|
Chưa vi phạm nên không cắt hợp đồng
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài (NIAGS) cho hay, sau bài báo ngày 3.9, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Xí nghiệp môi trường đô thị (MTĐT) Sóc Sơn vẫn nói “cứ yên tâm, vẫn đủ điều kiện thực hiện hợp đồng”.
Tuy nhiên, trước câu hỏi chất thải liệu có tiếp tục bị đổ ra môi trường tự nhiên, ông Đức cho biết: “Theo hợp đồng NIAGS không có chức năng giám sát vấn đề này. Chúng tôi làm theo hợp đồng kinh tế, Sóc Sơn không vi phạm, chưa có gì sai nên không cắt được hợp đồng”.
Theo hợp đồng đã ký với NIAGS, Xí nghiệp MTĐT Sóc Sơn ký tiếp với bên thứ ba là Công ty cổ phần thoát nước vệ sinh môi trường Hà Nội, công ty này lại ký tiếp với 2 công ty để xử lý thải là chi nhánh Tổng công ty Sông Gianh và Công ty cổ phần vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội.
Nhưng tới chiều 6.9, trao đổi với Thanh Niên, cả hai doanh nghiệp nói trên đều cho biết không tiếp nhận bất kỳ xe chất thải nào của Xí nghiệp MTĐT Sóc Sơn. Như vậy, đến lúc này vẫn chưa biết số chất thải Xí nghiệp MTĐT Sóc Sơn tiếp nhận từ Nội Bài trong những ngày qua đã chuyển đi đâu. Tuy nhiên, với những vi phạm xả thải ra môi trường đã được chứng minh, và hợp đồng với 2 công ty đầu cuối trong chu trình xử lý thải chỉ là hợp đồng ma, rất khó hiểu khi NIAGS hay đơn vị quản lý cấp cao hơn là Cảng vụ hàng không miền Bắc chưa có những động thái nghiêm khắc, mà vẫn buông trôi thả nổi cho Xí nghiệp MTĐT Sóc Sơn?
Xí nghiệp MTĐT Sóc Sơn là lựa chọn duy nhất ?
Theo ông Đoàn Minh Quân, Phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Bắc, vấn đề đã tồn tại nhiều năm qua là Xí nghiệp MTĐT Sóc Sơn chỉ có trạm trung chuyển mà không có khả năng xử lý chất thải lỏng, nên phải ký với đối tác khác.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Xí nghiệp MTĐT Sóc Sơn không đủ khả năng xử lý nhưng vẫn được lựa chọn? Ông Nguyễn Hữu Đức lý giải, do Sóc Sơn là đơn vị duy nhất có trạm trung chuyển rác thải và cũng do tính chất ưu tiên các doanh nghiệp trên địa bàn, nên "bắt buộc" phải ký. Nếu không ký với Sóc Sơn thì cụm cảng phải xây trạm trung chuyển rác thải. “Nếu chọn đối tác khác thì phải tìm trạm trung chuyển tập kết, từ đó mới phân loại đưa đi xử lý”, ông Quân nói.
Thực tế, trên địa bàn Hà Nội còn hai đơn vị xử lý rác thải khác là Tổng công ty Sông Gianh và Urenco 7, nhưng trả lời câu hỏi tại sao không lựa chọn các đối tác này, theo ông Đức, “Xí nghiệp MTĐT Sóc Sơn cam kết trong hợp đồng sẽ thu gom, xử lý tất cả, nên chúng tôi rất yên tâm ký. Nếu các công ty kia vào đây cũng sẽ phải làm như Sóc Sơn tức là xây dựng chân rác (trạm trung chuyển)”.
Theo hợp đồng NIAGS ký với Xí nghiệp MTĐT Sóc Sơn, lượng vận chuyển trung bình năm là hơn 2.000 khối, đơn giá 358.000 đồng/khối. Trong khi đó, theo tìm hiểu của Thanh Niên, Công ty MTĐT Sóc Sơn thuê lại phía Công ty CP thoát nước vệ sinh môi trường Hà Nội với đơn giá 190.619 đồng/khối phân bể phốt.
Trung tá Phạm Hoàng Cầm, Đội phó đội 2 thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP.Hà Nội) cho biết đã cử cán bộ, trinh sát tiến hành xác minh sự việc Báo Thanh Niên đã nêu. Nếu phát hiện vi phạm xả thải ra môi trường thì sẽ tiến hành xử lý đúng pháp luật. |
Mai Hà - Hà An
Bình luận (0)