Chiều 14.11, QH đã thảo luận về chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
|
Là người tham gia quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía nam, ĐB Lịch khẳng định việc có một sân bay quốc tế thứ 2 ở khu vực này là “bắt buộc”. Chuỗi đô thị vùng sẽ được nối kết bởi Long Thành, giao thông đối ngoại của TP.HCM sẽ không đặt ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), dự án đã nằm trong quy hoạch tổng thể từ 10 năm trước nhưng nay mới được đưa ra QH là quá muộn. Tại Đồng Nai, nhiều công trình thành phần đã được xây dựng xong nhưng người dân vẫn sống trong tình trạng dự án treo và điều này ảnh hưởng đến niềm tin của người dân. “Chúng ta đánh giá cao dự án do Chính phủ trình nhưng không thể không quan tâm các ý kiến phản biện xã hội”, ĐB Quốc nói và đề nghị cần tranh thủ mời các chuyên gia, tổ chức độc lập cả trong và ngoài nước để thẩm định khách quan, để có thể trả lời tự tin các mục tiêu sẽ trở thành khả thi mà Chính phủ trình bày.
Không đầu tư sẽ không thể phát triển
ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng sân bay Long Thành vừa cần thiết vừa cấp thiết. Đây là dự án mang tính chiến lược, tạo cú hích mạnh mẽ để phát triển bứt phá ngành hàng không dân dụng và GTVT nói chung. “Sân bay Long Thành ở vị trí trung tâm sẽ phát huy tối đa hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông mới được đầu tư xây dựng, kết nối đường bộ như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành. Kết nối sông Đồng Nai, cảng biển Vũng Tàu và sắp tới là hệ thống đường sắt đô thị và cả đường sắt quốc gia”, ĐB Thường nói.
Vẫn theo ĐB Thường, sân bay Tân Sơn Nhất trong vòng vài năm tới sẽ quá tải công suất thiết kế 25 triệu lượt khách/năm, cùng với mở cửa bầu trời và bùng phát hàng không giá rẻ sẽ tạo áp lực lớn lên việc phát triển kinh tế xã hội. Trong khi việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là gần như bất khả thi, bởi sân bay nằm ngay trong thành phố, với sự quá tải nghiêm trọng của hệ thống hạ tầng, như dưới mặt đất là sự quá tải của hệ thống giao thông, đô thị do sân bay nằm giữa vùng dân cư đông đúc và hoàn toàn không được kết nối với hệ thống giao thông quốc gia. Tuy nhiên, ĐB Thường cũng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận tại sao ích lợi, cần thiết và cấp thiết như vậy mà vấn đề đầu tư sân bay Long Thành lại tạo tâm lý lo lắng, băn khoăn trong dư luận.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng: “Nếu chúng ta làm tốt không những trả nợ được mà còn làm giảm nợ công vì tăng thu ngân sách. Nhưng quan trọng là Chính phủ phải giải trình cho rõ ràng để ĐB, người dân hiểu tầm quan trọng của dự án vì lợi ích quốc gia, sự phát triển của đất nước”.
Ngân sách 2015 hạn chế tối đa chi cho dự án mới Hôm qua, với tỷ lệ tán thành 92,96%, QH đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết dự toán phân bổ Ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2015. Theo nghị quyết, tổng số thu cân đối NSTƯ năm 2015 là 589.807 tỉ đồng; tổng số thu cân đối NS địa phương là 331.293 tỉ đồng. Tổng số chi cân đối NSTƯ là 815.807 tỉ đồng, gồm cả 229.221 tỉ đồng bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu từ NSTƯ cho địa phương. Vốn NSTƯ sẽ chỉ tập trung phân bổ vốn đầu tư phát triển tập trung; trả nợ xây dựng cơ bản và dự án có thời gian hoàn thành trong năm 2015. Ngoài ra, các khoản chi NS năm tới cũng sẽ hạn chế tối đa chi cho dự án mới, hoàn trả vốn NS ứng trước bao gồm trái phiếu chính phủ; cân đối đủ nguồn vốn không làm phát sinh nợ xây dựng cơ bản; rà soát các khoản chi thường xuyên tại địa phương để cơ cấu lại hợp lý, hiệu quả... Nghị quyết cũng giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành địa phương, UBND quyết định giao dự toán chi NS năm 2015 theo đúng nghị quyết trước 31.12.2014. |
Trường Sơn
>> Quốc hội thảo luận dự án sân bay Long Thành: Ủng hộ nhưng vẫn băn khoăn
>> Cần minh bạch hiệu quả đầu tư sân bay Long Thành
>> Làm rõ hiệu quả, nguồn vốn xây dựng sân bay Long Thành
Bình luận (0)