Đài kiểm soát không lưu tại sân bay Long Thành được thiết kế theo ý tưởng hình búp sen có màu sắc và kết cấu kiến trúc hài hòa với nhà ga hành khách và các công trình xung quanh.
Công trình này cao 123 m, đường kính thân tháp 10 m, cabin kiểm soát có diện tích khoảng 150 m2; 2 cabin kiểm soát sân đỗ với diện tích mỗi cabin khoảng 70 m2.
Sân bay Long Thành: Xuyên lễ thi công đài kiểm soát không lưu cao nhất Việt Nam
Hiện đài kiểm soát không lưu đã hoàn thành đổ bê tông đến Cos +66,555 m. Trên công trường, các nhà thầu huy động thường xuyên gần 200 kỹ sư, công nhân và máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công làm việc liên tục.
Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành được ví là khối óc của sân bay Long Thành. Ngoài đài không lưu cao 123 m còn có các hạng mục phụ trợ gồm trạm radar sơ cấp/thứ cấp và trạm thu phát sóng vô tuyến VHF không địa; radar khí tượng, đai dẫn đường đa hướng và đo cự ly; hệ thống giám sát đa điểm; hệ thống quan trắc thời tiết tự động; hệ thống cảnh báo gió đứt; hệ thống kết nối thông tin, dữ liệu giữa các công trình bảo đảm hoạt động bay; hệ thống cấp điện trung thế cho các công trình bảo đảm hoạt động bay.
Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án đài kiểm soát không lưu và các hạng mục phụ trợ là gần 3.500 tỉ đồng từ nguồn vốn hỗn hợp, bao gồm vốn của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và vốn vay thương mại trong nước.
Theo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, đài kiểm soát không lưu và các hạng mục phụ trợ được thiết kế theo công nghệ tự động hóa hiện đại nhất hiện nay và có định hướng mở để đầu tư công nghệ trong tương lai. Là công trình hạ tầng có quy mô lớn, công nghệ phức tạp nhất từ trước tới nay mà đơn vị từng thực hiện.
Ngày 26.4 vừa qua, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cùng chủ đầu tư và các nhà thầu đã ký giao ước thi đua. Theo đó, phấn đấu hoàn thành đổ bê tông thân đài kiểm soát không lưu đến Cos +75,580 m trước ngày 19.5, chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2024). Hoàn thành đổ bê tông thân đài đến Cos +84,705 m trước ngày 20.6.
Dự án sân bay Long Thành có diện tích gần 5.000 ha. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án sẽ xây dựng 1 đường cất hạ cánh (số 1) dài 4.000 m, rộng 75 m và hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại tàu bay hoạt động, đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 109.111 tỉ đồng.
Đại công trường sân bay Long Thành rực sáng đêm cuối năm
Dự kiến dự án sân bay Long Thành sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.
Bình luận (0)