Một chuỗi doanh nghiệp đang kiếm tiền từ việc vận chuyển, xử lý phân, rác thải ở sân bay Nội Bài. Nhưng trên thực tế, số chất thải đó không hề được đưa tới các xí nghiệp môi trường.
Trạm trung chuyển chất thải Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đặt tại xã Phú Minh (H.Sóc Sơn, TP.Hà Nội), do Xí nghiệp môi trường đô thị (XNMTĐT) Sóc Sơn xây dựng và quản lý. Chức năng của trạm là tập kết các loại rác thải và phân bể phốt từ các chuyến bay và nhà ga T1 của sân bay quốc tế Nội Bài trước khi đem đi xử lý. Tuy nhiên, XNMTĐT Sóc Sơn không trực tiếp thực hiện việc vận chuyển, xử lý mà lại đi thuê Công ty cổ phần (CTCP) thoát nước vệ sinh môi trường Hà Nội làm việc này.
Không ký với bọn tôi cũng chẳng ký với bên nào. Họ thích đổ đâu thì đổ. Có bãi trâu bò, có cái mương ở gần đó, thế là xả ra, chảy đi đâu thì chảy |
||
Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc XNMTĐT Sóc Sơn |
||
Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc XNMTĐT Sóc Sơn, cho biết: Xí nghiệp không có đủ chức năng và phương tiện để vận chuyển cũng như xử lý phân bể phốt trên máy bay nên phải liên kết với CTCP thoát nước vệ sinh môi trường Hà Nội. Phân bể phốt sau khi được thu gom từ máy bay, nhà ga T1 sẽ được tập kết tại trạm trung chuyển, rồi CTCP thoát nước vệ sinh môi trường Hà Nội cho xe đến hút, chuyển tới địa điểm xử lý. Quy trình xử lý sau đó như thế nào thì ông Giang nói mình không nắm rõ. Chỉ biết rằng, trung bình mỗi năm sân bay Nội Bài thải ra khoảng trên 4.000 tấn phân. Toàn bộ số chất thải này đều do CTCP thoát nước vệ sinh môi trường Hà Nội vận chuyển đi xử lý.
“Ngày nào cũng có xe đến hút từ 1 - 2 lần. Ở trạm trung chuyển lúc nào cũng có người của tôi ở đó, bất kể xe nào ra vào, làm gì đều được ghi vào sổ sách cẩn thận lắm”, ông Giang khẳng định. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2013, đã có 2.024 tấn phân được nghiệm thu khối lượng vận chuyển tại trạm trung chuyển này.
Phân thải đi đâu ?
Để trả lời câu hỏi trên, Thanh Niên đã nhiều ngày nhập vai xe ôm chở khách ở khu vực sân bay Nội Bài, ghi nhận quy luật hoạt động bơm hút và vận chuyển phân bể phốt trên các chuyến bay từ trạm trung chuyển. Trung bình mỗi ngày có hai lượt xe ra vào trạm vào khoảng thời gian cuối giờ sáng và cuối giờ chiều.
9 giờ 15 phút ngày thứ bảy cuối tháng 8, từ hướng thị trấn Sóc Sơn, chiếc ô tô bồn màu trắng nhạt mang BKS 29C- 117.88 của CTCP thoát nước vệ sinh môi trường Hà Nội chạy thẳng vào Trạm trung chuyển chất thải Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Sau chừng 20 phút, chiếc xe bồn quay trở ra, nhằm hướng thị trấn Sóc Sơn thẳng tiến. Chúng tôi bám theo. Xe rẽ trái ra quốc lộ (QL) 3, trước khi rẽ phải sang QL18 rồi lao một mạch tới tận thị trấn Chờ (H.Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Tới khu vực vắng vẻ, ít người qua lại, lái xe xi nhan tấp vào lề đường. Một thanh niên nhảy xuống gỡ đoạn ống bơm hút quấn quanh bồn cắm xuống ruộng lúa… Chợt phát hiện ra sự có mặt của chúng tôi, anh ta đột ngột thu đoạn đường ống rồi nhảy lên xe. Trong tích tắc chiếc xe lao vun vút về QL1A, rồi hướng ra QL5. Không biết điểm đến tiếp theo của chiếc xe này là đâu, nhưng theo tính toán của chúng tôi, riêng quãng đường chiếc xe bồn đã đi từ lúc ra khỏi trạm trung chuyển chất thải lên tới gần 80 km. Hướng chiếc xe bồn di chuyển không hề có địa điểm nào xử lý phân bể phốt.
|
Hợp đồng “ma”
Phải khó khăn lắm chúng tôi mới lần ra trụ sở của CTCP thoát nước vệ sinh môi trường Hà Nội đặt tại một ngôi nhà sâu trong ngõ 2/59 đường Ngọc Thụy (Q.Long Biên, TP.Hà Nội). Thật bất ngờ, tại đây, ông Từ Minh Quân, Giám đốc khẳng định, phía công ty của ông chỉ hợp đồng chở thuê phân từ các chuyến bay theo đề nghị của XNMTĐT Sóc Sơn, còn đơn vị chịu trách nhiệm xử lý số chất thải này lại là chi nhánh Tổng công ty (TCT) Sông Gianh tại Hà Nội và CTCP vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội.
