Sân chơi không bạo lực

04/10/2018 09:24 GMT+7

Một sân chơi mở vào dịp cuối tuần đầy ắp tiếng cười và chứa đựng rất nhiều thông điệp gửi phụ huynh, thầy cô giáo: Tất cả vì một tương lai tốt đẹp cho trẻ nhỏ.

Ngày hội Lan tỏa yêu thương - thúc đẩy giáo dục không bạo lực với chủ đề "Con là duy nhất sao phải so sánh" vừa được Sở LĐ-TBXH tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi động cuối tuần qua, chia sẻ những phương pháp giáo dục không bạo lực đối với trẻ em để phụ huynh, thầy cô giáo, người chăm sóc trẻ “tham khảo”.
Nhiều phụ huynh đã đội mưa đưa con đến Nhà thiếu nhi TP.Huế tham gia chương trình ngày hội, với nhu cầu muốn được tư vấn nhiều hơn về tâm lý trẻ nhỏ, qua đó có phương cách giáo dục phù hợp nhất ngay từ khi con còn nhỏ.
Ngày hội cũng trở thành nơi gặp gỡ giao lưu cho hàng trăm trẻ em. Các em có cơ hội thể hiện tài năng vẽ tranh, ca hát về chủ đề gia đình, bố mẹ…
Lỗi thời “thương cho roi cho vọt”
Đây là lần phát động đầu tiên, diễn ra ở TP.Huế từ chủ trương của Bộ LĐ-TBXH.
Tất cả hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo... về việc loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em. Đã đến lúc chấm dứt việc so sánh, phân biệt đối xử với trẻ em và thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ.

Bà Phan Minh Nguyệt, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Thừa Thiên-Huế, chia sẻ: "Hiện nay ở một số nước phát triển, việc trừng phạt thân thể trẻ em vẫn còn diễn ra, mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm. Tại VN, nhiều bậc phụ huynh vẫn thường dạy dỗ, giáo dục con cái bằng hình thức nghiêm khắc nhiều hơn là giáo dục tình cảm”.
Theo bà Nguyệt, trong vòng 3 năm trở lại đây, tại Thừa Thiên- Huế chỉ có 1 vụ bạo lực học đường, 2 vụ bạo lực gia đình và ngoài xã hội, 15 trường hợp xâm hại tình dục trẻ em… Tuy nhiên, đó chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bị phát hiện và dư luận lên án.
Và trên thực tế, ở những vụ trừng phạt thân thể trẻ em “quá tay” ảnh hưởng đến nhân phẩm, tính mạng của trẻ thì dư luận mới biết tới và lên án, còn lại đa phần cứ suy nghĩ theo lối “thương cho roi cho vọt”. Đây là lối suy nghĩ không còn phù hợp.
Ngày hội lần đầu tiên này còn thu hút nhiều sinh viên thuộc các trường ĐH tại Huế tham gia, hòa mình vào “không gian” hồn nhiên của trẻ nhỏ để có cái nhìn sâu hơn về trẻ. Sự nhập cuộc của thanh niên ở sân chơi trẻ em đã gián tiếp kêu gọi hãy luôn lắng nghe và làm bạn với trẻ, cho trẻ cơ hội diễn đạt cảm xúc, khuyến khích trẻ đưa ra giải pháp cho những vấn đề cá nhân gặp phải...
Thật ngẫu nhiên khi sân chơi không bạo lực tại TP.Huế mở ra ngay thời điểm địa phương này vừa bàn tán xung quanh câu chuyện một cô giáo dạy lớp tại Trường tiểu học Lê Lợi đã buộc học sinh trong lớp phải… ngậm cây bút chì ngang miệng trong vài phút, vì các em nói chuyện, ném vở vào nhau, lấy bút chì chọc vào nhau rất nguy hiểm.
Với cô giáo, đây là “giải pháp tình thế” và nhanh chóng kết thúc, nhưng câu chuyện lan truyền qua mạng xã hội đã tạo nên các luồng ý kiến trái chiều. Sau đó, tập thể phụ huynh của lớp kiến nghị nhà trường xử lý sự việc hợp tình hợp lý, chỉ dừng ở việc nhắc nhở cô giáo rút kinh nghiệm chuyên môn và không yêu cầu xin lỗi. Nhiều ý kiến khác nhận định đây là phương pháp không hay, không khuyến khích nhưng “có thể cảm thông”…
Để thấy, mọi tác động đối với trẻ, dù dưới hình thức nào cũng cần cân nhắc, và đặc biệt phải sớm lan tỏa trong cộng đồng thông điệp lan tỏa yêu thương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.