smartphone S8 mới sẽ diễn ra vào cuối tháng 3.

tin liên quan

Người thừa kế Samsung sắp bị luận tội
Giới công tố viên Hàn Quốc đang có kế hoạch kết tội ông Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics kiêm người thừa kế tập đoàn Samsung, về tội hối lộ cùng bốn giám đốc điều hành khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.