Giải thích về những hợp đồng liên kết dây chuyền kiểu này, ông Quân khẳng định do hai doanh nghiệp trên đều hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phân vi sinh nên công ty của ông đã đề nghị được đổ miễn phí toàn bộ số phân hút tại trạm trung chuyển chất thải Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho họ làm nguyên liệu sản xuất. Khi chúng tôi đề nghị được xem giấy tờ, sổ ghi chép, thống kê lượng phân mà công ty của ông Quân cung cấp cho TCT Sông Gianh và CTCP vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội xử lý, thì ông này lại trả lời là không có. “Chúng tôi chấp nhận cung cấp miễn phí cho họ nên chỉ biết chở vào đổ chứ ai thống kê làm gì. Có phải quyết toán đâu mà theo dõi khối lượng chứ. Dưới đó họ chứng nhận cho chúng tôi mà”, ông Quân nói. Điều lạ là biên bản nghiệm thu khối lượng công việc 6 tháng đầu năm giữa XNMTĐT Sóc Sơn và CTCP vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội đều ghi rõ “cung cấp đầy đủ hóa đơn chứng từ, hóa đơn tài chính xử lý phân bùn để làm cơ sở thanh quyết toán theo từng đợt”.
|
Để kiểm chứng tính chính xác cho thông tin mà ông Quân cung cấp, chúng tôi tiếp tục tìm đến tận xưởng sản xuất của chi nhánh TCT Sông Gianh có trụ sở tại tổ 8, thị trấn Cầu Diễn (H.Từ Liêm, TP.Hà Nội) và CTCP vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội tại Khu công nghiệp Cầu Giáo (H.Đan Phượng, TP.Hà Nội). Tại đây, điều không ngờ lại tiếp tục xảy ra: cả hai đại diện của hai đơn vị này đều khẳng định chưa hề nhận bất cứ một chuyến xe chở phân bể phốt nào của CTCP thoát nước vệ sinh môi trường Hà Nội.
Ông Ngô Minh Lễ, Quản đốc phân xưởng chi nhánh TCT Sông Gianh tại Hà Nội, cho biết phía ông Quân có cử người đến đề nghị được đổ phân bùn bể phốt tại xưởng để làm nguyên liệu sản xuất phân vi sinh nhưng hai bên thống nhất chỉ khi nào phía Sông Gianh có nhu cầu và chủ động liện lạc đề nghị thì công ty của ông Quân mới được cho xe chở đến. “Từ lúc đó đến giờ chúng tôi chưa bao giờ gọi cho họ vì chưa có nhu cầu. Họ đổ ở đâu thì tôi không biết chứ chỗ chúng tôi chưa hề nhận bất cứ một xe phân bể phốt nào của họ”, ông Lễ khẳng định. Trong khi đó, ông Trịnh Xuân Lưu, Giám đốc CTCP vệ sinh môi trường đô thị Hà Nội, nói: “Hợp đồng ký xong được mấy ngày thì anh Quân có gọi điện nói là không xuống công ty tôi đổ phân được vì quãng đường xa quá, làm không có lãi”.
|
Nguy hại môi trường
Cần nói thêm, trên mỗi chuyến bay, một loại hóa chất được đổ vào bồn cầu để xử lý tạm thời lượng phân thải ra. Do vậy nếu không qua xử lý nghiêm ngặt, lượng phân trên lại được đổ ra môi trường, mối nguy hại sẽ rất khó lường.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS-TS Nguyễn Đình Hòe, Tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho hay: Có những đoàn khách tới từ vùng có dịch bệnh, chính vì vậy sau khi phân được hút ra khỏi bồn cầu cần phải được quản lý, xử lý đúng quy trình, không được đổ trộm ra môi trường, nếu không nguy cơ ô nhiễm môi trường, phát sinh bệnh dịch là rất lớn. Ngoài ra, loại hóa chất dùng cho bồn cầu trên máy bay cũng cần thông tin tới cơ quan chức năng xem có đạt chuẩn hay không.
Ông Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, trước đây khi bể chứa chất thải tại trạm trung chuyển chưa được xây dựng, tất cả phân, chất thải lỏng hút ra từ máy bay đều được xả thẳng ra môi trường mà không qua xử lý. “Họ hút từ sân bay, đổ luôn ra cánh đồng. Không ký với bọn tôi cũng chẳng ký với bên nào. Họ thích đổ đâu thì đổ. Có bãi trâu bò, có cái mương ở gần đó, thế là xả ra, chảy đi đâu thì chảy”, ông Giang nói.
Với việc thiếu những quy định giám sát chặt chẽ như hiện nay, thực tế đó dường như không hề thay đổi, có chăng là kín đáo và vòng vèo hơn trước mà thôi.
Hà An - Nam Anh
Bình luận (0)